leftcenterrightdel
 

Nguyễn Lê Bảo Trân (2005), học sinh lớp 12A4 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) vừa nhận được suất học bổng lên tới 4,9 tỷ đồng từ Đại học Lehigh (Bethlehem, Pennsylvania, Mỹ). Đây là trường đại học có chương trình đào tạo chất lượng, sát thực tế cùng nhiều cơ hội gặp gỡ các nhà tuyển dụng hay thực tập tại các tập đoàn lớn. 95% sinh viên của trường tìm được việc làm chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp.

Đáng chú ý, hồ sơ apply học bổng của Bảo Trân không hề có điểm SAT và IELTS lung linh. Vì thế, nữ sinh này đã tập trung vào những thế mạnh khác. Đó chính là hoạt động ngoại khóa và bài luận. 

Tính tới thời điểm hiện tại, Trân đã nộp hồ sơ vào 7 trường. Em nhận được thư chấp nhận và học bổng của 4 trường, trong đó có Lehigh University với mức hỗ trợ tài chính gần 52 ngàn USD/năm (khoảng 1,22 tỷ đồng), trong đó có phí bảo hiểm y tế kèm dịch vụ sử dụng phòng thí nghiệm và được làm việc tại trường với mức lương 2,5 ngàn USD/năm (khoảng 59 triệu đồng). 

Hiện tại, Trân dự tính sẽ học tại trường 4 năm để lấy bằng cử nhân. Em được trường cho học chương trình 4+1 (nghĩa là sau 4 năm cử nhân, nếu học thêm 1 năm tại trường và tốt nghiệp thì em sẽ có bằng thạc sĩ). Trân sẽ nhập học vào tháng 8/2023, chuyên ngành của Computer Science and Business (Khoa học máy tính và Kinh doanh).

leftcenterrightdel
Nguyễn Lê Bảo Trân, học sinh lớp 12A4 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) 

Từ mục tiêu "du học đâu cũng được" và cơ duyên đến với nước Mỹ

Du học là giấc mơ từ bé với Bảo Trân. Trước đây, khi mẹ hỏi muốn đi du học ở đâu, câu trả lời của Trân luôn là "Đi đâu cũng được, miễn được đi là được mẹ ạ!". Trân muốn đi đến những đất nước phát triển để học tập và trau dồi bản thân, trải nghiệm những văn hóa khác nhau, gặp gỡ những người bạn đến từ các quốc gia khác để biết thêm nhiều câu chuyện của họ.  Quan trọng hơn cả, Trân muốn bản thân có được những cơ hội tốt cho tương lai để giúp đỡ không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho cộng đồng. 

Ban đầu, Trân đặt mục tiêu săn học bổng ở châu Âu, cụ thể là nước Đức. Nhưng cơ duyên với nước Mỹ lại đến khi Trân được một anh cựu học sinh truyền lửa và luôn động viên nên tin tưởng vào khả năng của mình. Cùng với sự ủng hộ cũng như mong muốn của gia đình, nữ sinh 2k5 đã "quay xe" vào hè năm lớp 11 để chuẩn bị cho hành trình nộp đơn đại học ở xứ sở Cờ hoa.

Về học tập, Trân luôn cố gắng giữ điểm trung bình trên 9.0 và ở top lớp để có thể nhận được học bổng của trường mỗi kỳ. Ngoài ra, em còn tham gia những cuộc thi như Tin học trẻ, Khoa học kỹ thuật, UInvent, Hackathon, VIFOTEC… và giành được một số giải thưởng nhất định như giải Nhất Tin học trẻ cấp thành phố (2021), giải Nhất học sinh giỏi Vật lý cấp thành phố (2020), giải Sản phẩm công nghệ được yêu thích nhất của cuộc thi Youth-on! Hackathon do UNICEF Vietnam tổ chức (2021)…

Tuy nhiên có thể nói, thế mạnh của Bảo Trân đến từ hoạt động ngoại khóa. Vốn đam mê và yêu thích công việc thiện nguyện, hầu hết các câu lạc bộ Trân tham gia đều thuộc lĩnh vực này. Nữ sinh đã tham gia và tổ chức hơn 20 dự án thiện nguyện lớn nhỏ từ năm 2020 đến nay. 

Em tham gia CLB thiện nguyện Shining Spring vào cuối năm 2019 với tư cách là tình nguyện viên, sau đó trở thành trưởng ban Đối ngoại (2020) và được bầu làm Chủ nhiệm CLB (2021). Cũng vào năm 2021, em cùng bạn thân của mình lập nên BlissKidz – một tổ chức phi lợi nhuận đưa các bạn trẻ ngày nay đến gần hơn với những mảnh đời còn khó khăn. 

leftcenterrightdel
 
 
 
Thế mạnh của Bảo Trân đến từ hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là công việc thiện nguyện. 

 

Bên cạnh đó, Trân còn là trưởng ban Đối ngoại của CLB âm nhạc Phan Châu Trinh Band và trưởng ban Đối ngoại của Sạp Juvenile. Trong suốt những năm cấp 2 và cấp 3, Trân còn tham gia câu lạc bộ và đội tuyển bóng rổ của trường và giành được giải Ba đồng đội nữ bóng rổ cấp thành phố.

