Nhiều phụ nữ sau khi đã thay đổi mới nhận ra rằng "sao trước đó mình lại sống một cuộc sống tẻ nhạt và buồn phiền đến vậy? Nếu cứ kéo dài những tháng ngày không tìm thấy niềm vui này thì điều gì sẽ xảy ra?".
Tìm lại nụ cười
Chị P.K.L., 43 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), một hôm nhìn chăm chú vào bài báo đang viết về những dấu hiệu báo động có thể bạn sẽ bị trầm cảm, chị L. giật mình khi thời gian gần đây chị bị rối loạn giấc ngủ, đêm nào chị cũng thức dậy vào lúc 2h - 3h sáng.
Có hôm dỗ dành mãi giấc ngủ mới trở lại, có hôm cứ nằm nhắm mắt đợi đến khi trời sáng nhưng khi ánh mặt trời chiếu tận vào phòng, chị L. lại uể oải không muốn dậy.
Ngoài triệu chứng thức giấc vào ban đêm, khó ngủ lại, chị L. còn chán ăn, ăn không ngon miệng. Cuộc sống sau dịch COVID-19 làm thu nhập của gia đình chị giảm đi nhiều nhưng những chi trả trong cuộc sống như tiền học hành của hai con, điện, nước... vẫn như cũ, còn nhiều khoản như tiền ăn uống, tiền đổ xăng... tăng theo giá xăng.
Chị L. làm việc ở cơ quan, về đến nhà lại lao vào nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Ngày nào cũng đến tối muộn mới xong việc.
"Nếu có ai đó hỏi thời gian hạnh phúc nhất trong ngày của chị là khoảng thời nào?", chị sẽ không ngần ngại trả lời "đó chính là lúc được nằm lên giường để chuẩn bị chìm vào giấc ngủ". Gần đây, chị len lỏi suy nghĩ: "Khi con người ta chết sẽ có một giấc ngủ dài, sẽ đỡ mệt mỏi hơn!"...
Chỉ khi đọc bài báo về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, thấy mình có những dấu hiệu của bệnh này, chị L. mới bắt đầu thấy lo. Nhớ đến một người bạn cùng cơ quan từng bị bệnh trầm cảm, chị gọi điện thoại ngay để chia sẻ.
Người bạn khuyên chị L. nên bớt công việc, dành thời gian tập thể dục ngoài trời, nghe nhạc, tắm nắng, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn... Mỗi khi tắm xong nên ngắm mình trước gương để yêu quý bản thân hơn, hãy cười vào gương, nói rằng mình là một người phụ nữ đẹp, duyên dáng, hạnh phúc...
Nhận thấy bản thân đã sống một cuộc sống đầy ắp những công việc và lo toan, đến mức sắp bị bệnh, chị L. mới quyết tâm thay đổi cuộc sống.
Trên cơ quan, chị L. tập trung làm việc chứ không vừa làm vừa vào Facebook hay lướt web như trước. Chị giải quyết hết công việc ở cơ quan chứ không mang về nhà như trước. Chị cố dậy sớm tập các bài tập hoặc chạy bộ và đón những tia nắng đầu tiên của một ngày mới.
Kể từ hôm đi tập thể dục, chị dễ đi vào giấc ngủ và nếu bị thức giấc thì dỗ dành giấc ngủ trở lại cũng dễ hơn. Ngày cuối tuần, khi các con được nghỉ học, chị bắt đầu hẹn những người bạn của mình đi cà phê, chị chăm sóc bản thân nhiều hơn...
Chỉ sau hơn một tháng thay đổi cách sống, chị thấy mình năng động, suy nghĩ lạc quan hơn và chị đã cười nhiều hơn... Những dấu hiệu mà chị từng lo có thể mắc bệnh trầm cảm giờ đã ngày càng được cải thiện.
Trưởng thành từ trong biến cố
Chia tay với người chồng luôn nhậu nhẹt, nợ nần, chị H.T.N., 38 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức (TP.HCM), tưởng cuộc sống của chị sẽ nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, chị lại phải "đối mặt" với cuộc sống của một bà mẹ đơn thân. Một mình kiếm tiền nuôi hai con, đưa hai con đi học, nấu ăn, chăm sóc cho hai con.
