"Tôi tham gia hoạt động Hội từ ngày 11/1/2006. Lúc bắt đầu mọi thứ rất khó khăn, bà con trong làng có nhiều hủ tục. Mình đi tuyên truyền, vận động mọi người không làm theo. Bằng sự kiên trì, mình đã thuyết phục được. Mình tập hợp chị em để sinh hoạt định kỳ và tuyên truyền các chủ trương của Đảng, giải thích rõ ràng các hoạt động của Hội. Chị em nào không đi dự sinh hoạt được thì tôi đến tận nhà để phổ biến lại. Nhờ chị em đoàn kết và tín nhiệm nên tôi đã khắc phục được những khó khăn", chị Đinh Thị Ẽm cho hay.
"Bản thân tôi luôn mong muốn được đi học thêm kiến thức mới và học hỏi các kinh nghiệm hay để về địa phương vận động chị em hiệu quả hơn".
Chị Đinh Thị Ẽm, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Yun (xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ, Gia Lai)
|
Năm 2015, làng Yun được Hội LHPN huyện Đăk Pơ chọn làm điểm thành lập mô hình "Làng phụ nữ kiểu mẫu". Với vai trò là Chi hội trưởng, chị đã nỗ lực tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các tiêu chí đề ra. Trong đó, tiêu chí về môi trường được đánh giá là khó nhất. "Việc triển khai công trình vệ sinh thời gian đầu khó vận động lắm. Muốn nói chị em nghe thì mình phải tiên phong làm trước để chị em học theo. Trước đây, nhiều gia đình toàn đi vệ sinh ở ngoài rừng, ngoài núi. Mọi người cũng có đào lấp nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ khi địa phương có chủ trương làm nhà vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số thì mình đi tuyên truyền, vận động. Lúc đầu, không phải ai cũng chịu nghe mình nói. Mình kiên trì thuyết phục, dần dần mọi người cũng làm. Bây giờ, người làng đều làm nhà tiêu, nhà vệ sinh cả rồi. Hộ nào khá thì làm đẹp, hộ nào khó khăn thì làm đảm bảo các tiêu chí hợp vệ sinh", chị Đinh Thị Ẽm cho biết.
Làng Yun có 85% dân số là người Ba Na. Hầu hết người dân trong làng sống bằng nghề nông. Trước đây, người dân trong làng có nhiều tập tục tốn kém như: tổ chức lễ ma chay, cưới hỏi trong thời gian dài. Để giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, chị Đinh Thị Ẽm đã vận động từng người. "Trước đây, tập tục ma chay thường tổ chức 3-4 ngày. Gia đình có người mất vừa đau buồn vừa tốn kém tiền của để lo đám tang. Vậy nên, mình vận động chị em trong làng giúp gạo, giúp củi… cho gia đình có người mất để họ tổ chức đám tang. Lúc trước, mình phải đi tuyên truyền, vận động còn bây giờ chị em tự giác rồi, lễ ma chay chỉ còn 1-2 ngày", chị Đinh Thị Ẽm kể.
Đặc biệt, với nhiều nỗ lực trong thực hiện phong trào "Vận động hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ về thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, vươn lên thoát nghèo bền vững", chị Đinh Thị Ẽm đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn chị em trong làng nâng cao nhận thức, tiết kiệm trong chi tiêu để có thêm nguồn tích lũy, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, số hộ nghèo trong làng đã giảm đáng kể. Đến nay, làng Yun chỉ còn 3 hộ phụ nữ thuộc diện nghèo, 5 hộ cận nghèo. Chị còn vận động người dân đóng góp gạo để thực hiện mô hình "Hũ gạo tình thương", giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hoài Thương