leftcenterrightdel
 Nguyễn Thị Lan vượt qua những giới hạn của bản thân và khởi nghiệp với dòng tranh giấy xoắn nghệ thuật Quilling.

"Mình là một người khuyết tật vận động, bị liệt hầu như tứ chi. Cơ thể của mình bị mềm, mất chức năng, nên mọi sinh hoạt thường ngày đều có người thân giúp đỡ, chăm sóc và hỗ trợ. Có những lúc, mình cần có người ở nhà để canh 24/24. Vậy nên nói đến làm được cái gì đó với mình thật sự rất xa vời. Mình đã có những suy nghĩ như vậy. Và đó cũng là suy nghĩ mặc định của mọi người đối với mình". Cô gái sinh năm 1991 Nguyễn Thị Lan kể về câu chuyện của mình.

Sống trong chuỗi ngày dài vô tận, suốt ngày quanh quẩn với những buồn lo, Lan luôn có một khát khao và mơ ước... Cô ước gì mình có một công việc phù hợp với sức khỏe để làm, ước gì cuộc sống của mình có thể làm gì đó để trở nên ý nghĩa hơn. Và rồi cơ hội cũng đã đến khi Lan vô tình nghe trên radio nói về một phụ nữ bị xương thủy tinh, phải nằm một chỗ mà vẫn có thể tạo ra những bức tranh giấy rất đẹp.

"Lúc đó, mình đã rất tò mò: Tranh giấy là gì? Sao mà một người khuyết tật nặng như chị ấy cũng có thể làm được..? Và lại còn rất thành công. Mình đã bắt đầu tìm hiểu về tranh giấy qua mạng internet, qua tivi... Song ngày đó chưa có Intenet nhiều như bây giờ, cái gì mình cũng muốn tìm hiểu nhưng còn thiếu rất nhiều thông tin. Mình muốn đi học nhưng sức khỏe và hoàn cảnh không cho phép. Không từ bỏ. Mình tự mày mò cắt giấy tự làm. Mình hình dung cách làm qua những sản phẩm hoàn thiện phát trên tivi. Tất cả mình đều ghi nhớ và tự học nghề tại nhà". Nguyễn Tuyết Lan đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình như vậy.

leftcenterrightdel
Nguyễn Thị Lan vượt qua những giới hạn của bản thân và khởi nghiệp với dòng tranh giấy xoắn nghệ thuật Quilling. 

Mong bán được sản phẩm cho người hiểu giá trị của tranh

Bắt đầu làm thử một vài bức thiệp nhỏ, Lan thấy các bé hàng xóm rất thích và hỏi mua. Từ động lực đó, cô tiếp tục làm nhiều hơn và đăng lên Facebook. Rồi may mắn cũng mỉm cười khi đơn hàng đầu tiên xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của gia đình và mọi người. Niềm vui đó khiến Lan như quên hết những mệt mỏi, đau đớn về thể chất khi làm tranh. 

Đặc điểm của tranh giấy xoắn là phải ngồi rất nhiều. Với người bình thường đã thấy mệt, còn với người có hạn chế về sức khỏe như Lan, còn vừa mệt vừa đau đớn. Cúi nhiều đến sưng hết mắt. Đau mông, đau đầu gối... Nhưng vì yêu vì đam mê nên cứ đau lại nghỉ, rồi lại kiên nhẫn ngồi tỉ mỉ cắt, dán, cuộn, xếp. Tay làm nhưng đầu luôn phải suy nghĩ, phải tính toán từ họa tiết cho đến phối màu, chọn bố cục tranh sao cho hài hòa màu sắc, sinh động. Một bức tranh nhỏ cũng phải một tuần mới hoàn thành. Có những bức tranh Lan phải làm suốt cả tháng.

leftcenterrightdel
 Lan gửi vào những bức tranh giấy xoắn tất cả tâm và sức của mình.

Từ tình yêu với giấy, Lan dần dần tạo được lòng tin với bản thân và gia đình. Cô thuyết phục gia đình hỗ trợ từng bước một, từ hỗ trợ đi làm thẻ ngân hàng, đến đi mua nguyên liệu, đóng gói đi gửi sản phẩm. Cũng từ đó, Lan xin gia đình đầu tư nguyên liệu và dụng cụ để sản phẩm làm ra chất lượng hơn, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nguyễn Thị Lan tự hào giới thiệu: "Điểm đặc biệt trong những bức tranh giấy xoắn của mình là mỗi sản phẩm làm ra đều rất tỉ mỉ và chau chuốt. Mình đặt cả tâm hồn của mình vào đó, mình mong khi xem sản phẩm mọi người sẽ cảm nhận được điều đó. Mình cũng dành thời gian để nghiên cứu, sáng tạo những mẫu mã đa dạng về nội dung và tính nghệ thuật".

Công việc dần phát triển, Lan đi sâu vào làm dòng tranh chân dung. Đây là những sản phẩm có độ khó, đòi hỏi người làm không chỉ có trình độ mà còn phải có sự kiên trì, sáng tạo và có cả yếu tố nghệ thuật. 

Nguyễn Thị Lan chia sẻ, để làm một bức tranh chân dung bằng giấy xoắn phải bóc đi bóc lại nhiều lần mới được. Mỗi một bức tranh chân dung là một thử thách với Lan vì chỉ chia lệch một xíu tỉ lệ múi nhìn cũng sẽ khác, nên khi làm phải tập trung 100% tâm tư để hoàn thiện. Hơn nữa, Lan còn đầu tư thời gian, công sức để làm tranh chân dung của những nhân vật mang bề dày của lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Cô cho biết, mình gửi vào những bức tranh tất cả tâm và sức của mình, nên rất muốn tìm được những vị khách phù hợp, hiểu được giá trị của tranh.  

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Hai bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nguyễn Thị Lan hoàn thiện  

Tìm thấy tình yêu từ công việc

Công việc làm tranh giấy xoắn không chỉ giúp cho Lan có thêm thu nhập, có thêm tự tin và động lực trong cuộc sống, mà cũng chính công việc đã mang đến cho cô gái khuyết tật này mối duyên gặp người chồng, tình yêu, niềm hạnh phúc. Cô chia sẻ: "Đến giờ mình cũng không hiểu vì sao mình lại đồng ý lấy anh ấy và rời xa gia đình cả hơn ngàn km về làm dâu xứ Nẫu. Có lẽ chính tranh giấy xoắn nghệ thuật đã ghép duyên. Từ một khách hàng ấn tượng với nụ cười và sản phẩm của cô chủ, anh đã đặt tranh, rồi kết bạn trò chuyện trên mạng xã hội, sau đó mong muốn được người chăm sóc và che chở cho mình nốt phần đời còn lại". Được chồng và gia đình chồng ủng hộ, hỗ trợ, Lan vẫn tiếp tục con đường mình đang đi, đó là trở thành một người có ích, có giá trị.

Nguyễn Thị Lan tâm sự, cô rất thích câu nói của Nick Vujicic: "Tôi là một điều kỳ diệu. Bạn cũng là một điều kỳ diệu của cuộc sống... Tôi biết chắc chắn rằng chừng nào bạn còn thở thì chừng ấy cuộc sống của bạn vẫn còn hy vọng... Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê... Phép màu tuyệt vời nhất là sự biến đổi từ bên trong con người chúng ta". Và bằng cách của riêng mình, cô gái 9x đang viết nên những điều kì diệu cho cuộc đời mình. 

Trần Lê