Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương cùng trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài. (Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Cả cuộc đời gắn bó với trái tim của bệnh nhân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương, giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, chuyên gia tim mạch Viện Tim mạch Việt Nam đã điều trị, giúp duy trì sự sống cho cả ngàn người bị bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Bà là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành Y học nước nhà có nhiều công trình khoa học nhằm cải thiện, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Nữ bác sỹ có trái tim nhân hậu xứng đáng là cá nhân duy nhất được nhận Giải thưởng Kovalevskaia danh giá năm 2020 dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tổn thương trái tim
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là quân nhân, cô gái Trương Thanh Hương nhiều lần theo cha đến đơn vị, chứng kiến những chiến sỹ bị thương đang được chăm sóc trong điều kiện sơ sài, thiếu thốn.
Những hình ảnh ấy gây xúc động mạnh trong Hương và ngọn lửa tình thương bắt đầu nhen nhóm, lớn dần trong trái tim cô gái gốc Hà Thành. Ước mơ trở thành bác sỹ cứu người thôi thúc Hương nỗ lực cao trong học tập và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của Đại học Y Hà Nội.
Trở thành bác sỹ chuyên khoa tim mạch, trực tiếp chữa bệnh cho người dân, Trương Thanh Hương nhận ra rằng những bệnh lý liên quan đến tim mạch rất nhiều mà vẫn chưa tìm ra hết nguyên nhân cũng như phương pháp chữa trị hiệu quả.
"Đáng buồn nhất là những em bé mới lọt lòng mẹ đã mắc bệnh tim, phải sống chung cùng bệnh cả đời," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương chia sẻ. Bà cho biết đó là lý do khiến bà quyết tâm nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tổn thương trái tim-một trong những bộ phận quan trọng trong cơ thể con người.
Những đề tài nghiên cứu về tim mạch lần lượt ra đời bằng tình yêu, sự tâm huyết và khát khao được cống hiến cho nền y học nước nhà, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được bác sỹ Trương Thanh Hương thực hiện trong suốt mấy chục năm qua...
Trong số những công trình ấy, hai đề tài nổi bật, mang tính đột phá, tiên phong là: Công trình "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" và "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam."
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" là quy trình sàng lọc, chẩn đoán, xét nghiệm gen, hướng dẫn tư vấn di truyền và mô hình quản lý bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam. Kết quả này đã được chuyển giao đến các cơ sơ y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết tăng cholesterol máu gia đình là di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ tuổi. Đáng lo ngại khi tại Việt Nam có gần 500.000 bệnh nhân mắc bệnh này, nhưng trước đây hầu như rất ít người bệnh được phát hiện và điều trị sớm.
Theo thống kê, bệnh tim mạch gây ra tử vong nhiều nhất trong các loại bệnh, là thủ phạm gây ra cái chết cho 18,6 triệu người trên toàn thế giới; nhiều hơn 4 lần so với các bệnh HIV, sốt rét và lao phổi.
Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho biết ở Việt Nam, có hơn 32% người bệnh tử vong liên quan đến tim mạch, vì vậy những công trình nghiên cứu về tim mạch của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương có ý nghĩa vô cùng lớn, góp phần nâng cao hiệu quả trong điều trị, giảm nguy cơ tử vong đối những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Cũng nhờ vào phương pháp mới, bệnh nhân và gia đình họ có cơ hội được tiếp cận việc chẩn đoán, điều trị tối ưu, hạn chế xảy ra các biến chứng tim mạch, nhất là ở thanh thiếu niên, qua đó giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần bảo toàn năng suất lao động, ổn định kinh tế-xã hội cho đất nước.
Bên cạnh đó, công trình "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam" đã được chuyển giao để chế tạo chíp sinh học chẩn đoán nhanh đa hình gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel đặc hiệu cho người Việt Nam. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc bệnh mạch vành giảm tối đa biến chứng và tử vong, tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế hàng năm cho đất nước.
