Từ vị ngọt dẻo của khoai Quảng Bình
Nguyễn Thị Thủy Tiên sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Trị, với ước mơ được đến với những nền văn hóa khác trên thế giới, chị đã thi vào trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế. Tại ngôi trường này, chị có thêm lý tưởng trở thành một nhà sư phạm, vì thế, sau khi ra trường chị đã trở thành giáo viên dạy tiếng Anh.
Trong một lần tình cờ chị mua một món đồ ăn được rao bán là đặc sản của tỉnh Quảng Bình, đó là khoai gieo, chị liền mua. Chị nhớ lại: "Hồi bé tôi đã được ăn một lần rồi, vẫn còn nhớ mãi vị ngọt, dẻo và đậm đà hương vị của nó. Từ hôm đó trong đầu tôi cứ quanh quẩn nghĩ đến việc tự mình làm món này. Tôi đã tìm hiểu qua nhiều người để biết nơi đâu là nơi có sản phẩm khoai ngon nhất, thơm nhất, dẻo nhất, rồi tìm hiểu cách chế biến qua giới thiệu của bạn bè, người già… Sau nhiều ngày nghiên cứu mày mò, tôi cũng làm được món ăn mà mình yêu thích. Khoai Quảng Bình ngon ngọt và rất dẻo, dường như cái nắng chang chang của vùng đất đầy nắng và gió ấy làm cho vị ngọt thêm ngọt hơn, dẻo và mềm", chị Thủy Tiên chia sẻ.
Khi làm ra sản phẩm khoai gieo, chị Thủy Tiên lại muốn chia sẻ nó tới cộng đồng. Chị mạnh dạn thử đóng túi và bán qua mạng, không ngờ có rất nhiều khách hàng quan tâm đặt mua. Cũng từ đó, ý tưởng làm ra các sản phẩm đặc sản vùng miền, chủ yếu là nông sản hình thành trong chị. "Theo tôi, thị trường hiện nay với các sản phẩm này là rất lớn, mình cần tìm được nguồn hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả hợp lí thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Hiện nay tôi bán nhiều sản phẩm như: tinh bột nghệ, mực khô, cá khô, sắn dây, khoai gieo", chị Thủy Tiên cho biết.
Cho thành công thêm ngọt ngào
Để có một lượng khách hàng trung thành như bây giờ, chị Thủy Tiên cũng từng trải qua những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn. Năm 2018, chị bắt đầu với các giống cây ăn quả và các loại hoa trang trí, nhưng vận chuyển các loại cây này rất công kềnh, sau thời gian vận chuyển xa, đến khi khách nhận hàng thì cây đã trơ trụi lá, khô khốc, đất ở gốc khô và rễ không còn bám vào đất nữa. Khách hàng không chấp nhận nhận hàng, cây hoàn về trong sự thất vọng của cả người bán và người mua.
Nửa năm trước, chị bắt đầu bán các sản phẩm đặc sản vùng miền: cá khô, mực túi khô Cà Mau và khoai gieo Quảng Bình. Những sản phẩm này yêu cầu số vốn không lớn nên chị có thể tự xoay vòng vốn. Tuy nhiên, quảng bá sản phẩm đến nhiều hơn với khách hàng là điều chị trăn trở, bởi số tiền cho chạy quảng cáo thì rất nhiều mà tiền thu được từ buôn bán cũng không lớn, nên chị không đủ điều kiện. Như vậy, chị chỉ có thể tập trung làm ra sản phẩm được nhiều người yêu thích, tin dùng, có sức lan tỏa lớn thì mới có thể thành công. Con đường đi của chị Thủy Tiên được người ta ví như "tay không bắt giặc", không có gì ngoài sự tâm huyết với sản phẩm của mình để chinh phục những khách hàng sành ăn, khó tính.
Bên cạnh đó, chị vẫn kiên trì giới thiệu các sản phẩm của mình qua facebook và các trang thương mại điện tử để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Chị cũng nhận thấy kĩ năng thuyết phục khách hàng của mình cũng chưa tốt, nên đã tự tìm các nguồn tài liệu để trau dồi các kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp.
Sự kiên trì bền bỉ đã mang đến cho chị một số lượng lớn khách hàng tin cậy ở nhiều lứa tuổi. Chị cho rằng, với xu hướng hiện nay, bán hàng online là một cách làm hiệu quả, phù hợp với những cơ sở vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong tương lai, chị mong muốn có thể mở rộng kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng trên thị trường và tạo điều kiện việc làm cho một số lao động có hoàn cảnh khó khăn
"Tôi tin mình chọn sản phẩm tốt nhất gửi đến khách hàng thì khách hàng sẽ luôn trở lại và đồng hành cùng mình trên chặng đường phía trước. Tôi rất mong những sản phẩm đặc sản vùng miền sẽ đem lại sức khỏe tốt và cả niềm vui cho mọi người. Hiện nay, trước mối nguy cơ của thực phẩm bẩn tràn lan, nếu ngươi kinh doanh chọn được nơi sản xuất uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì khách hàng sẽ tin tưởng và ủng hộ dài lâu", chị Thủy Tiên chia sẻ thêm.
Không chỉ là một cô giáo tâm huyết với nghề, là một phụ nữ của gia đình hạnh phúc, chị Thủy Tiên còn luôn tin tưởng vào con đường khởi nghiệp của mình bởi những giá trị mà chị muốn mang lại cho cộng đồng. Chị cho rằng, sự nỗ lực sẽ đi đến thành công. Mọi chông gai, khó khăn chỉ là thử thách để rèn thêm tinh thần và nghị lực cho thành công thêm ngọt ngào.
* OCOP là gì?
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:
- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.
- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.
- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.
- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.
- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.
* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng. |
An Khê - Ảnh: NVCC