leftcenterrightdel
 Với Linh, cách để có trải nghiệm thực tế là tới đất nước Hàn Quốc, trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu truyền thống, văn hóa và con người họ. Ảnh: NVCC.

Mỹ Linh nhớ lại hơn một tháng trước, đang trên đường trở về nhà, cô nhận được thông báo có kết quả học bổng. Hồi hộp, lo lắng và vỡ òa hạnh phúc là cảm xúc Linh trải qua chỉ trong vỏn vẹn 5 phút. Không giấu nổi vui mừng, cô reo lên giữa phố, tấp xe vào lề đường một lúc để bình tĩnh lại.

Với học bổng Chính phủ Hàn Quốc trị giá một tỷ đồng, cuối tháng 8 này, Linh sẽ theo học chương trình thạc sĩ ngành Giáo dục Tiếng Hàn, ĐH Kookmin.

“Ngày lên máy bay đến Hàn Quốc cũng là ngày mình bước sang tuổi 24. Chuyến bay là dấu mốc để bắt đầu hành trình mới. Hai năm tạm xa giảng đường đại học sẽ là khoảng thời gian để mình trải nghiệm, tích lũy và ‘nâng cấp’ bản thân”, Mỹ Linh hào hứng chia sẻ với Zing.

Trải nghiệm một năm làm “chị giáo”

 Cách đây một năm, Mỹ Linh tốt nghiệp tại ĐH Hà Nội với tấm bằng xuất sắc (GPA 3.76/4), là thủ khoa đầu ra của khoa Tiếng Hàn Quốc. Cô gái 22 tuổi khi ấy có cơ hội được ở lại, làm trợ giảng ngay tại nơi mình đã học tập và trưởng thành.

Là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm còn non trẻ, những ngày đầu, Linh đảm nhận công việc đứng lớp, hỗ trợ giảng viên chính. Dần dần, cô được phân công việc giảng dạy những nội dung cơ bản. Bên cạnh đó, cô trực tiếp hướng dẫn bài tập, thảo luận, thực hành cho sinh viên, giải đáp cho sinh viên những khúc mắc trong môn học.

Thời gian này, Mỹ Linh lo lắng, không biết nên truyền đạt kiến thức ra sao để tiết học không bị nhàm chán, nhất là khi phải giảng dạy online trong thời gian dài.

“Có những tiết học, sinh viên thiếu tương tác, mình cũng cảm thấy hơi buồn. Lấy đó làm động lực, mình tìm hiểu và nắm được tâm lý của các bạn, rút kinh nghiệm và xây dựng bài giảng tốt hơn”, Linh chia sẻ.

Nhờ đó, mỗi tiết học của cô Linh đều có sự sáng tạo, sinh viên luôn cảm thấy hấp dẫn, tập trung và nghiêm túc nghe giảng hơn. Biết Linh mới ra trường, còn trẻ, lại là tiền bối, ngoài giờ lên lớp, nhiều sinh viên vẫn thân mật gọi Linh là “chị giáo”.

leftcenterrightdel
 Ngoài giờ học, nhiều sinh viên thân mật gọi Linh là "chị giáo". Ảnh: NVCC.

“Mới đầu được các bạn gọi là ‘chị giáo’, mình chưa quen nên cảm thấy hơi buồn cười. Sau mình lại thấy thân mật, gần gũi, cảm giác trẻ trung hơn. Lên lớp, các bạn vẫn nghiêm chỉnh gọi mình là cô. Lớp có cả sinh viên lớn tuổi hơn mình, nhưng họ đều nghiêm túc và tôn trọng giáo viên", Mỹ Linh chia sẻ.

Song song với việc giảng dạy, tranh thủ buổi tối, Linh tham gia học kỹ năng nghiệp vụ sư phạm để công việc giảng dạy được bài bản, chuyên nghiệp hơn. Cô cũng mạnh dạn chia sẻ, tìm sự trợ giúp và học hỏi từ những giảng viên kỳ cựu trong khoa.

Cùng với đó, để nâng cấp bản thân mỗi ngày, Linh không ngừng học hỏi những điều mới mẻ về kiến thức, văn hóa Hàn Quốc qua nhiều kênh thông tin. Đối với Linh, việc học không bao giờ ngừng lại. Cô cho hay thậm chí, bản thân học ngay từ chính sinh viên của mình.

“Giờ lên lớp, mình không thể tránh được những câu hỏi, thắc mắc từ sinh viên. Vấn đề nào biết, mình sẽ trả lời ngay cho các em. Vấn đề nào chưa chắc chắn, mình cần xác nhận lại. Từ đó, mình cũng rút ra được kiến thức cho bản thân”, Linh cho biết.

Một năm đi dạy là một năm Linh có nhiều thay đổi, cả trong nhận thức lẫn hành động. Cô tự thấy bản thân trưởng thành lên nhiều so với thời điểm mới ra trường. Cũng từ đây, nữ giảng viên trợ giảng một lần nữa khẳng định để theo đuổi con đường giảng dạy - nghiên cứu, bản thân cần trau dồi, nỗ lực không ngừng.

Linh nhận ra việc học tập trước đây mới chỉ trên sách vở, lý thuyết, cô cần tích lũy kiến thức qua những trải nghiệm thực tế. Với Linh, cách để có trải nghiệm thực tế là tới đất nước ấy, trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu truyền thống, văn hóa và con người họ.

