Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 diễn ra vào nửa cuối nhiệm kỳ, nhưng phụ nữ Việt Nam đã luôn phát huy truyền thống khí phách con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, đoàn kết, kiên cường vượt khó; giữ vững niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ; chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Các cấp Hội đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ làm cơ sở để xác định nội dung, hình thức hoạt động; mở rộng kết nối, tăng cường tầm ảnh hưởng đối với phụ nữ và xã hội, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp và người đứng đầu trong công tác phụ nữ và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, cuộc vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đổi mới với nhiều hình thức và mô hình phong phú, tạo thành thói quen, việc làm thường xuyên của cán bộ, hội viên, phụ nữ, đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực trong giải quyết những vấn đề của chính mình và gia đình, tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào công cuộc phát triển của địa phương, đất nước. Đặc biệt, các hình thức tuyên truyền được đổi mới, đa dạng, tăng tính tương tác, bắt nhịp với xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại với gần 2 nghìn trang fanpage facebook, hơn 11 nghìn nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của các cấp Hội.
Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã tham mưu đề xuất thành công 3 Đề án của Chính phủ1, 2 chương trình mục tiêu quốc gia2; cấp tỉnh/thành Hội chủ động đề xuất hơn 800 chính sách/đề án/chương trình trong nhiều lĩnh vực thiết thân đối với phụ nữ, qua đó huy động nguồn lực và sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Đặc biệt lần đầu tiên Hội được phân công xây dựng và chủ trì triển khai một dự án về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong chương trình mục tiêu quốc gia "Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030" đã khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ.
Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trọng tâm là cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, đã có gần 13 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chí gia đình "5 không, 3 sạch"; gần 17.000 công trình, phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường do các chi Hội/tổ phụ nữ đảm nhiệm đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khẳng định vai trò của tổ chức Hội ở cơ sở.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã có nhiều khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ. Các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của phụ nữ đã bắt kịp với phong trào quốc gia khởi nghiệp. Các cấp Hội đã vận động gần 164 nghìn tỉ đồng hỗ trợ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 87 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về thương mại điện tử. Hội cũng đã hỗ trợ thành lập gần 800 hợp tác xã và gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý với nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, các hoạt động tiết kiệm tại chi Hội/tổ phụ nữ, các cấp Hội đã giúp 1,8 triệu hộ nghèo, trong đó hơn 230 nghìn hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" được Hội khởi xướng, vận động thực hiện xuyên suốt từ 2018 đến nay đã góp phần nâng cao trách nhiệm của xã hội và gia đình, giúp xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em. Hoạt động phối hợp trong tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại và bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em có chuyển biến rõ rệt và thực chất. Đặc biệt, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội đã triển khai nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa như "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", "Vì nụ cười phụ nữ", "Kiên cường Việt Nam", "Mẹ đỡ đầu"... góp phần huy động sức người, sức của cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh với gần 482 tỉ đồng ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã giúp đỡ 255 xã được nhận hỗ trợ từ Chương trình với tổng nguồn lực huy động gần 210 tỉ đồng (từ năm 2018 đến nay).
Các cấp Hội đã chủ động trong tham mưu tạo nguồn, chủ động giới thiệu nguồn nhân sự nữ, giám sát việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới, phụ nữ tham chính; tích cực tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nữ ứng cử viên trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Với nỗ lực và quyết tâm đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30% (30,26%).
Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng theo hướng tập trung hoạt động hướng về cơ sở, đặc biệt các địa bàn có tỷ lệ tập hợp hội viên thấp, nâng cao chất lượng tổ chức Hội cơ sở, mở rộng các mô hình tập hợp phụ nữ theo lứa tuổi, sở thích, ngành nghề, thu hút phụ nữ tham gia hoạt động Hội thông qua mạng xã hội. Trong nhiệm kỳ đã phát triển mới hơn 2 triệu hội viên, nâng tổng số hội viên cả nước lên 19 triệu.
Với những kết quả đó, trong nhiệm kỳ qua, trên 8.000 tập thể và 3.000 cá nhân đã được tặng Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; gần 420 nghìn công trình, phần việc trị giá trên 600 tỉ đồng hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, diễn ra trong bối cảnh hội viên, phụ nữ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030.
Trên phạm vi khu vực và thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, bao trùm. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ; thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu trong nỗ lực của các quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi của kinh tế, thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong tiền lệ do đại dịch Covid-19; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp; tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại.
Bối cảnh đó sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống, sự phát triển của phụ nữ và hoạt động Hội, đòi hỏi tổ chức Hội phải đẩy mạnh hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Năm năm tới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xác định rõ định hướng phát triển của Hội, đó là:
1. Bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội.
2. Lấy phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.
3. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.
4. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
5. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.
Trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập trung phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" nhằm cụ thể hoá nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tiếp tục phát động Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"3 với nội dung phù hợp để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và xây dựng nông thôn mới.
Xác định 2 khâu đột phá mang tính chất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ (1) Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; (2) Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.
Xác định 3 nhiệm vụ theo 3 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội:
Một là, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó chú trọng khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về giáo dục đời sống gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em.
Hai là, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Các hoạt động trọng tâm bao gồm tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Ba là, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển mạng lưới, thu hút hội viên, thành viên; nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp; chú trọng xây dựng văn hóa của tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống Hội; nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại.
Để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả, tôi mong rằng, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân, của gia đình để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, quyết tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh, vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng của phụ nữ.
1. Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027" (Đề án 938); Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) và Đề án "Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025" (Đề án 1893).
2. Cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch" được đưa vào Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Dự án 8 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
3. 5 không gồm: Không đói nghèo, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.