Tranh vẽ phủ Chúa Trịnh thế kỷ XVII

Bà Vũ Thị Thứ sinh năm Bính Tý (1576), là con ông Vũ Tỷ, người xóm Nam, làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Bà được gả về nhà họ Vũ - một dòng họ lớn trong làng, nổi tiếng là dòng họ khoa bảng. Chồng bà là Vũ Quốc Sĩ, tính tình chất phác trung hậu, thi đỗ Hương cồng năm 1563. Ông bà sinh được 5 con trai, 1 con gái.

Ở làng, ông làm thầy đồ, bà tần tảo bán buôn, gia đình đầm ấm nhưng vì các con trai đều đi học nên cảnh nhà rất túng bấn. Thấy các con đều học hành tấn tới, làm ăn ở làng lại khó khăn, bà bàn với ông đưa các con lên kinh đô để có điều kiện tốt hơn cho các con ăn học.

Lên kinh, ông bà trọ trong một ngôi nhà nhỏ ở phường Phục Cổ (nay thuộc khu vực phố Đình Ngang, Hà Nội), bà làm nghề đổi tiền, ông mượn một gian phòng trong chùa Trường Lạc mở trường dạy học.

Kinh đô Thăng Long bấy giờ là nơi đô hội, nhiều thú ăn chơi. Sợ con cái ham chơi bời không chú tâm rèn luyện, học tập, bà dạy con rất nghiêm, lễ giáo khuôn phép đầy đủ, cấm ngặt các trò cờ bạc rượu chè.

Những ngày cư ngụ ở Thăng Long, gia đình đông người, các con đều đi học, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng mọi người trong gia đình luôn thương yêu nhường nhịn lẫn nhau. Tộc phả chép, một lần, nhân ngày tết Đoan Ngọ, có người học trò biếu thầy đồ nửa quả dưa, cả nhà nhường nhau không ai chịu ăn đến nỗi dưa hỏng, người cha phải đem bỏ đi. Học trò truyền tai nhau kể lại chuyện nhường dưa, từ đó nhà bà nổi danh là “một nhà có đức nhường nhịn”.

Bà Vũ Thị Thứ vốn là người ngay thẳng thật thà, hiền lành nhân đức. Tương truyền, một hôm có người phụ nữ gánh lụa đi bán, lúc đi ngang qua phố nhà bà chẳng may để rơi một cuốn lụa. Bà trông thấy nhặt lấy cất đi. Lát sau người đàn bà bán lụa hớt hải quay lại tìm, bà hỏi đích xác rồi đem cuốn lụa ra trả lại. Người phụ nữ ấy cảm động lấy 2 cuốn lụa biếu lại bà, bà nhất định từ chối. Trong phố ai thấy chuyện cũng ngợi khen.

5 người con trai của ông bà sau đó đều đỗ đạt, làm quan lớn trong triều Lê - Trịnh. Người con cả là Vũ Tự Khoái làm quan thời chúa Trịnh Tạc đến chức Tả thị lang. Người thứ 2 là Vũ Bạt Tụy đỗ Hoàng giáp năm 1664, làm quan đến chức Tự khanh. Người thứ 3 là Vũ Duy Chí làm quan đến chức Tể tướng. Người thứ tư là Vũ Phương Trượng, làm quan đến chức Thượng thư. Người thứ 5 là Vũ Cầu Hối, đỗ Tiến sĩ năm 1659, làm quan đến chức Tham chính.

Nho lâm truyền rằng, 5 anh em nhà họ Vũ chính trực, công thành danh toại là nhờ người mẹ kính yêu của mình.

Theo phunuvietnam