|
|
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm là 1 trong 3 nghệ nhân ở Nghệ An được chọn in trong cuốn sách ảnh vinh danh 11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) |
Với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm (xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn, lan tỏa đến bạn bè trong và ngoài tỉnh làn điệu hát dân ca ví giặm của vùng đất Nghệ Tĩnh.
Duyên nợ với dân ca ví giặm
Bà Nguyễn Thị Tâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở thôn Hạ Sơn, xã Thanh Lĩnh - cái nôi của nghệ thuật hát dân ca ví giặm - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, lại thừa hưởng tình yêu hát dân ca từ người mẹ của mình, bởi thế mà chất ví giặm đã "ngấm" vào người nghệ nhân ấy tự bao giờ.
“Từ nhỏ, tôi đã theo mẹ cùng Đoàn văn công của Tỉnh đội đi khắp nơi biểu diễn, thức cùng những canh hát thâu đêm suốt sáng, để rồi đến năm 15 tuổi, gần như tôi đã thuộc hết các làn điệu và trở thành người trẻ tuổi nhất của đoàn," nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.
Khi đất nước có chiến tranh, lễ hội nhiều nơi không được tổ chức nhưng mạch nguồn hát dân ca ví giặm ở Thanh Lĩnh vẫn được duy trì. Hằng ngày, nghệ nhân Tâm cùng mọi người trong phường hát ví vẫn truyền dạy cho nhau khi bên giếng nước, lúc trên cánh đồng. Sân khấu thời đó rất đơn giản, có khi là những phuy dầu xếp lại với nhau rồi trải ván lên nhưng mọi người vẫn biểu diễn say sưa.
Tiếng lành đồn xa, mỗi khi họ biểu diễn, người dân ở các xã khác đến xem rất đông. Sau đó, họ còn đi biểu diễn ở nhiều xã với nhiều vở diễn nổi tiếng như vở Tần Thị Hương Liên, vở cô gái xứ Nghệ… Những vở diễn ngày đó luôn truyền tải những thông tin để đem đến niềm vui trong lao động, niềm tin về chiến thắng, về ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Ngoài 20 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm lập gia đình. Lấy nhau 7 năm và có với nhau 3 người con nhưng thực chất thời gian vợ chồng ở gần nhau vẻn vẹn có 60 ngày.
Năm 1979, bà Tâm nhận được tin chồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chiến trường biên giới phía Bắc.
“Lúc đó, hai con tôi còn nhỏ, đứa thứ ba chỉ là bào thai được 3 tháng, tôi còn chưa kịp báo với chồng. Nhận được tin chồng mất như sét đánh ngang tai, mẹ con tôi thực sự không biết bấu víu vào đâu," bà Tâm xúc động nhớ lại.
Khó khăn chồng chất khó khăn, trong nỗi khổ cùng cực, đôi khi tưởng chừng không thể qua nổi, bà Tâm lại nghĩ đến các con và chỉ suy nghĩ đơn giản là phải làm sao để con không phải khổ, để các con được học hành.
Bà phấn đấu không mệt mỏi, không có thời gian để tủi thân, yếu lòng. Từ bỏ nghề giáo, bà phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống, nuôi các con ăn học nên người.
“Đến nay, các con tôi đều đã ổn định cuộc sống, có của ăn, của để. Tôi đã có cháu nội, cháu ngoại và năm nay 70 tuổi đã có chắt ngoại đầu tiên. Tôi rất hạnh phúc bởi các con tôi đều có hiếu. Thường ngày, tôi vẫn dạy các con, sống có đức để có hậu, mỗi ngày hãy nhìn về những việc mình đã làm, nếu sai, phải sửa, sống thật thà, chăm chỉ lao động," bà Tâm hãnh diện nói.
|
|
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm hát dân ca ví, giặm. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) |
Trong những ngày tháng khó khăn, bà Tâm vẫn dành thời gian cho âm nhạc, cho dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Dân ca ví giặm như nguồn sống, cân bằng cảm xúc cho bà mỗi lúc chông chênh, chỉ cần có một hội diễn, chương trình mà xã, huyện tổ chức, bà đều hăng hái tham gia.
Không chỉ hát, đến năm 2000, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm bắt đầu viết lời mới trên các làn điệu dân ca cũ, bà đã viết kịch bản, dàn dựng chương trình cho hàng chục vở diễn. Nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng gần như tháng nào, bà cũng dựng 1, 2 vở và đảm nhiệm toàn bộ phần kịch bản.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm không nhớ mình đã viết được bao nhiêu tác phẩm, gần đây nhất là tiểu phẩm cho cuộc thi Nhà nông đua tài, viết về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống ma túy, an toàn giao thông...
