Năm tháng tuổi, Hằng cùng gia đình rời Sài Gòn ngay trước ngày đất nước thống nhất. Cả gia đình 9 người con của bố mẹ bà Hằng mất một thời gian dài sống trong các trại tị nạn ở Guam và Hawaii (Mỹ) trước khi có cuộc sống ổn định ở Philadelphia, bang Pennsylvania.

Lớn lên ở vùng đất mới, Hằng thường xuyên nghe gia đình nhắc về những di chứng của chiến tranh và những người họ hàng ở Việt Nam bị mất liên lạc. Năm 1954, gia đình bên nội của Hằng từ Hải Dương di cư vào miền Nam, trong khi bên ngoại ở Quảng Bình là những người cả đời cống hiến cho cách mạng.

Bà Hằng kể, người Việt ở Philadelphia thường bị ghét vì khiến dân Mỹ gợi nhớ về quá khứ đau thương. Bà liên tục bị hỏi về lý do người Mỹ thua trong cuộc chiến, nhưng là một đứa trẻ rời Việt Nam quá sớm, bà không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thời đó, dù đang là học sinh nhưng bà đã tự đặt câu hỏi và bắt đầu tìm hiểu các tài liệu liên quan.

Ở đại học và sau đại học, nữ sinh gốc Việt tập trung nghiên cứu về Việt Nam. Đặc biệt, thời gian học tại trường của cô trùng với thời kỳ Mỹ và Việt Nam bắt đầu quá trình hòa giải, đầu những năm 1990, điều bà mô tả là một "sự kết hợp thú vị".

"Càng tìm hiểu, tôi càng thấy yêu Việt Nam, nơi tôi sinh ra", bà Nguyễn Thị Liên Hằng nói.

Chứng kiến sự hòa giải giữa hai nước, bà cảm còn một điều cấp thiết nữa là bắc một cây cầu nối, tạo nên sự thấu hiểu nhau giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài và người dân trong nước. Ý tưởng này của bà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ bố, người rất hạnh phúc với những gì cô đã và đang làm với sự nghiệp của mình.

Chung Nguyễn (ngoài cùng bên trái) và Nguyễn Thị Liên Hằng (áo vàng, đứng cạnh) gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (giữa) tại New York, Mỹ, ngày 15/5. Ảnh: Chung Nguyen
 

Chung Nguyễn (ngoài cùng bên trái) và Nguyễn Thị Liên Hằng (áo vàng, đứng cạnh) gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New York, Mỹ, ngày 15/5. Ảnh: Chung Nguyen

Năm 1994, ở tuổi 19 lần đầu Hằng về Việt Nam. Bốn năm sau, cô dành thêm một năm ở lại nghiên cứu. Từ đó, cô cố gắng sắp xếp về Việt Nam mỗi năm một lần, đồng thời tập trung viết về một tương lai hòa bình, tươi sáng giữa hai nước và cách gác lại quá khứ đau thương.

"Tôi muốn cống hiến cuộc đời mình để xây dựng cầu nối bền chặt hơn giữa cộng đồng người Việt ở Mỹ và Việt Nam", bà Hằng nói.

Với động lực đó, Liên Hằng, khi ấy là phó giáo sư lịch sử Mỹ và Đông Á tại Đại học Columbia (New York), tìm cách thiết lập một chương trình Việt Nam học tại trường. Năm 2017, cô và John Phan, trợ lý giáo sư Khoa ngôn ngữ và văn hóa Đông Á, khởi sự với hai chuyên ngành là khoa học xã hội - nhân văn và văn hóa Việt Nam.

Một năm sau, họ có thêm giảng viên cho chương trình tiếng Việt và chọn Chung Nguyễn đến từ Hà Nội cùng người trợ giảng Nguyễn Quốc Vinh, làm cộng sự.

Nhóm đã tạo lập một chương trình gồm hai phần: khóa học tiếng Việt ở 4 cấp độ do Chung Nguyễn phụ trách và chương trình chính với các môn văn minh, lịch sử, văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Đông Á do bà Hằng và John Phan phụ trách.

Hai người đảm nhận giảng dạy từ bậc đại học đến tiến sĩ. Sinh viên đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh từ các trường luật, kinh doanh và y tế của Đại học Columbia và Cao đẳng Barnard cũng tham gia các khóa học tiếng Việt. Ngành Việt Nam học nhanh chóng thu hút hàng trăm sinh viên, nhiều người Mỹ gốc Việt hoặc không phải người Việt Nam quan tâm.

Cô Chung cho biết số học sinh tại các khóa tiếng Việt tăng từ 10 học sinh năm 2018 lên 30 học sinh. Nhóm dự định tổ chức các chương trình ngoại ngữ mùa hè tại Việt Nam để học sinh có thể đến tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của đất nước. Đặc biệt, các khóa học này giúp tăng số lượng người đăng ký các khóa học tiếng Việt tại Columbia.

Một lớp học tiếng Việt tại Đại học Columbia. Ảnh: Chung Nguyen

Một lớp học tiếng Việt tại Đại học Columbia. Ảnh: Chung Nguyen

Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ làm phim về cuộc chiến tranh Việt Nam. "Nhưng ngày nay họ chú ý nhiều hơn đến việc mở rộng quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, về vị thế của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và trên trường quốc tế. Đáng chú ý, những người trẻ ở Mỹ nghĩ rằng mối quan hệ bền chặt hơn giữa Mỹ và Việt Nam có thể là động lực cho sự phát triển ở châu Á", cô nói.

Thực tế, nhiều người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau. Phó giáo sư tin rằng, Việt Nam dần thoát khỏi bóng đen của các cuộc chiến tranh trong quá khứ và có con đường phát triển tương tự các nước láng giềng ở châu Á, như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong hành trình này, bà Hằng muốn hỗ trợ thúc đẩy sự hiểu biết giữa các dân tộc ở Mỹ và Việt Nam thông qua giáo dục.

Bên cạnh đó, thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều sinh viên bị thu hút. Họ muốn sang thăm Việt Nam để khám phá văn hóa, ẩm thực và cả lĩnh vực giải trí. "V-pop có thể trở thành một trào lưu trong giới trẻ Mỹ giống như K Pop", bà nói.

Với những bước phát triển gần đây trong quan hệ song phương, bà tin tưởng nhân dân hai nước hiểu rõ những giá trị chung và cùng quan tâm đến tương lai.

Mùa hè này, nhóm của bà Hằng sẽ về Việt Nam để ký kết với các đối tác là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Fulbright Việt Nam tại TP HCM và Học viện Ngoại giao Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần tiếp tục thể hiện tốt hơn trên phạm vi toàn cầu để thu hút sự quan tâm của các cộng đồng lớn hơn", vị phó giáo sư bày tỏ kỳ vọng.

Theo vnexpress