Hai cháu cùng vừa tốt nghiệp tiến sĩ dược học (doctor of pharmacy) sau nhiều năm miệt mài học tập. Được khoác lên mình bộ lễ phục mortarboard màu đen với chiếc mũ bonnet lục giác, hình tượng khoa bảng cấp tiến sĩ của ngành học, các cháu cho biết sẽ sớm về lại thăm quê để thắp hương báo cáo lên ông nội, ông bà cố. Cả hai phụ huynh đều coi thành tích đó chính là niềm hãnh diện cho cả gia đình và tộc họ. Họ cho biết luôn giáo dục con cái trên nền tảng đó, với các hành động cụ thể như gửi tiền về quê góp và quỹ khuyến học hoặc tôn tạo mồ mả tổ tiên...
|
Khương Ninh và Thuận Thiên
|
Để có được như hôm nay, được biết cha mẹ các cháu từ Đà Nẵng đã phải trải qua bao khó khăn từ thời bao cấp ở quê nhà. Rồi khi định cư tại Mỹ, cũng phải chịu nhiều đắng cay trong quá trình hòa nhập, làm đủ mọi nghề để mưu sinh trong nước mắt với mục đích, như bạn Nhật Phong kể, là tạo nền tảng và cơ hội mới cho các con được học hành tử tế để giúp ích cho đời, làm rạng danh cho gia đình và tộc họ.
Tốt nghiệp tiến sĩ, cháu Trương Thuận Thiên học ở Eshelman School of Pharmacy của Trường University of North Carolina, còn được nhận học bổng toàn phần trong 2 năm tiếp để hoàn thành chương trình nội trú sau tiến sĩ, cháu nói đó là hy vọng mở ra nhiều thành tựu hơn trong nghiên cứu khoa học.
Còn cháu Trương Khương Ninh tốt nghiệp ở North Texas Health Science Center, là một tấm gương học tập và vượt khó ít có.
Trương Khương Ninh theo cha mẹ đến đất Mỹ khi đã học hết THCS lúc tròn 15 tuổi. Chỉ 8 năm sau Ninh đã trở thành sinh viên xuất sắc bởi miệt mài học ngày học đêm, học vượt cấp để hoàn thành ước nguyện cá nhân và báo hiếu với cha mẹ. Theo lời cha mẹ cháu, Ninh không chỉ học giỏi mà còn có nhiều hoạt động cộng đồng để hòa nhập vào xã hội Mỹ.
Ngay sau khi tốt nghiệp, tất cả bà con họ hàng ở quê nhà đã gửi email chúc mừng các cháu và gia đình. Họ đều coi đó niềm tự hào của gia đình và tộc họ.
Được biết trong dòng tộc này trước đây còn có giáo sư Trương Công Cừu, người lập ra Đại học Sư phạm Sài Gòn và làm Trưởng khoa trước năm 1963; tiến sĩ nha khoa Trương Hữu Đức, giảng dạy tại Đại học Harvard, và nhiều nhà khoa bảng khác. Đây cũng là dòng tộc lập ra Hội Khuyến học từ 15 năm trước với nguồn quỹ khen thưởng, động viên hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Theo Thanh Niên