Tập thể khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm. (Ảnh: NVCC)
Khi dịch SARS xảy ra năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm (PTN) Cúm, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai đã trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Việt-Pháp (3/2003). Cùng với các đồng nghiệp quốc tế, virus SARS-CoV – một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003.
Hành trình nghiên cứu miệt mài
Với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch SARS, nhóm nghiên cứu tiếp tục trực tiếp xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12/2003. Những kết quả PTN và các vật liệu nghiên cứu (virus cúm A/H5N1, bệnh phẩm lâm sàng) đã được các nhà khoa học chia sẻ cho các đơn vị nghiên cứu quốc tế như Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật (CDC, Mỹ); Viện Quốc gia Nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm (NIID, Nhật Bản), Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada... Đặc biệt, virus cúm A/H5N1 do PTN phân lập được đã được WHO lựa chọn là virus dự tuyển để phát triển vaccine phòng chống cúm A/H5N1.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhóm nghiên cứu cũng đã tham gia tạo chủng virus cúm A/H5N1 trong sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam. PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai cùng nhóm nghiên cứu tham gia tạo chủng virus rgA/H5N1 không độc lực bằng phương pháp di truyền đảo ngược để thiết lập được hệ chủng gốc và chủng sản xuất vaccine cúm A/H5N1 với đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của WHO.
Từ kết quả đã đạt được khi phát triển vaccine cúm A/H5N1, vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch cũng được tiến hành phát triển trên tế bào thận khỉ tiên phát. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine cúm A/H1N1/2009 đại dịch đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực và có giá thành hợp lý phục vụ cho người dân.
Nghiên cứu thành công của tập thể nữ khoa học đã mang đến kết quả tốt đẹp trong giai đoạn 2006-2015. Cùng với sự hỗ trợ của CDC và WHO, hệ thống Giám sát Cúm đã được triển khai tại 15 điểm trên cả nước. Hệ thống giám sát đưa ra bức tranh tổng thể về sự lưu hành của virus cúm mùa tại Việt Nam với đặc điểm di truyền và đặc tính kháng nguyên tương đồng cao với các virus dự tuyển vaccine cho khu vực Nam bán cầu.
Mở ra hy vọng ở tương lai
Mới đây, các nhà khoa học nữ như PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, TS. Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng khoa Virus, PGS. Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó Trưởng khoa Virus và Thạc sỹ Nguyễn Thanh Thuỷ - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học... đã trực tiếp tham gia vào nhóm Nghiên cứu nuôi cấy và phân lập chủng virus corona mới. Họ đã làm việc không tiếc ngày đêm để có thể phân lập được thành công virus này.
Theo PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, đây là một bước tiến rất quan trọng trong việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và công tác điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19. Đặc biệt, thành công này sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống loại virus này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn
Hiện tại, việc sử dụng vaccine cúm mùa tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên phát triển các chính sách, chiến lược cho sử dụng vaccine cúm cần rất nhiều các thông tin về dịch tễ, virus, miễn dịch đã có trong cộng đồng. Bởi vậy, các nhà khoa học của PTN đã cùng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tiến hành nghiên cứu thuần tập (Corhot study) tại Hà Nam. Kết quả công bố trên gợi ý cho việc sử dụng để phát triển vaccine cúm mùa tại Việt Nam để làm tăng hiệu quả của vaccine, đồng thời bổ sung minh chứng để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển vaccine cúm phổ rộng trong tương lai.
Kiên định với mục tiêu nghiên cứu, PTN Cúm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nghiên cứu hiện tại tập trung xác định ảnh hưởng của tình trạng miễn dịch đã có sau khi tiêm vaccine cúm mùa đến khả năng dự phòng của vaccine nhắc lại hàng năm, đặc biệt với virus cúm A/H3N2.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức trong nghiên cứu về tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt là virus cúm tại Việt Nam, nhưng với các kết quả đạt được, các nhà khoa học nữ của PTN Cúm đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vaccine cúm mùa và vaccine cho đại dịch cúm.
Theo baoquocte