leftcenterrightdel
 

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thu sinh năm 1979 tại Nam Định. Hiện chị là Giám đốc điều hành của 3 công ty do chị sáng lập và đồng sáng lập là: Công ty Đầu tư và phát triển Legend Pearl, Công ty Thủ công Mỹ nghệ Đông Phương (Đông phương Art), Công ty Ngọc Trai và Trang sức An Phú.

Trong ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chị đã có những chia sẻ thẳng thắn về hành trình khởi nghiệp, với những kỷ niệm, những thất bại và tất nhiên, không thể thiếu những đam mê và quyết tâm của hình trên hành trình 13 năm tạo dựng và phát triển thương hiệu Sơn mài Thu Hương.

Khởi nghiệp ở độ tuổi 30

+ Xin chào chị Minh Thu! Ngã rẽ nào đưa đẩy chị, từ một nhân viên xuất sắc bước ra khởi nghiệp?

Trước khi trở thành một doanh nhân điều hành 3 công ty, trong đó có Đông Phương Art (thương hiệu mới của Sơn Mài Thu Hương), hiện được xem là dẫn đầu trong lĩnh vực sơn mài phục vụ khách quốc tế, Minh Thu từng là nhân viên xuất sắc của một trong những công ty du lịch uy tín của Việt Nam. Nhưng khi nhận ra bản thân rất yêu thích công việc phục vụ khách du lịch cũng là lúc mình thấm thía sự vất vả của nghề. Khi làm du lịch, mình lo vấn đề ăn ở cho khách, chỉ cần 1 phản hồi chưa hài lòng về dịch vụ của khách cũng khiến mình trăn trở. Ngày làm tour, ăn tour, đi ngủ cũng mơ tour… Không có lúc nào mình có cảm giác bình yên vì thế mình quyết định rẽ ngang sang làm kinh doanh.

leftcenterrightdel
Chị Nguyễn Thị Minh Thu kinh doanh với chiến lược “sản phẩm tốt nhất, giá thành phù hợp với giá trị" 

+ Bắt đầu công việc kinh doanh ở độ tuổi 30 có dễ dàng với chị?

Khi quyết định khởi nghiệp ở tuổi 30, áp lực lớn nhất mình phải trải qua là thuyết phục bố mẹ tin rằng con gái sẽ thành công.

Bố mẹ mình đặt ra hàng loạt câu hỏi. Đầu tiên là: Con ơi con đang làm tại một công ty uy tín, công việc rất ổn định, thu nhập cũng tốt, giờ chỉ cần tập trung vào giáo dục con cái, chăm lo gia đình…, sao lại bỏ? Rồi công việc kinh doanh bận mải, con cái phải làm sao? Xong các cụ lại bồi thêm chuyện rất nhiều gia đình lúc ít tiền vợ chồng còn đoàn kết, đến khi có tiền thì mỗi người 1 đường... Và rất nhiều câu hỏi nữa… để mong mình cân nhắc kĩ nhưng mình vẫn tin là mình làm được. Vì sao ư - vì mình trót đặt ra mục tiêu phải làm được và phải thành công rồi.

+ Chị đến với sơn mài là một mối duyên, hay còn có một lý do nào khác?

Minh Thu không phải sinh ra để làm Sơn mài, cũng không vẽ giỏi dù có học về hội họa, nhưng mình có một niềm tin đồng thời xem đó là mục tiêu phải làm. Đó là làm sao cho khách hàng hiểu được các giá trị của sản phẩm, còn về kỹ thuật sẽ có các chuyên gia bên cạnh mình. Mình bắt tay vào làm các sản phẩm từ sơn mài với tâm thái "đem giá trị truyền thống văn hóa đến khách hàng và sản phẩm đó phải là tốt nhất. Vì vậy, trong công ty mình có những nghệ nhân sơn mài có đôi bàn tay vàng cho tới các họa sĩ nổi tiếng.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng và thành lập thương hiệu Sơn Mài Thu Hương, Minh Thu đã chọn lối đi riêng với mục tiêu phục vụ chủ yếu các khách hàng châu Âu, Úc và châu Mỹ chứ không phục vụ tất cả các khách du lịch đến Việt Nam. Và sơn mài là mặt hàng duy nhất. Mọi người khuyên bảo phải có thêm mặt hàng này kia cho đa dạng. Nhưng nhu cầu của khách du lịch cũng rất đa dạng và mình chỉ tiên phong 1 lĩnh vực là sơn mài. Bởi mình nghĩ rằng khi tập trung 1 lĩnh vực thì từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm và nhân viên phục vụ đều được đầu tư một cách chuyên sâu và đem đến dịch vụ tốt nhất có thể. Kết quả là với sự chuyên tâm và chuyên sâu của mình, mẫu mã sản phẩm càng ngày càng đẹp hơn, tinh xảo hơn và dần khách hàng cũng đông hơn.

