Chị Võ Thị Minh Huệ từng làm chuyên gia trị liệu tâm lý tại Phòng khám Nhi đồng TPHCM. Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ở phòng khám, chị nhận ra ngày càng nhiều trẻ bị rối loạn năng lượng. Chị băn khoăn về nguyên nhân tại sao trẻ tự kỷ. Vì thế, chị quyết định dừng công việc trị liệu để đi tìm một giải pháp tận gốc.

leftcenterrightdel
 Chị Minh Huệ chơi trống hang drum - một nhạc cụ có các nốt tương ứng với vùng năng lượng bên trong, khi phát ra âm thanh có tần số phù hợp sẽ giúp cải thiện giác quan của trẻ

Chị gọi các bạn tự kỷ là “VIP”. Hành trình đi tìm câu trả lời cho các VIP cũng chính là hành trình chị tìm về với chính mình. Chị thấy mình trong các con và các con ở trong mình. Khao khát có một cách nào đó để các VIP được học theo cách của mình và tỏa sáng những tiềm năng sẵn có luôn thôi thúc chị.

Cánh cửa đầu tiên mở ra, gốc rễ của sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần là năng lượng. Kết nối với kiến thức đã học, chị nhận ra y khoa hiện đại gọi tên rất nhiều triệu chứng, nhưng xét về bản chất thì đó là rối loạn năng lượng từ bên trong.

Chị chọn yoga âm thanh (mantra yoga) làm công cụ để cân bằng năng lượng từ bên trong. Yoga âm thanh là đọc, ngân nga một số âm thanh và chỉ chú tâm vào những âm thanh đó. Các âm thanh được đọc là tiếng Phạn mang ý nghĩa truyền tải năng lượng. Khi phát âm những âm thanh này theo nhịp điệu của trẻ, sẽ tác động đến các vùng năng lượng bên trong. Bản thân chị thực hành và trải nghiệm yoga âm thanh trước khi áp dụng phương pháp này cho trẻ.

Trong phương pháp kundalini yoga của Bhajan, “Sat” nghĩa là sự thật, là nguồn cội, “Nam” là chính mình. Sat Nam Farm là nơi mọi người về và tìm thấy chính mình. “Khu vườn này mình muốn ưu tiên cho những gia đình có trẻ đặc biệt, bởi vì mình tìm thấy chính mình trong những đứa trẻ “không giống ai” này. Nhờ các bạn ấy mà mình hiểu mình hơn” - chị viết trong cuốn sách Hành trình sa mạc nở hoa.

Sat Nam Farm được lựa chọn ở vùng đất Di Linh (Lâm Đồng), có năng lượng cân bằng, nghĩa là có đủ yếu tố đất - nước - lửa - gió. Nguồn thức ăn ở Sat Nam Farm là thực vật, rau trái từ vườn trồng được, mua của bạn bè hoặc xin hàng xóm. Tất cả đều được canh tác hữu cơ. Ở Sat Nam Farm cũng không có wifi, ti vi để mọi người không bị phân tâm.

Chị hiểu rằng, chữa lành cho các VIP bắt đầu từ đứa trẻ, người đang chăm sóc trẻ và người tạo ra những đứa trẻ đó. Chính vì thế mà khi nhận trẻ về Sat Nam Farm, chị luôn yêu cầu phải có người thân đi cùng trẻ. Trẻ ở chỗ chị được sống thuần tự nhiên, được chăm sóc chung không phân biệt con của cha mẹ nào. Tất cả người lớn và trẻ nhỏ đều sinh hoạt, học tập, rèn luyện, chăm sóc bởi tình yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

leftcenterrightdel
 Hoạt động vui chơi ở Sat Nam Farm

Có lần, chị nhận được một báo cáo nhận định về một đứa trẻ từ trường bé đang học. Những cụm từ: mức độ nặng, thiếu hụt nặng, khiếm khuyết, có vấn đề, chưa đáp ứng được, xếp loại thấp, thoái lui… lặp đi lặp lại liên tục và được in nghiêng, tô đậm.

Chị tự hỏi, cha mẹ bé đọc xong sẽ hoang mang tới mức nào khi không tìm thấy điểm sáng nào của con để níu vào. Vì vậy, chị đã tạo ra một môi trường sống và giáo dục thuần tự nhiên và yêu thương thuần khiết ở Sat Nam Farm, dành riêng cho gia đình các con.

Chị nói về những đứa trẻ ở Sat Nam Farm: “Tôi yêu sự trong sáng và tinh khiết của chúng. Tôi yêu cái cách chúng “rã đông”, từ từ thả lỏng và tin tưởng người lớn; yêu những đôi mắt vô cảm và thờ ơ dần trở nên sinh động, đến một ngày những ánh mắt ấy còn biết cười với tôi. Tim tôi xốn xang mỗi khi chúng ôm tôi siết chặt. Tôi biết ơn những đứa trẻ này nhiều lắm. Chúng dạy cho tôi bao bài học về yêu thương”.

Mỗi trẻ tự kỷ là một cuốn giáo trình của chị. Vì vậy, chị mong được sống thật nhiều với những bạn VIP và thời gian đủ lâu để mình tự đưa ra nhận định về những bạn nhỏ này. Nhận định không tô vẽ mà mang đúng tinh thần của Sat Nam Farm - tinh thần của sự thật.

Ngày cuối tháng Ba, chị và các cộng sự đã đưa hơn 200 người lớn và trẻ nhỏ về lễ hội Trẻ cầu vồng ở Nha Trang. Lễ hội kỷ niệm ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với thông điệp: “Mẹ ơi! Mình đã về nhà, sau những ngày đi xa!”. Với trẻ đặc biệt, cần được dẫn lối bằng hiểu để rồi thương.

Chị Võ Thị Minh Huệ là thạc sĩ tâm lý lâm sàng, chuyên gia tâm lý trị liệu, huấn luyện viên yoga và thiền, nhà sáng lập Trung tâm Yoga và Thiền Tâm Lý Trẻ, Sat Nam Farm, Sat Nam School.

Chị Huệ cũng là tác giả những cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết nuôi dạy con, gồm: Tuổi dậy thì, không gì phải sợ!; Cùng con trưởng thành; Nói chuyện giới tính không khó!; Kỹ năng sống dành cho trẻ - Con muốn tự lập; Viết cho con đang tuổi dậy thì; và chủ biên sách Hành trình sa mạc nở hoa.

Theo phụ nữ TPHCM