Nguyễn Phương Anh tốt nghiệp trường THPT Chuyên Hưng Yên và từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh. Từ đó, nữ sinh nhận thấy bản thân mong muốn được tiếp tục trải nghiệm môi trường giáo dục lấy học sinh làm trung tâm (student-centred education), tức tập trung nguồn lực của nhà trường vào phát triển bản thân người học.
Tuy nhiên, do không đủ điều kiện tài chính vào thời điểm đó, Phương Anh quyết định học tại một trường đại học thuộc nhóm tốt nhất Việt Nam trong khi vẫn nung nấu kế hoạch theo đuổi một ngôi trường quốc tế - nơi có triết lý giáo dục mà cô mơ ước từ cấp 3, không chỉ ưu tiên nhóm đối tượng ưu tú hơn. Sau một năm học. Phương Anh dũng cảm lựa chọn từ bỏ ngôi trường đang học và ứng tuyển học bổng tại trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV).
Cuối cùng, năng lực, nỗ lực và cả may mắn đã đem lại cho Phương Anh suất học bổng Dean trị giá 50% cho ba năm học tại BUV.
Nhận thức rõ bản thân muốn trở thanh doanh nhân, đam mê hoạt động cộng đồng, Phương Anh bắt đầu theo đuổi mục tiêu từ những năm học cấp 2. Nữ sinh đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan tới khởi nghiệp, kinh doanh, từ đó, xây dựng nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ vững vàng.
Khi thực tập tại Trung tâm khởi nghiệp của Đại học Kinh tế Quốc dân, Phương Anh được gặp nhiều doanh nghiệp để phỏng vấn, tổ chức sự kiện, cung cấp các kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Từ những hoạt động này, Phương Anh càng quyết tâm theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh hơn.
Nói về lý do chọn BUV, Phương Anh cho biết, ngoài triết lý giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, nơi mà sinh viên được tạo điều kiện tìm hiểu học tập và nghiên cứu với sự hỗ trợ tối đa từ giáo viên, sinh viên khóa trên, từ hệ sinh thái của trường như hệ thống quản lý học tập, cơ sở vật chất phục vụ học tập... cô còn yêu thích chương trình học tinh gọn, chắt lọc của BUV.
Tại đây, Phương Anh được học những môn hữu ích cho sự nghiệp tương lai, như vậy, nữ sinh tập trung được vào việc học, tối ưu thời gian. Đây cũng là cách đào tạo của các chương trình giáo dục Anh quốc - đảm bảo đầu ra cho sinh viên, giúp họ đủ kỹ năng ứng tuyển và đứng vững trong thị trường lao động.
Phương Anh cũng chia sẻ, thời gian đầu khi muốn chuyển hướng sang học tại môi trường quốc tế, nữ sinh không được bố mẹ, giáo viên cấp 3 ủng hộ bởi không họ thực sự hiểu giáo dục tập trung là gì, bên cạnh những hoài nghi về chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên, kết quả đầu ra...
Tuy nhiên, yếu tố Phương Anh đặt lên hàng đầu không phải là thuyết phục bố mẹ qua lời nói. Nữ sinh khẳng định: "Yếu tố quan trọng nhất khi trao đổi với bố mẹ là mình hiểu được bản thân muốn gì và môi trường giáo dục như BUV cần thiết và phù hợp ra sao. Chỉ khi biết rõ mục tiêu và con đường mình lựa chọn thì mới thuyết phục được mọi người xung quanh".
Lan tỏa giá trị thiết thực
Nhận được học bổng danh giá, Phương Anh như được "tiếp sức" để thực hiện ước mơ tạo ra giá trị cho cộng đồng, trước mắt là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các sinh viên khác có cùng đam mê.
Ngay trong thời gian chờ nhập học, Phương Anh đã tìm hiểu về các câu lạc bộ trong trường. Nhận thấy câu lạc bộ kinh doanh tại trường chưa có nhiều hoạt động cho sinh viên năm nhất - những người luôn hừng hực khí thế, Phương Anh gấp rút lên kế hoạch mang cuộc thi Hult Prize nổi tiếng toàn cầu về trường. Đây là cuộc thi khởi nghiệp thường niên dành cho sinh viên trên toàn thế giới, do Liên Hiệp Quốc và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bảo trợ cùng với trường Kinh doanh Quốc tế Hult (Hult International Business School).
