Ông Lucas Delattre, giáo sư Học viện Thời trang Pháp, thành viên ban giám khảo, phân tích với Thanh Niên: "Môi trường hiện là đề tài được quan tâm hàng đầu đối với ngành thời trang. Cho đến nay, ngành công nghiệp thời trang - may mặc vẫn bị xem là lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm: ô nhiễm nguồn nước; hao tốn nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể; quần áo từ các sợi vải tổng hợp khi không sử dụng nữa sẽ là lượng rác thải gây tác động xấu đến môi trường… Và quan trọng nhất là tình trạng sản xuất và tiêu thụ quá mức so với nhu cầu. Thống kê sơ bộ cho thấy từ năm 2000 đến nay, chỉ hơn hai thập niên, mà lượng quần áo được sản xuất trên thế giới đã tăng lên gấp đôi".
Chuyên gia Delattre đánh giá cao tinh thần “thời trang có trách nhiệm” của các nhà thiết kế tham gia cuộc thi. Viện Pháp tại Việt Nam
Theo ông Delattre, sẽ rất khó để thật sự "phát triển bền vững", giải quyết tận gốc rễ của vấn đề - tức tình trạng sản xuất dư thừa so với nhu cầu - trong bối cảnh các công ty thời trang - may mặc đều muốn giảm chi phí, tăng doanh số, và nhanh chóng giới thiệu bộ sưu tập mới… Tuy nhiên, vẫn có những chuyển động mang tính tích cực như sự xuất hiện của một số công ty thời trang sản xuất hoàn toàn với vật liệu tái chế; các loại vật liệu tự nhiên ngày càng được ưa chuộng hơn; người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm có quy trình sản xuất tôn trọng thiên nhiên... Tại Pháp, từ năm 2023, nhà sản xuất và nhà phân phối không còn được quyền thiêu hủy những sản phẩm dệt may tồn kho.
Á quân Nguyễn Nhật Nghi và bộ sưu tập "Mùa hoa". Lan Chi
Cùng trên tinh thần "thiết kế xanh", bộ sưu tập "Mùa hoa" của cô gái đạt giải á quân Nguyễn Nhật Nghi có khoảng 70% số vật liệu được sử dụng lấy từ trang phục tái chế như quần jeans, áo khoác, áo sơ mi… Nhật Nghi chia sẻ: "Ngành công nghiệp thời trang có một phần trách nhiệm khiến tình trạng biến đổi khí hậu nặng nề hơn. Là một nhà thiết kế trẻ, tôi thấy rõ sự quan trọng của yếu tố thân thiện với môi trường. Đây cũng là mối quan tâm của những ai làm nghề này, tất cả đều đang cố gắng giảm thiểu những tác động xấu đến thiên nhiên. Bằng chứng là các kỹ thuật như in 3D (có thể dùng chất liệu nhựa tái chế, tạo ra sản phẩm có thiết kế tùy chỉnh, giảm nguyên liệu thừa thải), hay tạo ra các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng (giảm lượng khí nhà kính và tác động đến môi trường)…, đang ngày càng được phát triển rộng rãi".
Bộ sưu tập "Làm sao chúng ta có thể quên?" được trao giải 3 của Phạm Đào Khánh Duy được thực hiện với thảm, phụ kiện nhựa, trang sức kim loại đều đã qua sử dụng, cùng vải đầu đoạn và cuối đoạn. Duy giải thích về quá trình sử dụng các vật liệu đặc biệt này: "Hiểu rõ được tác động tiêu cực là xơ vải từ những tấm thảm có thể bị thải ra môi trường nước và không khí trong lúc sử dụng, nên khi xử lý, tôi đã phải giặt khô để tránh tạo ra xơ vải và khi phải giặt bằng nước thì chọn loại máy giặt có bộ phận lọc xơ vải. Ngoài ra, cấu tạo sợi vải của những tấm thảm là sợi tổng hợp rất khó có thể đưa vào bộ máy tái chế, dù là tái chế vật lý hoặc tái chế hóa học, nhưng nếu không tái chế thì chắc chắn thảm cũ sẽ xuất hiện tại bãi rác tập trung, với những tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, tôi đã chọn sử dụng lại những vật liệu không thể tái chế để mang đến một 'cuộc đời mới' cho những vật liệu này".
Bộ sưu tập “Làm sao chúng ta có thể quên?” được trao giải 3 của Phạm Đào Khánh Duy. Viện Pháp tại Việt Nam
Khánh Duy nói thêm: "Bên cạnh đó, các họa tiết và màu sắc độc đáo của những tấm thảm đã thu hút tôi, làm tôi hoài niệm về tuổi thơ của mình. Tôi cũng tái sử dụng những trang sức cũ, dây nịt cũ, tái cấu trúc để giày bình thường trở nên thời trang hơn và đưa ra thông điệp mua đồ đã qua sử dụng, tránh mua các mặt hàng thời trang nhanh".
Chuyên gia Delattre đánh giá cao tinh thần "thời trang có trách nhiệm" của các nhà thiết kế trẻ Việt Nam tham gia cuộc thi này. Theo ông, đây là những nhân tố sẽ mang lại đóng góp tích cực để ngành thời trang của Việt Nam có thể hướng đến một tương lai thân thiện hơn với môi trường.
Cả Trà Mi, Nhật Nghi và Khánh Duy đều tâm đắc với việc ban tổ chức xem trọng tiêu chí "phát triển bền vững" và tạo cơ hội để các nhà thiết kế trẻ thể hiện sự sáng tạo trên tinh thần làm bạn với hành tinh xanh. "Với tôi, thời trang bền vững không chỉ là tạo ra một sản phẩm thân thiện với môi trường, mà còn là hành trình đi đến một cuộc sống tốt đẹp hơn", Trà Mi kết luận.
Cuộc thi này thuộc chuỗi chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp, yếu tố "thân thiện với môi trường" được đặc biệt chú trọng. 7 nhà thiết kế lọt vào chung kết cuộc thi đều gây được ấn tượng đẹp thông qua việc sử dụng những chất liệu tái chế hoặc có nguồn gốc tự nhiên.
Theo Thanh niên