“Những trải nghiệm này mình không thể có được nếu chỉ học tập tại Việt Nam. Không chỉ dạy kiến thức về ngôn ngữ, mình cần phải cung cấp tới các em cả văn hóa của nước này. Vì vậy, ngọn lửa phải tới Hàn Quốc trong mình ngày một cháy lên, đây cũng là động lực để mình quyết tâm xin học bổng thạc sĩ tại đất nước này”, Linh nhận định.

leftcenterrightdel
 Mỹ Linh từng gặp thất bại khi nộp hồ sơ xin học bổng tới đại sứ quán. Ảnh: NVCC.

Cú “quay xe” định mệnh

Linh cho biết ý định du học thạc sĩ đã cô được nhen nhóm từ lâu lâu. Tuy nhiên, do chứng chỉ TOPIK (chứng chỉ đánh giá trình độ tiếng Hàn về nghe, đọc, viết của người nước ngoài) đã hết hạn từ tháng 10/2021, các kỳ thi phải tạm dừng do dịch bệnh, cô dự định lùi việc nộp hồ sơ đến năm 2023.

Tháng 2/2022, việc giảng dạy thực tế ở trường một lần nữa thúc đẩy Mỹ Linh phải học thạc sĩ càng sớm càng tốt. Cô “quay xe” với dự định ban đầu, quyết định làm hồ sơ du học ngay thời gian này, dù trong tay không có chứng chứng chỉ ngoại ngữ nào, kể cả tiếng Anh. Khi đó, hạn nộp hồ sơ tới đại sứ quán cũng chỉ còn vỏn vẹn ba tuần.

Thời gian gấp rút, Linh gặp không ít vấn đề liên quan đến hồ sơ, giấy tờ, bài luận…Vì giấy tờ hành chính cần làm gấp, phí phát sinh cao, Linh phải chi số tiền gấp đôi so với các bạn khác.

May mắn, việc làm đầy hồ sơ thuận lợi hơn với Linh do ngay từ năm nhất, cô đã duy trì thành tích học tập đáng nể, 8/8 kỳ đều nhận học bổng, thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa và các kỳ thi học thuật.

Tuy nhiên, Linh đã gặp thất bại. Hồ sơ của cô bị loại khi gửi tới đại sứ quán. Không để cảm xúc hoang mang, thất vọng lấn chiếm suy nghĩ quá lâu, Linh một lần nữa “quay xe”, chỉnh sửa hồ sơ và bài luận, gửi thẳng tới ĐH Kookmin trong vòng hai tuần tiếp đó.

Nhớ lại ngày nhận được thư mời phỏng vấn của trường, do không có thông báo cụ thể ngày, Linh thức nguyên đêm để chuẩn bị bởi lo lắng trường sẽ phỏng vấn đột xuất vào ngày hôm sau.

“May thay, ngày hôm sau, trường thông báo lại, mình có thêm thời gian chuẩn bị. Ngày diễn ra phỏng vấn, mình vừa hoàn thành bài vào buổi sáng, buổi chiều, mình phát hiện mắc Covid-19. Thật may mắn vì mọi việc đã hoàn thành”, Linh xúc động nói.

Hai tháng chờ đợi, một kết quả ngọt ngào đến với Linh trước tuổi mới. Cô giành học bổng toàn phần từ Chính phủ Hàn Quốc, theo học hệ thạc sĩ tại ngành Giáo dục Tiếng Hàn, ĐH Kookmin.

“Mình cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn rằng hãy cứ cố gắng hết mình, nỗ lực với đam mê của bản thân. Một ngày nào đó, những nỗ lực, công sức mà bạn bỏ ra sẽ được đền đáp”, Linh chia sẻ cảm xúc.

Mới đây, Mỹ Linh đã thi lại chứng chỉ TOPIK và nộp lại cho ĐH Kookmin, cô đạt số điểm ấn tượng với bài thi kỹ năng nghe đạt 100/100 điểm, 98/100 điểm bài thi đọc và 81/100 điểm bài thi viết.

Hai năm tới, Linh sẽ tiếp tục con đường học thuật - nghiên cứu tại nước bạn. Cô hy vọng bản thân sẽ có thật nhiều trải nghiệm, tích lũy nhiều kiến thức nơi đây. Đồng thời, nữ giảng viên trợ giảng sẽ tiếp tục hỗ trợ công việc tại khoa Tiếng Hàn Quốc trong thời gian du học, sinh viên sẽ nhận được sự hỗ trợ từ xa của cô.

Học bổng Chính phủ Hàn Quốc hệ thạc sĩ, được tài trợ bởi Viện Giáo dục Quốc tế Quốc gia Hàn Quốc (NIIED), nhằm tạo cơ hội cho các học sinh, sinh viên quốc tế học tập và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục tại quốc gia này và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và quốc tế. Đây được coi là học bổng hàng đầu của Chính phủ Hàn Quốc dành cho các bạn học sinh quốc tế.

Học bổng trị giá một tỷ đồng, chi trả toàn bộ học phí trong suốt thời gian một năm học tiếng (dành cho đối tượng chưa có chứng chỉ TOPIK) và hai năm học chuyên ngành. Ngoài ra, sinh viên còn được trợ cấp sinh hoạt phí tương đương 18 triệu đồng/tháng, được hỗ trợ mua vé máy bay khứ hồi, chi phí bảo hiểm… Với những người đã có chứng chỉ TOPIK 5-6, gói học bổng sẽ hỗ trợ thêm 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo zingnews