6 tháng trời chật vật vì bài luận viết về bố

Một trong những yếu tố khiến hồ sơ của Bảo Trân gây ấn tượng chính là nhờ bài luận sâu sắc mang đậm dấu ấn cá nhân. Không chỉ chật vật với SAT và IELTS, Trân đã rất vất vả với bài luận trong 6 tháng trời. Những bản nháp ý tưởng đến câu từ, em luôn cố gắng lắng nghe góp ý của cố vấn, của thầy cô, của bạn bè để hoàn thiện hơn qua mỗi phiên bản. Đến ngày cuối nộp hồ sơ, em còn thức đến 2h sáng để sửa luận chính và luận phụ lần cuối với thầy nước ngoài.

Trân cho biết mình đã stress rất nhiều, lo lắng mỗi khi có điểm, hồi hộp lắng nghe những nhận xét, hạnh phúc khi nhận được đánh giá tốt và sốt ruột, mất ngủ chờ mail trả kết quả. Những tháng ngày cố gắng hoàn thiện hồ sơ du học tuy rất vất vả nhưng nó đã giúp em trưởng thành hơn rất nhiều.

Bài luận của Trân cũng chính là món quà và nguồn động lực em muốn gửi đến ba của mình. Trân chia sẻ, mình không thân với ba như mẹ, vì ba khá nghiêm khắc và ít khi chung "tần số" với em. Trước đây, ba em là trọng tài bóng đá nhiều năm liền nhận còi vàng bóng đá Việt Nam, em luôn ngưỡng mộ ba từ bé. Nhưng sau những sự cố nghề nghiệp, chấn thương, và khá nhiều chiều hướng dư luận, ông đã rơi vào cái hố "thất bại" của cuộc đời. 

Khoảng thời gian đó Trân giận ba vì thấy mẹ lúc nào cũng vất vả, tất bật công việc, còn ba luôn trong trạng thái tự ti và thất nghiệp. Vì thương mẹ, thương ông bà, thương các em, cũng không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình nên Trân đã cố gắng tìm cho mình một công việc với hy vọng sẽ khá hơn. 

"Em đã từng đậu vòng sơ khảo của hai công ty và nhận được lời mời phỏng vấn, nhưng có lẽ em đã làm chưa tốt nên bắt đầu rơi vào trạng thái hỗn loạn, lúc đó điểm trên trường của em lại mất phong độ, công việc không có, em càng không muốn ba mẹ buồn. Nhưng khi phát hiện em như vậy, ba em thật sự rất tức giận và đến giờ nghĩ lại, em nghĩ mình vừa ngây thơ vừa... liều nữa. 

Nhưng em nghĩ nhờ lần đó mà ba em đã thức tỉnh, ba cũng đã cố gắng đi xin việc rất nhiều và cuối cùng cũng có cho mình công việc kinh doanh ổn định với sự hỗ trợ từ gia đình. Ba đã là động lực cho em khoảng thời gian đó để vượt qua khủng hoảng tuổi 16,17. Em luôn tự hào về ba của mình. Bài luận của em đã xoay quanh về câu chuyện của hai ba con như vậy. "No struggle, no progress" là bài học em rút ra được, cũng là câu cuối cùng khép lại bài luận của mình", nữ sinh chia sẻ.

Trong 4 trường được cấp học bổng, Trân chọn Đại học Lehigh vì ấn tượng với ngành học của em (Khoa học máy tính và Kinh doanh). Nó là sự kết hợp giữa hai khối ngành lớn và em rất tò mò muốn biết Lehigh đã làm như thế nào để kết hợp lại thành một chuyên ngành. Khi đọc mô tả chương trình trong 4 năm thì em thật sự muốn học tập tại đây. 

Lehigh luôn hướng đến một môi trường bình đẳng, tận tâm tận tình với sinh viên và hỗ trợ rất tốt cho sinh viên về mặt nghiên cứu cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, khuôn viên trường Lehigh khá đẹp và cổ kính, hội sinh viên trường khá năng động và tích cực. Trường cũng gần các thành phố lớn như Philadelphia hay New York.

leftcenterrightdel
Trân chia sẻ mình muốn giành thời gian cho gia đình nhiều nhất có thể trước khi đi du học. 

Còn hơn nửa năm nữa để nhập học, Trân chia sẻ mình muốn giành thời gian cho gia đình nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, em sẽ cố gắng trau dồi tiếng Anh, kỹ năng sống, nhất là những kinh nghiệm nấu ăn từ bà nội, bà ngoại; trau dồi kiến thức về chuyên ngành mình sẽ học và đặc biệt sẽ cố gắng làm quen với một vài người bạn mới từ group của trường. 

Với những bạn có ý định săn học bổng du học, Trân khuyên hãy cố gắng nhiều nhất có thể, món quà quý giá nhất mình nhận được không phải là học bổng mà là sự trưởng thành của bản thân. Khi đó, dù kết quả có như thế nào, bạn cũng sẽ không cảm thấy hối tiếc. 

"Hy vọng các bạn sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi "Mình là ai?" trong hành trình của mình. Đó là chiếc chìa khóa quan trọng mà mình nghĩ nhà tuyển sinh Mỹ thật sự muốn nhìn thấy. Còn một điều nữa, một bộ hồ sơ có rất nhiều yếu tố nên các bạn hãy cố gắng khai thác hết sức những thế mạnh của mình. Tìm một người hỗ trợ cũng rất quan trọng. Với em, em rất cảm ơn cô Nguyễn Hà Trúc Giang đã luôn hỗ trợ, động viên và ủng hộ em hết mình để em có được ngày hôm nay", Trân nói.

Hiểu Đan