|
|
Cụ bà Lê Thị Quyến đã có hơn 70 năm gắn bó với nghề may áo dài |
Nghề may áo dài đã ngấm vào máu
Hiệu may Vinh Trạch nằm ở căn nhà số 23 Lương Văn Can (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) của gia đình bà Lê Thị Quyến được biết đến là nơi cuối cùng lưu giữ nghề may áo dài truyền thống ở phố cổ Hà Nội. Hơn 70 năm qua, bà Quyến đã cần mẫn, cặm cụi bên chiếc máy khâu để giữ nghề.
Bà Lê Thị Quyến là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống ở Hà Nội. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng tại làng may áo dài truyền thống Trạch Xá, nên từ nhỏ bà đã sớm tiếp thu những tinh hoa của nghề may.
Năm 12 tuổi, bà Quyến theo chân cha đi khắp Hà thành để may đo cho khách hàng. Vốn là con nhà nòi, nhanh nhẹn, khéo léo, năm 13 tuổi, bà đã tự tay may được một chiếc áo chần bông. Chẳng mấy chốc, bà đã hoàn thiện được chiếc áo dài hoàn chỉnh đầu tiên cho khách hàng.
|
|
Bà Quyến cả đời gắn bó với tà áo dài |
Năm 17 tuổi, bà Quyến lập gia đình. Ông Vinh, chồng bà, được biết đến là người thợ có kỹ thuật cắt may áo dài, áo bông, áo kép giỏi giang trong khu phố cổ. Sau khi hai người lấy nhau, ông Vinh nghỉ việc ra làm riêng, mở hiệu áo dài lấy tên là Vinh Trạch.
Năm 25 tuổi, thấy bà khéo léo, cắt may giỏi, mọi người giới thiệu bà vào làm việc tại Công ty bông vải sợi. Ở đây bà học hỏi được những kinh nghiệm quý báu trong nghề được các anh chị truyền lại.
Sau khi nghỉ làm nhà nước, bà Quyến về chung tay với ông trông nom cửa hàng, phụ giúp những công việc phụ vốn rất lắt nhắt của nghề may. Từ khi ông nhà đổ bệnh ốm, gần chục năm trước, bà trở thành thợ chính, làm đủ các công việc của nghề may áo dài. Nào đo, cắt, may, đính khuy, viền tà...
Gia đình có 4 đời làm nghề may, bà Quyến vẫn giữ và sử dụng chiếc kéo, máy may từ đời cha ông để lại. Với bà, những vật dụng tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn tốt và qua từng ấy thời gian, bà đã quen với những đồ vật thân thuộc đó, nhiều khi sử dụng máy móc mới lại không quen.
Dù đã hơn 80 tuổi nhưng bà Quyến vẫn có thể tự mình đo đạc, cắt, xâu kim, may từng chiếc áo dài. Luồn sợi chỉ vào lỗ kim nhỏ xíu một cách nhanh chóng không chút khó khăn, từng đường may vẫn đều tăm tắp, bà Quyến tự hào cười khoe: "Đấy! Mắt tôi vẫn còn thấy rõ lắm không cần đeo kính, khâu vẫn khâu được, máy vẫn máy được, đường may vẫn chuẩn vẫn mí".
|
|
Tuổi đã cao nhưng bà Quyến vẫn tự xâu kim, may vá |
Bà Quyến sinh được 7 người con. Tất cả các con đều có công việc riêng ổn định nhưng vẫn nối nghiệp bố mẹ như một nghề tay trái. Trong đó, người con trai cả và người con gái thứ 5 đã nối nghiệp bà Quyến và xây dựng thêm cơ sở riêng trên phố Lương Văn Can.
Khi kể về nghề may áo dài truyền thống, bà cụ phấn khởi, giọng sang sảng, tràn đầy năng lượng. Dù các con thành đạt nhưng bà Quyến vẫn tự mình làm chủ kinh tế, chưa cần phải nhờ tới các con cháu. Bà cho biết, bản thân còn sức khỏe là còn gắn bó với nghề. "Làm nghề từng đó năm, nghề đã ngấm vào máu. Chừng nào mắt còn tinh, tay còn khỏe thì tôi vẫn làm", bà Quyến chia sẻ.
Bắt kịp xu hướng, mang tà áo dài đến với du khách nước ngoài
Bà Lê Thị Quyến chia sẻ bí quyết thu hút khách tới với tiệm may: "Làm nghề này phải học hỏi mỗi ngày, có thế mới nắm bắt được xu hướng của xã hội và tâm lý khách hàng".
Dù tuổi cao nhưng bà Quyến vẫn chăm chỉ cập nhật xu hướng thời trang áo dài qua quan sát thực tế và qua cả internet. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, bà Quyến không ngừng học hỏi. "Ngày ngày tôi vẫn đọc thông tin trên internet để tìm hiểu nhu cầu khách hàng hiện nay", bà chia sẻ. Do đó, từ những mẫu áo dài truyền thống cổ cao, tà dài ngang gối cho đến những mẫu áo cách tân sặc sỡ, lạ mắt, bà đều làm thành thạo.
Mặc dù rất nhiều cửa hàng may áo dài hiện đại đã mọc lên trên khắp các con phố trung tâm của Hà Nội, dù tiệm may nhỏ, giản dị của bà Quyến không quảng bá sản phẩm ở bất kỳ phương tiện nào nhưng vẫn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Những đơn hàng của khách ở khắp Hà Nội, các tỉnh/thành tăng vào các dịp lễ, Tết, mùa cưới.. Ngoài ra, tiệm may của bà còn thu hút nhiều khách ngoại quốc đến tham quan và đặt may áo dài như một cách khám phá văn hóa Việt.
|
Khách nước ngoài thích thú với trang phục áo dài của bà Quyến |
Để giao tiếp với khách nước ngoài, bà Quyến chia sẻ cách làm cho họ hiểu, đó là đóng "kịch câm". Bà dùng hành động để diễn tả, may đo rồi ghi số đo ra sổ, hẹn ngày lấy đồ bà mở lịch ra và chỉ cho họ biết. Tuy là "kịch câm" nhưng hai bên đều rất hiểu nhau.
Khách nước ngoài hài lòng về áo dài bà Quyến may cho, có người may vài bộ, có người khi trở lại Việt Nam tiếp tục mặc lên mình tà áo dài "made in bà Quyến". Áo dài thương hiệu Vinh Trạch cứ thế tung bay khắp năm châu bốn bể.
Lan Hương