Bà Nguyễn Thị Đàm (73 tuổi, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Chia sẻ về câu chuyện này, bà Đàm cho biết, qua đài vô tuyến bà thấy do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều nơi chủ trọ không lấy tiền thuê nhà của người lao động, nhất là những người lao động tự do (chạy xe ôm, bốc vác…) không thể đi làm vì cả nước đang thực hiện cách ly toàn xã hội. Cho nên, hôm 12/2, khi người thuê trọ về nhà, bà Đàm có nói với khách rằng, "Thôi, dịch bệnh như thế này các anh cũng chẳng đi làm được, khó khăn như thế thì tôi miễn cho tiền trọ tháng này".
Khu nhà ở và khu nhà cho thuê trọ (bên hông) của bà Nguyễn Thị Đàm
Vườn rau nhỏ bà Đàm tự trồng để có nhu yếu phẩm hàng ngày
Nghe vậy, người khách thuê có trả lời lại: "Bà ở một mình cuộc sống cũng vất vả, chúng cháu cũng chẳng giúp được gì, bà để chúng cháu xem sao có gì chúng cháu xin phép đóng 1 nửa tiền trọ ạ!".
"Tôi mới nói, thôi, tôi ở một mình thật nhưng tôi ăn chẳng đáng bao nhiêu, còn các anh thì trẻ nên phải ăn nhiều để sau khi dịch hết còn đi làm để kiếm sống chứ, đâu phải ăn ở nhà mãi được, mà dịch như thế này thì tiền ở đâu ra mà đóng", bà Đàm nói.
Là 1 trong số 2 người ở trọ tại nhà bà Đàm, anh Phạm Quốc Việt (33 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định), đang là lái xe ôm công nghệ trên địa bàn Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên nhiều ngày nay anh và bạn cùng trọ gần như không có thu nhập, trong khi trước lúc Nhà nước thực hiện cách ly toàn xã hội mỗi ngày anh Việt thu nhập khoảng 500.000-700.000 đồng (tính cả những khoản thu nhập ngoài việc chạy xe ôm).
Anh Phạm Quốc Việt (33 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định), lái xe ôm công nghệ trên địa bàn Hà Nội
Do đó mà đã nhiều ngày nay, để có thể duy trì cuộc sống ở Hà Nội anh Việt đều phải trích số tiền đã dành dụm từ nhiều tháng trước đó, cũng vì thế mà không có tiền gửi về quê chăm con. "Hôm vừa rồi sinh nhật con mình tròn 6 tuổi, tức ngày 2/4, nhưng mà mình cũng không có gì cho con cả, cũng không có cả điều kiện để về quê", anh Việt chia sẻ.
Cho nên, khi nhận được sự hỗ trợ này từ bà chủ nhà, anh Việt đã cảm thấy mình rất hạnh phúc khi được một chiếc lá dẫu cũng chưa phải là 'lá lành' nhưng lại có tâm đùm những cảnh đời 'lá cũng chưa phải lành' như anh. Cũng qua đây, anh Việt và anh Nguyễn Hoàng Kiên (31 tuổi, bạn cùng trọ) mong muốn, "sẽ ngày càng có nhiều người có tấm lòng lương thiện như bà Đàm, để những người phải thuê trọ và những người đi làm ăn xa mà không thể về quê hương trong đợt cách ly này như chúng tôi được an tâm trụ lại".
Được biết, bà Nguyễn Thị Đàm là một trong những hộ cận nghèo trên địa bàn xã Tả Thanh Oai. Hiện bà Đàm đang sinh sống một mình, chồng bà đã mất cách nay hơn 20 năm, một mình bà Đàm bươn trải đồng ruộng để nuôi 4 người con trưởng thành.
Trường Hùng