Chân dung Liệt sĩ Hoàng Ngân (1921- 1949).
Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân sinh năm 1921 tại Hải Phòng, là con gái của nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long. Ông Phạm Trung Long quê gốc Nam Định từng ra vùng mỏ Quảng Ninh làm phu, sau nhờ tháo vát làm ăn biết tổ chức đóng tàu, đánh bắt hải sản, kinh doanh lương thực hải sản mà giàu lên.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được cha, mẹ cho nghỉ học sớm để không phải vất vả học hành. Gia đình Vân có cửa hàng bán cá lớn ở Chợ Sắt, Hải Phòng nên hàng ngày, bà ra chợ chỉ để giúp mẹ trông nom sổ sách, thu tiền còn lại không phải đụng đến công việc gì khác.
Sống trong nhung lụa và được gia đình nuông chiều nhưng Phạm Thị Vân lại có cái nhìn mang tính thời cuộc. Trong thời gian bán hàng tại chợ Sắt, chị đã chăm chỉ đọc nhiều sách báo của Đảng Cộng sản được lưu hành công khai. Thời kỳ này, hoạt động của các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn của công nhân, học sinh, tiểu thương, trí thức đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ diễn ra rầm rộ tại Hải Phòng nên Phạm Thị Vân đã được giác ngộ và tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên dân chủ của thành phố.
Lấy lý do muốn tự chủ trong kinh doanh, Phạm Thị Vân xin phép bố, mẹ cho mở một cửa hàng bán gạo ở ngay trong chợ Sắt. Hàng ngày, cửa hàng bán gạo chính là địa điểm để bà và các thành viên trong tổ chức gặp gỡ, trao đổi và nhân rộng phong trào cách mạng.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Phạm Thị Vân đắm mình vào phong trào và trưởng thành nhanh chóng trở thành một cán bộ xuất sắc, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi (1938). Ngày 30/5/1939, Phạm Thị Vân tham gia cuộc biểu tình của hơn 1 vạn người dân Hải Phòng phản đối chính sách đàn áp của nhà cầm quyền thực dân. Cuộc biểu tình bị đàn áp, hơn 200 người bị bắt và đưa ra tòa trong đó có Vân. Tuy nhiên, do không có chứng cứ để kết tội nên bà và mọi người được trả tự do.
Đồng chí Hoàng Ngân (hàng đầu, bên trái) và một số đồng chí trong Chi bộ Hải Phòng, thời kỳ 1936 1939.
Tháng 1/1941, trong khi Phạm Thị Vân đang dự một cuộc họp quan trọng tại làng Vạn Phúc thì nhận được hiệu lệnh báo động khẩn cấp. Cuộc họp được lệnh giải tán và yêu cầu mọi người tản ra theo các hướng để tránh địch. Ra đến bến xe điện đầu thị xã Hà Đông, bà bị sa vào ổ đón lõng của bọn mật thám.
Ba tháng sau, Phạm Thị Vân bị đưa ra tòa trong một phiên xử công khai của tòa án tỉnh Hà Đông. Đứng trước vành móng ngựa, trước câu hỏi thẩm vấn của quan tòa, chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi làm cách mạng vì tôi yêu nước, tôi yêu dân tộc tôi, vì tôi căm thù đến cực độ những bóc lột tàn ác của các ông đối với nhân dân Việt Nam”. Kết thúc phiên tòa, thực dân Pháp kết án Phạm Thị Vân 12 năm tù, chuyển giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Đồng chí Hoàng Ngân (ảnh do mật thám Pháp chụp năm 1941).
Trong tù, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, Phạm Thị Vân được bầu vào tiểu ban công tác tư tưởng, bồi dưỡng chính trị cùng với các chị Nguyễn Thị Quang Thái, Trần Thị Sinh, Trương Thị Mỹ. Ngoài việc phổ biến tình hình thời cuộc, nắm các diễn biến tư tưởng để giải đáp kịp thời, bồi dưỡng các kiến thức phổ thông về chính trị, Phạm Thị Vân và các thành viên trong tiểu ban còn lo việc dạy học cho một số chị em chưa biết chữ; vận động chị em đấu tranh đòi được ra sân phơi nắng, không ăn gạo hẩm, cá thiu, định kỳ được nhận đồ tiếp tế từ gia đình. Thương cuộc sống khổ cực, thiếu thốn của chị em trong tù, chị viết thư gửi nhờ gia đình tiếp tiếp tế lương thực, thực phẩm và tiền thường xuyên để cải thiện cuộc sống chung cho toàn trại.
Tháng 3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, công tác quản lý của quân Nhật trong nhà tù còn lỏng lẻo, chi bộ Hỏa Lò đã tổ chức cho tù nhân trốn thoát bằng nhiều hình thức như trèo tường, chui cống... Phạm Thị Vân cùng một số chị em đã trà trộn vào đám đông người nhà vào tiếp tế, thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trở về, bà được làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội… Trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hoàng Ngân đã tổ chức đội nữ du kích Minh Khai. Trong năm 1946- 1947, bà tích cực hoạt động trong phong trào phụ nữ và được cử làm Bí thư Trung ương lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, rồi thành Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc Bộ.
Năm 1948-1949, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, Hội Liên hiệp phụ nữ phải đi nhiều nơi như Thái Nguyên, Bắc Kạn… nhưng bà vẫn không ngừng đẩy mạnh phong trào, sáng lập tờ báo Tiếng gọi phụ nữ (tiền thân báo Phụ nữ Việt Nam) với bài xã luận gây nhiều tiếng vang. Ngày 17/7/1949, sau một cơn sốt rét ác tính, bà qua đời tại Việt Bắc khi vừa 28 tuổi.
Đội nữ du kích mang tên Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp.
Sau khi bà mất, các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã lập các đội du kích Hoàng Ngân, một trường đào tạo cán bộ phụ nữ mang tên bà, các con phố mang tên Hoàng Ngân (ở Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội)…
Bà đã được phong tặng và truy tặng các danh hiệu: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh…
Phần mộ của bà được dời từ Thái Nguyên về nghĩa trang Mai Dịch bên cạnh chồng bà – nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ để được yên nghỉ mãi mãi bên nhau.
Theo phunuvietnam