“Tôi nghĩ mình may mắn có năng khiếu và gặp được những người thầy lớn của mình, đó là mẹ tôi, đó là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng. Chính họ là người đã giúp tôi những nền tảng đầu tiên để tôi có thể hiểu tường tận, nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ và sau đó tôi chỉ cần dựa trên những làn điệu có sẵn để lồng ghép các nội dung tuyên truyền. Muốn viết hay, người viết cũng cần phải có cảm xúc, đặt mình vào trong từng hoàn cảnh để có thể truyền tải được hết ý tưởng," bà Nguyễn Thị Tâm tâm sự.
Nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống
Cùng với nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu, nghệ nhân ưu tú Trọng Đổng, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm là một trong ba người được chọn giới thiệu trong cuốn sách ảnh vinh danh 11 Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Vừa sưu tầm, biểu diễn, sáng tác, truyền nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho rằng không chỉ riêng bà mà tất cả những ai biết hát dân ca ví, giặm đều phải biết truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để gìn giữ lại di sản của cha ông ta để lại.
Cá nhân bà đã từng đi dạy ở trường mầm non, tiểu học. Mỗi lúc đứng trên bục giảng truyền dạy cho các em nhỏ mang lại cho bà cảm giác rất khó tả, lâng lâng vui sướng, nhất là khi các em hát đúng, hát hay bà cảm nhận được rằng mình đã thành công.
“Trong những việc tôi đã làm, điều trăn trở nhất là phải gìn giữ được truyền thống của ông cha ta để lại là hát dân ca, hát ví giặm. Vì vậy, tâm nguyện của tôi là gìn giữ được truyền thống đó và muốn vậy, không những bản thân mà tất cả mọi người đều có trách nhiệm lan tỏa ví, giặm đến muôn thế hệ sau. Đó là cách chúng ta bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận," nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm trăn trở.
Với mong muốn những làn điệu dân ca không bị mai một, đều đặn vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm lên lớp truyền dạy hát dân ca ví giặm cho các thế hệ. Học trò của bà thuộc nhiều lứa tuổi, không chỉ có các em thiếu nhi mà còn có cả những người trung và cao tuổi. Hòa mình vào điệu ví, trong lớp học mỗi cuối tuần của bà gần như không còn khoảng cách tuổi tác.
Như nhiều nghệ nhân khác, cách truyền dạy hát ví giặm của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cũng theo lối truyền khẩu. Nghĩa là nghệ nhân sẽ hát, múa từng điệu ví giặm làm mẫu trước, học trò xem và tập theo.
|
|
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm bên những giải thưởng mà bà đã đạt được trong hơn 40 năm gắn bó với dân ca ví, giặm. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN) |
Bà Tâm chia sẻ hát ví giặm vừa dễ lại vừa khó học. Dễ là bởi giai điệu hát ví giặm mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện... Ví giặm giàu chất truyền thống, mang đậm chất phương ngữ, thổ ngữ của vùng miền. Chính vì vậy hát ví, giặm không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, điều kiện diễn xướng; cũng không cần phải có nhạc cụ, đạo cụ hoặc trang phục phức tạp, mà vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và theo thời gian.
Một trong những nét nổi bật của hát ví, giặm là luôn mang tính giáo dục sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề cần đề cập, góp phần vào việc giáo huấn con người về các phương diện đạo đức, luân lý, tình yêu thương con người, lòng nhân ái…, hướng con người tới chân thiện mỹ.
“Bằng tình yêu ví giặm, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tâm đã dành cả cuộc đời, tâm huyết để duy trì, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật hát ví giặm. Không chỉ sống với đam mê của riêng mình, bà còn tổ chức các lớp học để truyền dạy những câu ca điệu ví cho thế hệ trẻ. Hơn 40 năm gắn bó với câu hò điệu ví, bà Tâm là một trong những người tham mưu cho Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca trên địa bàn, trong đó có Câu lạc bộ dân ca ví giặm xã Thanh Lĩnh, do nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm làm chủ nhiệm," ông Nguyễn Thành Ngân - Chủ tịch Hội Dân ca ví giặm Sông Lam chia sẻ./.
Theo vietnamplus