Tại giải vô địch barista thế giới WBC 2023 (World Barista Championship 2023) diễn ra ở Hy Lạp vào tháng 6 vừa qua, Trần Quế Hân (29 tuổi, ở TP.HCM) đã xuất sắc hoàn thành phần thi của mình và tự hào đưa hạt cà phê Việt Nam ra quốc tế. Phần thi của chị với màn thuyết trình bằng tiếng Anh trôi chảy nhận được nhiều lượt chúc mừng, động viên trên mạng xã hội.

Sau khi trở về từ cuộc thi WBC 2023, cảm xúc của chị như thế nào?

Trần Quế Hân: Sau khi quay về Việt Nam cảm xúc của tôi rất khó tả. Vì đó không chỉ là một cuộc thi mà sự nhìn nhận lại hành trình dài suốt 6 năm tôi trau dồi, chuẩn bị.

Điều gì đã khiến chị đưa hạt cà phê Việt Nam tham gia WBC 2023 - cuộc thi tầm cỡ thế giới?

Tôi đến với cà phê với vị trí barista. Tầm khoảng năm 2019 – 2020 tôi bắt đầu làm quản lý và thường xuyên đứng trong quầy để nghiên cứu, phát triển. Từ năm 2016 – 2017 tôi dùng hạt cà phê của Việt Nam để kể câu chuyện của đất nước mình tại cuộc thi pha chế cà phê quốc tế. 

Thời điểm đó, giám khảo có nói khéo với tôi rằng, nếu như muốn xếp thứ hạng cao hơn thì đừng dùng loại hạt này nữa. Lúc đó tôi nghĩ tại sao thí sinh Colombia có thể sử dụng hạt cà phê Colombia, thí sinh Guatemala có thể sử dụng hạt cà phê Guatemala nhưng còn tôi ở Việt Nam lại băn khoăn khi sử dụng hạt cà phê của nước mình.

Trần Quế Hân tham gia WBC 2023: 'Tôi hạnh phúc khi dùng hạt cà phê Việt Nam' - Ảnh 1.
Trần Quế Hân chia sẻ cảm xúc sau khi tham gia cuộc thi

DƯƠNG LAN

Tôi nghĩ rằng, một là chất lượng của hạt cà phê có thể chưa đúng tiêu chuẩn cuộc thi cần. Hai là, kỹ năng của tôi chưa đến mức nhiều người mong đợi. Vì vậy, trong suốt 6 năm qua tôi tiếp tục trau dồi những gì bản thân còn thiếu sót.

Năm 2022, trước khi cuộc thi pha chế cà phê Việt Nam (VNBC) diễn ra một tháng, tôi nghĩ sẽ để một người khác đi thi còn mình đứng đằng sau. Tuy nhiên, bạn ấy có vấn đề về sức khỏe còn tôi vô tình đang cầm trên tay một loại hạt mà sếp đang muốn người dùng thưởng thức.

Trần Quế Hân tham gia WBC 2023: 'Tôi hạnh phúc khi dùng hạt cà phê Việt Nam' - Ảnh 2.

Quế Hân hiện đang làm quản lý tại một quán cà phê

NVCC

Vì vậy, áp dụng những kỹ năng suốt 6 năm trau dồi, tôi quyết định tham gia cuộc thi một lần nữa để mình nhìn nhận lại và bổ sung những thiếu sót. Và kết quả, tôi dành quán quân cuộc thi pha chế cà phê Việt Nam và đại diện đất nước tham gia cuộc thi quốc tế. 

Tôi thấy hạnh phúc khi dùng hạt cà phê Việt Nam và muốn nói về loại hạt này nhiều hơn. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi tạm gác những lời khuyên, quyết tâm sử dụng loại hạt gần gũi với mình và muốn được nhiều người biết đến hơn

WBC là cuộc thi thường niên do World Coffee Events tổ chức để tìm ra người cà phê giỏi nhất thế giới. Vậy chị đã chuẩn bị những gì trước khi đến với cuộc thi này?

Cuộc thi có 3 vòng nên tôi sẽ mang cà phê đủ cho 3 vòng. Mỗi vòng cần khoảng 1kg, trước đó cần có cà phê để tập nữa. Tôi qua trước 5 – 6 ngày, mỗi ngày tập pha khoảng 1 tiếng. Tôi mang tổng cộng 10kg cà phê và các nguyên liệu khác. Tôi xin giấy phép từ BTC để nhập cảnh nguyên liệu đó. Còn ly, tách, khay gỗ, khăn, muỗng,… tôi đều tự mang hết. Tổng hành lý tôi mang theo khoảng 100kg.

Với rất nhiều đối thủ cùng tham gia thi đấu tại cuộc thi này, chị có lo lắng không và bản thân đã thể hiện phần thi của mình như thế nào?

