Nghe kể chuyện làng mình trưng bày 65 bức sơn mài của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu (sinh năm 1960). Số tác phẩm này được nữ họa sĩ kỳ công thực hiện trong 20 năm qua, gây ấn tượng mạnh với công chúng.
|
|
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tại xưởng vẽ của mình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, họa sĩ Xuân Thu nói, 2 thập niên qua, có đôi lần bà ngừng đam mê vẽ để lo toan cho đời sống cá nhân. Đến thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện thay đổi nhịp sống thường nhật, bà như bừng tỉnh, ý chí muốn vẽ bùng lên mạnh mẽ.
“Tôi là người Huế, ly hương đến Gia Lai sinh sống 40 năm và từ từ, chất Tây Nguyên ngấm vào trái tim tôi. Bằng hội họa, tôi muốn giới thiệu đến các bạn một Tây Nguyên dung dị, dễ thương; không phải dữ dội, mạnh mẽ như mọi người thường nghĩ. Tôi nhớ mãi lần ngồi sau lưng chồng, được chở vào khu đồi chè mát rượi. Ngày đó, đồi chè vắng người vì dịch nên bình yên, đẹp đến nao lòng. Tôi cũng nhớ lần vào bản của đồng bào, thấy vải vóc họ treo lên đẹp rực rỡ giữa núi đồi xanh. Những hình ảnh tác động mạnh vào cảm xúc của tôi” - họa sĩ Xuân Thu chia sẻ.
Nghe kể chuyện làng mình thể hiện dấu ấn bản địa rất mạnh. Trên tranh là núi đồi hùng vĩ, những chiếc địu mẹ đưa con lên nương rẫy, những cuộc vui hội hè, suối tóc mẹ phơi ra cho con nằm lên giữa đêm đông... Màu sắc của tranh cũng ấn tượng không kém.
Các gam màu đan xen, hòa trộn; sắc độ cho thấy sự thâm trầm, chiều sâu của tranh mà không phải họa sĩ theo đuổi sơn mài nào cũng làm được.
Hoạ sĩ Nguyễn Trung Tín - Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nói: Gia Lai không phải là vùng đất mạnh của chất liệu sơn mài, nếu không muốn nói là chưa có chỉ dấu nào cho thấy sự xuất hiện. Việc họa sĩ Xuân Thu đưa sơn mài về và phát triển chất liệu như dấu mốc quan trọng.
Nghe kể chuyện làng mình có nhiều bức khổ lớn như Sóng Tây Nguyên (180 x 450cm), Mùa lá hát (120 x 300cm), Gọi bình minh về (160 x 400cm)... Khi quan sát kỹ từng tranh, có thể thấy mỗi chi tiết đều được thể hiện sắc nét. Nếu phân tách từng phần sẽ như có thêm nhiều tác phẩm nhỏ trong khổ tranh lớn. Theo họa sĩ Xuân Thu, vẽ khổ lớn mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng có một số chủ đề, tranh khổ lớn mới thể hiện được hết những ý tưởng của tác giả.
Như bức Sóng Tây Nguyên cho thấy tính cộng đồng, đoàn kết của người dân rất cao. Họ quyện vào nhau như những lớp sóng, hò hát theo từng nhịp đánh chiêng. Để thể hiện không khí lễ hội rộn rã ấy, phải trình bày ý tưởng lên khổ tranh lớn mới tương xứng. Sóng Tây Nguyên mất 3 năm để hoàn thiện.
Tây Nguyên trong họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu là vùng đất giàu tình đất, tình người. Vì luôn thiết tha với xứ sở nên trong tương lai, nữ họa sĩ sẽ tiếp tục hoàn thiện các ý tưởng, sớm mở triển lãm cá nhân tại Huế và Pleiku, Gia Lai.
Nghe kể chuyện làng mình đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM), kết thúc vào ngày 15/9.
Theo phụ nữ TPHCM