2 lần được ÐH Oxford gọi tên

Nguyễn Huỳnh Ngọc Thư, sinh năm 1998 tại một vùng quê nghèo cát trắng ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bố mẹ là lao động tự do, em là thành viên duy nhất trong nhà được học ĐH.

Năm 2013, Thư đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam. Tại đây, Thư đã đạt nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Được tuyển thẳng vào Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM, Thư liên tiếp giành được nhiều học bổng khác nhau. Đặc biệt, học bổng toàn phần Global UGRAD của Chính phủ Mỹ đã giúp nữ sinh có cơ hội đi học tập trao đổi tại ĐH Loyola Chicago trong một học kỳ và các môn chuyên ngành của Thư đạt điểm tuyệt đối.

Cuối năm 2020, Thư tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế. Ít ai biết rằng, Ngọc Thư có tới 2 lần nhận được lời mời nhập học từ Trường ĐH Oxford. Tháng 4/2021, Thư lần đầu nộp hồ sơ vào chương trình đào tạo Tiến sĩ của trường và trúng tuyển. Tuy nhiên, do đã qua đợt tuyển sinh chính, Thư bỏ lỡ cơ hội xét học bổng của ĐH này. Không đủ điều kiện tài chính, Thư đành ngậm ngùi từ chối lời mời nhập học.

Đến tháng 9/2021, khi nhận được học bổng Vingroup cho khóa 2022, Thư lại nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Oxford cùng với các trường ĐH khác. Lần này, em đỗ chương trình đào tạo Tiến sĩ của 4 trường ĐH danh tiếng: ĐH Oxford (Anh), ĐH Cornell (Mỹ), ĐH Sydney và Queensland (Úc). Riêng Trường ĐH Cornell, Thư xuất sắc nhận mức học bổng của trường lên tới 8 tỷ trong 5 năm học. Nhưng Thư quyết định theo học chương trình Tiến sĩ ngành Ung thư học tại ĐH Oxford với học bổng do Vingroup hỗ trợ trong 3 năm học là 4-5 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Ngọc Thư nhận Học bổng Khoa học Công nghệ đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ du học nước ngoài năm 2022. Ảnh: Nghiêm Huê 

Sẽ về nước để cống hiến

Ở các trường ĐH danh tiếng tại châu Âu, Mỹ, Úc, một sinh viên tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam, chưa học lên bậc Thạc sĩ như Thư, việc trúng tuyển thẳng vào chương trình Tiến sĩ là điều rất khó.

Với số lượng sinh viên ứng tuyển rất cao, đa số đều có thành tích ấn tượng, khó khăn lớn nhất của Thư là hồ sơ chưa có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, điều giúp Thư ghi điểm là kiến thức chuyên môn rất vững.

Trong vòng phỏng vấn, trước 30 phút, nhà trường gửi tới các ứng viên một đề bài giống như thực hiện một nghiên cứu thực sự, yêu cầu trả lời câu hỏi cho thí nghiệm đó, nêu các bước tiếp theo muốn mở rộng nghiên cứu. Trong đó có những câu hỏi mẹo như cố tình vẽ thiếu một phần nào đó của biểu đồ để xem thí sinh phát hiện được không. Khi thuyết trình, thầy cô không chỉ hỏi về chuyên môn mà còn là những câu hỏi mở về kỹ năng nghiên cứu.

Bên cạnh đó, điểm cộng thứ hai là trong 4 năm học tại Trường ĐH Quốc tế, Ngọc Thư tham gia các nhóm nghiên cứu đã có 3 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và 3 bài báo đăng các tạp chí trong nước với vai trò vừa là đồng tác giả, vừa là tác giả chính.

Ở các trường ÐH danh tiếng tại châu Âu, Mỹ, Úc, một sinh viên tốt nghiệp ÐH ở Việt Nam, chưa học lên bậc Thạc sĩ như Thư, việc trúng tuyển thẳng vào chương trình Tiến sĩ là điều rất khó. 

Ở các trường ÐH danh tiếng tại châu Âu, Mỹ, Úc, một sinh viên tốt nghiệp ÐH ở Việt Nam, chưa học lên bậc Thạc sĩ như Thư, việc trúng tuyển thẳng vào chương trình Tiến sĩ là điều rất khó.

Thư có định hướng này ngay từ khi học ĐH năm thứ 4 khi cô tham gia một nhóm nghiên cứu về bệnh ung thư. Càng nghiên cứu, em càng thấy căn bệnh này còn quá nhiều thách thức ở Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, khi tới các Bệnh viện Ung bướu để thu mẫu phục vụ nghiên cứu, Thư ám ảnh khi nghe về hoàn cảnh của các bệnh nhân đang phải chống chọi với căn bệnh này. Rồi em biết tin người anh trai thân thiết với mình cũng đột ngột mắc ung thư và mong mỏi có thể làm điều gì để giúp anh.

Nữ sinh 24 tuổi bộc bạch, sau khi hoàn thành học bậc Tiến sĩ, em dự định ở lại nghiên cứu sau Tiến sĩ khoảng 2-3 năm để có kiến thức sâu hơn.

“Mong muốn lớn nhất của em là quay trở về cống hiến cho nền khoa học của Việt Nam và trở thành một giảng viên tại một trường ĐH nào đó. Bằng cách này, em vừa có thể mở rộng nghiên cứu, vừa giúp ích cho cộng đồng ở Việt Nam. Đồng thời có thể truyền cảm hứng, kiến thức của mình để nuôi dưỡng các thế hệ tiếp theo”, Thư nói.

Theo tienphong