Trong 15 phút thuyết trình phải thể hiện mình là người có kiến thức, kỹ năng cao. Bài thi có 3 nội dung bắt buộc. Một là 4 ly espresso, hai là 4 ly thức uống có sữa và ba là 4 ly thức uống sáng tạo. Cả 3 loại thức uống này khi vừa pha, vừa thuyết trình; ngoài chất lượng phải có sự truyền tải thông điệp.

Trần Quế Hân tham gia WBC 2023: 'Tôi hạnh phúc khi dùng hạt cà phê Việt Nam' - Ảnh 4.

Theo chị, muốn pha cà phê ngon cần phải nếm

NVCC

Thông điệp mà tôi hướng tới là sự đa dạng. Loại hạt tôi mang theo là giống cao sản có thể tìm bất kỳ đâu ở Việt Nam. Mỗi loại hạt, loại giống đều mang ý nghĩa riêng cho sự tồn tại của nó. Đó là một nét văn hóa, một kế sinh nhai của nhiều nông hộ Việt Nam.

Tôi không muốn dùng hạt cao cấp, đắt tiền vì những loại hạt bình thường có ý nghĩa rất riêng trong cuộc sống. Tôi nghĩ loại hạt này gắn liền với hình ảnh, con người Việt Nam. Tôi muốn hướng đến sự đa dạng để bất cứ ai cũng tìm thấy một thức uống riêng dành cho mình. Hơn nữa, giá cả loại hạt này phù hợp với nhiều người, ai cũng có thể uống cà phê với mức giá không đắt.

Đây là cuộc thi tôi sợ nhất vì không chỉ bản thân mà có cả ước mơ của nhiều người trong ngành. Tôi sợ sẽ khiến cho mọi người thất vọng và hứa hẹn của mình không như mong đợi. Thực tế, tôi khá buồn và tiếc nuối vì phần thi chỉ đạt khoảng 60% sự kỳ vọng.

Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, không phải ở thủ phủ cà phê và trước đó cũng không thường xuyên uống cà phê. Vậy cơ duyên để chị đến với việc pha chế cà phê và gắn bó đến tận bây giờ là gì?

Năm 2012, trong thời gian học đại học, tôi có làm thêm ở một tiệm bánh. Thời điểm đó, chủ quán mở một cuộc thi để tăng lương thêm 1.000 đồng/giờ. Tôi đã tham gia và làm món cappuccino. Tôi đã đổ thành hình hoa tulip dù không đẹp lắm nhưng ở thời điểm đó mọi người rất thích thú.

Sau cuộc thi đó tôi hứng thú với việc tìm hiểu về cà phê. Tôi nghỉ ngang việc học đại học, ba mẹ không đồng ý với điều này nên đã có "chiến tranh lạnh" khoảng 2 năm.

Thời gian đầu tìm hiểu về cà phê và không có sự ủng hộ của gia đình, tôi đã từng nghĩ liệu mình đã sai. Nhưng lúc đó tôi không còn đường lui và cũng không muốn thất bại nên chỉ còn cách nỗ lực thật giỏi. Tôi bắt đầu đến các quán cà phê làm học pha chế, múc kem, làm đá xay, đá bào,…

Thời điểm cuối 2015, tôi nghiên cứu chuyên sâu về cà phê và tìm kiếm công việc phù hợp tại một quán cà phê. Năm 2016, tôi lần đầu tiên tham gia cuộc thi pha chế cà phê Việt Nam (VNBC) và giành giải quán quân. Hiện tại, ba mẹ đã công nhận và yên tâm với công việc của mình.

Chị nói bản thân luôn trau dồi, học thêm những kỹ năng để có thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề. Vậy những cuộc thi chị tham gia mang lại cho chị những điều gì?

Mỗi cuộc thi bản thân sẽ nhận ra nhiều bài học để nhận ra mình muốn làm gì, giỏi những phần nào và còn các thiếu sót để dần hoàn thiện kỹ năng, kinh nghiệm với con đường đã lựa chọn.

Làm thế nào để pha một ly cà phê ngon?

Mọi người cần nếm. Để pha một ly cà phê ngon phải dùng kỹ thuật. Tuy nhiên cái ngon của chính mình và người dùng khác nhau. Khi biết nếm, mình sẽ tập cách tiếp nhận ý kiến của người xung quanh và hiểu họ nghĩ về cà phê như thế nào. Lúc đó bản thân mới có ngôn ngữ chung và hiểu ly cà phê đang ở tình trạng nào, có vị ra sao và mang lại cảm xúc gì cho người uống. Từ đó mình sẽ có sự điều chỉnh để áp dụng kỹ thuật là xay mịn hay xay thô, nhiệt độ nước cao hay thấp và thay đổi tỷ lệ, công thức pha.

Dự định của chị trong thời gian tới là gì?

Tôi sẽ tiếp tục làm việc và tham gia nhiều hoạt động liên quan đến cà phê Việt Nam.

Cám ơn chị và chúc chị thành công!

Theo Thanh niên