Các clip do Đỗ Thị Hảo (23 tuổi, quê Vĩnh Phúc) thực hiện ghi lại cuộc sống làm nông trong một trang trại bò sữa ở Đan Mạch cũng như những khám phá về thiên nhiên, con người ở quốc gia này được nhiều cư dân mạng quan tâm, nhất là các bạn trẻ. “Trở thành thực tập sinh nông nghiệp ở một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có khó không?”, là câu hỏi nhiều người thường đặt ra với Hảo.
|
Bà Rian Cornelissen rất quý Hảo và các thực tập sinh VN
|
Muốn tự giải đáp thắc mắc
Là sinh viên của Học viện Nông nghiệp VN (Hà Nội), sau khi cố gắng hoàn thành chương trình học trong vòng 3 năm, Hảo dành trọn 1 năm để chuẩn bị cho hành trình làm thực tập sinh nông nghiệp ở Đan Mạch, nhất là chuyện học ngoại ngữ.
|
Hảo sang Đan Mạch theo diện thực tập sinh, làm việc trong một trang trại bò sữa
|
Dù có nhiều lựa chọn, Hảo quyết định đến với Đan Mạch bởi cô bị thu hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên, con người ở quốc gia Bắc Âu này qua sách vở và internet, cũng như mong muốn tự thân đi tìm lời giải cho thắc mắc: “Vì sao Đan Mạch là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?”.
Sau khi trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và chi phí cần thiết, tháng 7.2021, Hảo chính thức sang Đan Mạch làm thực tập sinh, với công việc là vắt sữa bò trong một trang trại ở thị trấn Rødekro (đô thị Aabenraa). Đây là một vùng quê yên bình, xanh tươi hoa lá.
“Những ngày đầu sang đây, trở ngại lớn nhất chính là rào cản ngôn ngữ và thời tiết quá lạnh vào mùa đông, có khi nhiệt độ xuống tới -20 độ C. Nhưng mình thích nghi và hòa nhập nhanh chóng với vùng đất mới”, cô gái trẻ kể lại.
|
Những lúc rảnh rỗi, Hảo tranh thủ thăm thú, khám phá nhiều nơi
|
Làm việc ở nông trại, công việc chính của Hảo là vắt sữa bò. Hằng ngày, Hảo thức dậy từ khoảng 2 giờ để chuẩn bị và làm việc từ 3 giờ đến 7 - 8 giờ. Sau đó, cô dành thời gian nghỉ ngơi, thăm thú nhiều nơi của Đan Mạch và một số quốc gia lân cận, cũng như tranh thủ quay dựng clip chia sẻ lên mạng xã hội.
Với công việc này, mỗi tuần Hảo chỉ làm 37 tiếng, thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng mỗi tháng. Tiền thu được, Hảo chi trả sinh hoạt phí, gửi về cho gia đình và tiết kiệm để thực hiện nhiều dự định tương lai.
“Sự thân thiện và ấm áp của người dân địa phương cũng như cộng đồng người Việt đã khiến nỗi nhớ quê hương của mình vơi đi phần nào. Mình có cảm giác Đan Mạch cũng gần gũi, thân thuộc như ở chính quê hương VN”, Hảo chia sẻ.
Người Đan Mạch thân thiện
Suốt thời gian qua, nhờ trải nghiệm làm một nông dân thực thụ trong trang trại, Hảo học được nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Với một cô gái trẻ năng động, việc đi làm việc ở một nơi xa lạ không khó, chỉ cần thực sự nỗ lực và cố gắng.
Kể lại những trải nghiệm của bản thân qua các video clip, Hảo hy vọng có thể lưu giữ những khoảnh khắc thật đẹp của tuổi thanh xuân cũng như để người nhà theo dõi và không phải lo lắng. Thêm vào đó, cô cũng hy vọng kết nối, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa và sự gắn bó giữa người Đan Mạch và người VN.
“Thực tập ở Đan Mạch không khó như mọi người tưởng. Nếu ai có bất kỳ thắc mắc gì, mình sẵn sàng chia sẻ với các bạn”, Hảo nói thêm và cho biết điều cô ấn tượng nhất trong hành trình làm nông ở Đan Mạch chính là sự thân thiện của bà Rian Cornelissen, chủ trang trại cô làm việc. Bà hết lòng yêu quý, giúp đỡ cô và những nhân viên người Việt khác. Theo lời kể, bà thường xuyên chở Hảo đi siêu thị mua thực phẩm cũng như chăm sóc, hỗ trợ cô những lúc đau ốm như người thân trong gia đình.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Rian Cornelissen nói rất thích các lao động người VN bởi học hỏi nhanh, năng động và rất chăm chỉ. “Nhiều năm trước, những người Việt bắt đầu làm việc trong trang trại của tôi theo diện thực tập sinh. Từ đó, tôi chỉ muốn càng có nhiều người Việt sang làm ở đây càng tốt. Ai cũng dễ thương và chăm làm”, bà nói.
Theo lịch thì cuối năm nay Hảo sẽ trở về VN sau khi kết thúc kỳ thực tập. Cô hy vọng những kiến thức và kỹ năng đã học được ở Đan Mạch sẽ giúp ích cho công việc tương lai trên quê hương.
Theo Thanh niên