Để có được những kết quả này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương cho biết khi đã lựa chọn cho mình con đường đúng, phù hợp để đi hãy dồn toàn bộ, thời gian, tâm sức để theo đuổi đó. Kiến thức bao la, muốn lĩnh hội được nhiều, cần phải cầu thị, sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu có người giỏi trong lĩnh vực đó để học hỏi, từ đó trang bị cho mình kinh nghiệp để cống hiến và truyền lại cho thế hệ sau...
Kiến thức phải được lan tỏa mới có giá trị
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương là thầy thuốc, nhà giáo có uy tín trong lĩnh lực tim mạch của Việt Nam. "Không chỉ là một chuyên gia giỏi trong siêu âm tim và tim bẩm sinh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương còn là người đam mê nghiên cứu, sáng tạo; có công đào tạo, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương hướng dẫn học trò thăm khám cho bệnh nhân. (Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Giải thưởng Kovaleskaia dành cho Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương là hoàn toàn xứng đáng. Đó chính là động lực, nguồn động viên vô cùng lớn đối với những nhà khoa học nữ đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho xã hội," Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, việc tăng mỡ máu có tính chất gia đình (di truyền) ở Việt Nam, liên quan đến điều tra phả hệ là loại bệnh rất khó khăn. Công trình "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" đã đưa ra những phương pháp điều trị hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc điều trị căn bệnh này.
"Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều cháu bé bị rối loạn mỡ máu có tính chất di truyền, sau đó biến chứng, bị hẹp động mạch vành, rất nguy hiểm. Công trình nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương đã giúp cho giới chuyên môn phát hiện ra bệnh, nhanh chóng can thiệp, sàng lọc những thành viên trong gia đình chưa bị biến chứng để điều trị sớm là rất hiệu quả," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng khẳng định.
Chia sẻ những khó khăn mà các nhà khoa học nữ phải đối mặt trong sự nghiệp, bác sỹ Hùng nhấn mạnh hai từ "cảm phục" và cho rằng, cùng đảm nhận một khối lượng công việc như nhau, nhưng so với nam giới, phụ nữ phải nỗ lực, hy sinh hơn rất nhiều để có thể thành công.
Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết không chỉ ở Viện Tim mạch mà toàn ngành Y đều có sự công bằng trong việc tạo cơ hội thể hiện tài năng giữa nam và nữ; thậm chí nữ giới cần phải được tạo điều kiện nhiều hơn trong tương lai để khích lệ tinh thần làm việc, sự cống hiến trong công việc...
Không chỉ giỏi chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương còn đóng góp một phần không nhỏ khi là cầu nối của ngành Y tế Việt Nam với quốc tế, thông qua các đóng góp ngang tầm trong nghiên cứu khoa học và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học uy tín trên thế giới từ Pháp, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản... Nhờ đó, nhiều bác sỹ, nhà khoa học trẻ đã có cơ hội tiếp cận môi trường khoa học quốc tế để học tập và phát triển năng lực tối ưu, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Là một trong những bác sỹ trẻ xuất sắc được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương đào tạo, Thạc sỹ Kim Ngọc Thành, giảng viên Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội cho biết cô Hương là người thầy đáng kính đối với rất nhiều thế hệ học trò. Không chỉ tâm huyết với nghề, sẵn sàng truyền lại kiến thức cho thế hệ sau, cô còn là chỗ dựa vững chắc giúp cho các bác sỹ trẻ có cơ hội được cọ sát với thực tế, tham gia các diễn đàn lớn về y học trên thế giới, tự tin khẳng định năng lực của mình trước các đồng nghiệp quốc tế.
"Cô đã truyền lại hết kiến thức, kinh nghiệm cho chúng tôi và luôn kèm theo câu nói: Cô dạy hết cho các em những gì cô đã có và mong rằng các em cũng sẽ truyền lại cho thế hệ sau như vậy," bác sỹ Kim Ngọc Thanh chia sẻ.
Lý giải về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương khẳng định kiến thức phải được lan tỏa mới thực sự có giá trị và sức mạnh to lớn. Bác sỹ cũng như chiến sỹ luôn phải tiên phong đi đầu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước...
Với những đóng góp cho ngành Y tế nước nhà, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thanh Hương đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Lao động hạng III và danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú".
Theo Vietnamplus