Phương Anh chia sẻ: "Nếu sinh viên không được truyền cảm hứng ngay từ đầu, dần dần nhiệt huyết của họ sẽ giảm. Vì thế, mình muốn có thể kịp thời cứu vãn điều đó".
Tận dụng lợi ích của giáo dục tập trung
Hult Prize cần tổ chức vào đầu năm học, tức khoảng tháng 9 để kịp Chung kết vào tháng 12. Do đó, Phương Anh quyết định đẩy nhanh tiến độ bằng cách đăng ký làm Campus Director (Giám đốc cơ sở) trước khi chính thức nhập học vào tháng 7/2020. Hồ sơ của Phương Anh đã được duyệt ngay sau 3 ngày. Với vai trò Campus Director, Phương Anh lãnh đạo 20 thành viên thuộc các nhóm Phát triển Nội dung, Marketing, Đối ngoại kết nối các đối tác, trong đó có diễn giả và các đơn vị cố vấn với từng đội thi để tổ chức chương trình ươm tạo khởi nghiệp chủ đề thực phẩm cho 1.200 sinh viên trong trường.
Tổ chức và vận hành cuộc thi ở thời điểm Phương Anh chưa quen biết ai trong trường là một trong những khó khăn của cô tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh. Nữ sinh quyết định đăng thông báo nhận học bổng của BUV trên LinkedIn (nền tảng kết nối công việc) với hy vọng có thể tìm kiếm nhân lực và nhận được sự chia sẻ rộng rãi từ các sinh viên trong trường.
Sau đó, thầy Francesco Meca (Quản lý chương trình Quản trị Du lịch và Tổ chức sự kiện) trong trường đã chú ý tới bài viết và quyết định hỗ trợ, đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp Phương Anh quản lý dự án tốt hơn, sử dụng phương pháp SCRUM để giảm thiểu rủi ro khi vận hành cuộc thi.
Nhận xét về Phương Anh, ông Francesco cho biết bản thân chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Phương Anh từ những ngày đầu quản lý cuộc thi và dẫn dắt chương trình tới thành công. Không chỉ mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt lý thuyết cho việc tổ chức sự kiện, dần dần Phương Anh đã chuyển sang những cách tiếp cận thực tế và có tác động hiệu quả hơn. "Với sự chăm chỉ, nhiệt huyết và luôn sẵn sàng đưa ra ý tưởng, Phương Anh chắc chắn sẽ còn tạo ra nhiều giá trị ý nghĩa cho cộng đồng trong tương lai", ông nói thêm.
Phương Anh cũng nhận được sự hỗ trợ từ thầy Aiman Abousher (Quản lý chương trình Quản trị Marketing, BUV), dù không trực tiếp dạy Phương Anh nhưng đã giúp nữ sinh chuẩn bị bài diễn thuyết trong đêm Chung kết. Thời gian tổ chức cuộc thi này là lúc cô nữ sinh tự mình trải nghiệm triết lý giáo dục tập trung tại BUV.
Phương Anh chia sẻ, BUV không phân biệt sinh viên, dù học lực ra sao, mọi người vẫn sẽ được hỗ trợ giống nhau. Cũng chính nhờ tài trợ của nhà trường về địa điểm tổ chức và chi phí in ấn, Campus Director của Hult Prize BUV có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tận dụng số tiền tài trợ từ các doanh nghiệp bên ngoài vào các hoạt động khác như khuyến học, nâng cao giá trị lợi ích cho thí sinh, giúp họ được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc thi.
Nữ sinh 10X khẳng định triết lý giáo dục lấy học sinh là trung tâm cần phải có trải nghiệm thực tế để có được cảm nhận theo từng cá nhân. BUV luôn chú trọng trao cho sinh viên nguồn lực, mạng lưới quan hệ, hỗ trợ cơ sở vật chất, tư vấn cách vận hành câu lạc bộ... để mỗi người có thể phát triển bản thân và từ đó đóng góp giá trị ngược lại cho nhà trường, cộng đồng. Đó là biểu hiện thiết thực nhất của giáo dục tập trung.
"Nếu mỗi cá nhân biết cách chủ động theo đuổi ước mơ và kiến tạo tương lai cho chính mình, đồng thời kiên trì thực hiện mục tiêu đó, những giá trị cốt lõi của giáo dục tập trung đem lại sẽ là bệ phóng lớn cho sinh viên", nữ sinh nói thêm.
Theo vnexpress