Ngày trẻ, chị N. là một cô gái có chút nhan sắc, đã được nhiều bạn trai săn đón nhưng giờ chị rất ngại gặp lại các bạn cũ vì chính chị cũng cảm thấy hình thức của mình đang "xuống dốc" rất nhanh.
38 tuổi nhưng tóc chị N. bị bạc rất nhiều. Làn da trắng mịn ngày xưa giờ đã thành làn da xỉn màu, gồ ghề. Có khi cả tháng chị N. không muốn nhìn mình qua gương. Chị thấy chán bản thân.
Một hôm trong lúc giảng giải cho con gái lớn về cách ăn mặc, chăm sóc bản thân, con chị không những không nghe mà còn "chê luôn cả mẹ". Con nói con thấy ngại với các bạn khi mẹ đến đón con. Chị đã ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ. Chị thấy cuộc sống của mẹ con chị không thể tiếp diễn như thế này được.
Vậy là chị N. quyết định mua một chiếc xe đạp cho cô con gái đang học lớp 7 hằng ngày tự đạp xe đến trường. Làm vậy con vừa tự lập, chị cũng bớt đi một việc.
Bé thứ hai đang học lớp 5 nhưng chị cũng dạy cho con biết nấu ăn, tự chuẩn bị bữa sáng. Thời gian con nấu bữa ăn sáng, chị đi tập thể dục sau đó về đưa con đi học. Lúc đầu tập cho con nấu ăn cũng khá vất vả nhưng con đã quen thì chị nhàn hơn rất nhiều. Chị dành thời gian xem phim, chăm sóc bản thân, rủ bạn đi mua sắm những bộ đồ tôn dáng vóc của chị hơn...
"Có những điều rất đơn giản nhưng chỉ khi thay đổi mới thấy cuộc sống tươi vui, rộn ràng hơn rất nhiều", chị N. chia sẻ.
Trước đây, chị cho rằng quần áo không quan trọng gì nhưng bây giờ chị nhận ra một bộ quần áo phù hợp cũng giúp chị vui hơn, tự tin hơn! "Khi mình đẹp, mình vui mình mới lan tỏa được những điều tốt đẹp này đến các con và những người xung quanh mình".
Con chị tự làm việc nên biết mẹ từng vất vả thế nào, con biết yêu chị hơn. Thi thoảng chị khen con mỗi khi con chăm chỉ làm thêm việc mới. Con thấy vui và chị cũng thấy vui. Cuộc sống đã nhẹ nhàng và vui vẻ hơn những ngày tháng trước đó nhiều.
Phụ nữ nên học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, học cách yêu bản thân và chăm sóc bản thân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người phụ nữ xinh đẹp, rạng ngời
Nhiều người trong cơ quan cùng nhận xét chị P.B.H. là một người phụ nữ "rạng ngời". Ở tuổi sắp về hưu nhưng chưa chắc các cô gái trẻ đã tự tin, vui vẻ và xinh đẹp như chị. Gặp chị, ai cũng ấn tượng về nụ cười đẹp của chị. Những nụ cười ấy luôn thường trực trên môi.
Ở chị luôn lan tỏa một năng lượng tích cực. Người nào đang buồn gặp chị cũng như cảm thấy được thay đổi tâm trạng. Chị nói chuyện hay, cuốn hút nên ai gặp chị cũng thích được nói chuyện cùng chị. Chưa kể, chị H. còn có một trái tim ấm áp, gặp người khó khăn chị sẵn lòng giúp đỡ.
"Mỗi khi giúp đỡ được ai đó, chị thấy mình rất vui và hạnh phúc", chị chia sẻ.
"Bí quyết nào để chị mãi là một người phụ nữ luôn vui vẻ, rạng ngời khi đã là U60?". Chị H. nói: "Chị luôn nghĩ mình là cô gái 20, chứ chưa khi nào nghĩ mình U60 cả". Mọi việc vẫn luôn thế nhưng nếu thay đổi cách nhìn sẽ nhìn ra được nhiều điều hay, tích cực trong cuộc sống này.
Theo Tuổi trẻ