Nguyễn Thị Nga (23 tuổi, ở Vĩnh Phúc) được biết đến với tên Tuệ Nga qua các video review sách trên Facebook, YouTube và TikTok. Ít ai biết, Tuệ Nga từng bị bạn bè kỳ thị, bắt nạt và gọi là Nga “sứt”.

Xuất hiện trong chương trình phẫu thuật thẩm mỹ dành cho những người khiếm khuyết về ngoại hình vào năm 2020, Tuệ Nga gây ấn tượng với nhiều người vì cô rất vui vẻ, hoạt bát, yêu đời.

Nga kể, hồi nhỏ, bạn bè gọi Nga là “Nga sứt”, vì Nga móm và bị hở hàm ếch. Biệt danh ấy khiến Nga tự ti, luôn ám ảnh với suy nghĩ mình là đứa bé không được yêu thương. “Nhiều lần tôi tự hỏi - mình sinh ra trên đời này nhằm mục đích gì? Có ý nghĩa nào giữa kiếp sống này?”, Nga kể lại. 

Ngày nọ, Tuệ Nga đọc được cuốn sách Nhà giả kim của nhà văn Paulo Coelho. Từng câu từng chữ trong sách khiến cô được tiếp thêm động lực mạnh mẽ để tiến bước về phía trước.

Nga chia sẻ: “Tôi nghĩ mình cứ đi, cứ bình an là được. Tất nhiên, cũng có lúc sự hoài nghi bản thân nổi lên, tôi lại nghĩ mình không đủ giỏi để làm điều này hoặc điều kia. Tôi nghĩ không ai yêu thích mình, nên tôi không dám bày tỏ tình cảm với người tôi thích. Tôi sợ người đời phán xét nên không dám nói ra quan điểm…”.

Thế rồi, trong một nhân duyên gặp gỡ, một người thầy nói với Tuệ Nga: “Khi sợ điều gì mình phải đối diện với điều ấy”. Nga tỉnh ngộ và quyết định chọn cách đối diện với nỗi sợ lớn nhất của cô: sợ người khác nhìn vào vết sẹo trên miệng.

Hiện thực hóa điều ấy, Nga bắt đầu quay YouTube, xuất hiện trước ống kính với nụ cười tự tin cùng con người thật của mình. Và thật bất ngờ, những điều cô tưởng trước đó như bị mọi người cười chê, phán xét đã không xảy ra. 

“Thực tế, kênh YouTube của tôi và cái tên Tuệ Nga đã được nhiều người biết. Tôi nhận ra, nỗi sợ chỉ là ảo giác. Khi đối mặt với nỗi sợ, biết rõ nỗi sợ tôi mới thấy bớt sợ và hết sợ”, Tuệ Nga trải lòng.

Chia sẻ về những nốt trầm trong đời, Tuệ Nga cho biết cô từng có một vết thương lòng hồi học cấp III khi một người bạn nói: “Sinh ra làm người khuyết tật thì nên chết đi cho xong” chỉ vì Nga không cho bạn ấy chép bài tập.

Lúc đó, Nga mơ hồ nghĩ rằng, dường như, khiếm khuyết là cái cớ để người ta vin vào làm cô tổn thương, nhất là khi cô không làm họ vừa lòng, không đáp ứng mong muốn của họ.

Nga khóc và suy nghĩ rất nhiều, có lúc cô bị “đánh gục” và đã đồng ý với người bạn ấy rằng: “Người khuyết tật thì không nên sống thật”. Tuy nhiên, bây giờ kể chuyện cũ, Nga đã nở nụ cười bình an: “Thật may mắn, tôi vẫn sống thật đến tận bây giờ”.

Qua lần đó, Nga nhận ra một điều, chính việc bị bắt nạt, chế nhạo là cơ duyên để cô theo nghề viết và đọc. Nga muốn dùng ngôn từ để chữa lành, vì Nga nghĩ ngôn từ khiến người ta tổn thương thì chắc chắn cũng có tính chữa lành. 

Tuệ Nga và sự bình an trong tâm hồn sau những nỗi buồn quá khứ…
Tuệ Nga và sự bình an trong tâm hồn sau những nỗi buồn quá khứ…

Trong vai trò người đọc, review sách, cũng là người viết, Nga xem sách như người bạn đồng hành khi khó khăn, lúc buồn vui. Theo cô, người ta có thể học hỏi nhiều thứ từ sách và cũng “nói” được nhiều điều qua đó và Nga bắt đầu công việc review sách từ tháng 4/2020. 

Được mọi người yêu mến, dõi theo từ câu chuyện đời thật của Nga cùng sự vươn lên vững chãi, nhưng Tuệ Nga thú thật rằng cô không mong cầu truyền được cảm hứng cho ai, mà đơn thuần chỉ muốn chia sẻ cách cô đã làm để vượt qua sự tự ti. 

Phản hồi của bạn đọc về công việc miệt mài của Nga là những lời cảm ơn vì cô đã tạo thêm động lực cho họ mỗi khi họ “dạo chơi” trên tường nhà Facebook của Nga. Trong đó, không ít người kết bạn với Nga để chia sẻ và tâm sự. 

Sắp tới, Tuệ Nga sẽ phát triển dự án Healing Pencil, mọi người cùng tham gia vào cuộc yêu quý bản thân thông qua việc viết, dùng bút chì (pencil) để viết ra mọi thứ, giúp nhẹ lòng hơn.

“Vạn vật vốn vô thường nên hãy giữ tâm thái bình yên nhẹ nhàng khi nhìn thế giới đang xáo trộn này”, đó là điều cô gái trẻ tâm đắc và thực hành. Đối với Nga, sống một cách trọn vẹn và máu lửa ta mới tìm được chính mình. 

Theo phunuonline.com.vn