leftcenterrightdel
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thu chia sẻ: "Tôi tự hào vì có được các Nghệ nhân sơn mài đầy kinh nghiệm đồng hành và tận hiến" 

+ Với sự kiên định như vậy, chị có khi nào phải đối diện với thất bại không?

Mình quan niệm "đã làm việc thì không có từ thất bại, đơn giản là việc gì không thành công cũng đem lại cho chúng ta những bài học nhất định".

Trong kinh doanh, luôn có những rủi ro. Ví dụ như, khi mình nghĩ khách du lịch sẽ thích những bức tranh hoa tulip và sản xuất, nhưng kết quả, hàng loạt tranh không bán được. Trước tình hình đó, bọn mình sẵn sàng bỏ mẫu đó đi đồng nghĩa với mất công, mất nguyên vật liệu chứ không cố bán cho khách hàng. Hoặc cũng là mẫu tranh hoa đào, vốn là loài hoa đặc trưng của Việt Nam vào dịp Tết, có màu đỏ nên khách rất thích. Nhưng khi hoàn thiện những bức tranh hoa đào đỏ trên nền lá xanh thì cả loạt tranh đó lại… không bán được. Lập tức mình và mọi người tập trung nghiên cứu để thay đổi làm sao phối màu lá hơi vàng thì bán rất chạy. Những thất bại kiểu này, mình xem là cách để đo được thị hiếu khách hàng. Thêm vào đó, sơn mài hoàn toàn làm thủ công nên chỉ cần người thợ không tập trung, pha sai tỉ lệ sơn coi như cả lượt hàng đó phải bỏ đi làm lại.

+ Vậy, ở cương vị lãnh đạo, chị ứng xử như thế nào với lỗi đó của nhân viên?

Đã làm thủ công thì không phải lúc nào cũng chính xác 100% như máy móc được và đó là cái giá của chất lượng sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công… đúng như những gì mà công ty giới thiệu cho khách hàng đến thăm quan.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn kinh doanh với chiến lược "sản phẩm tốt nhất, giá thành phù hợp với giá trị. Công ty có một quy trình khép kín: Có xưởng sản xuất, có phòng giới thiệu các khâu, bước để tạo ra một bức tranh gồm chất liệu gì, từng bước hoàn thiện thế nào… để khách tới thăm quan mua sắm tận mắt chứng kiến và hiểu về quy trình làm ra sản phẩm…

Đông Phương Art không chỉ hoạt động ở dạng thức mua - bán đơn thuần mà là nơi trao các giá trị để khách hiểu hơn về sản phẩm, sau đó việc mua hàng là cách để lưu giữ giá trị của sản phẩm đó. Khách hàng đến với công ty mình, nếu họ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ họ mới mua, còn họ chưa mua có thể là do nhân viên mình chưa chạm đến trái tim của họ hoặc cũng có thể họ không có nhu cầu.

Con đường ngắn nhất là từ trái tim đến trái tim

+ Chị vừa giới thiệu rất nhiều công ty và triết lý kinh doanh của mình. Vậy còn với các sản phẩm, chị gửi gắm điều gì trong đó?

Những bức tranh và các sản phẩm sơn mài của chúng tôi được làm hoàn toàn thủ công theo một cách hết sức kì công "chuyên chở" văn hóa thiên nhiên đất nước con người của dải đất hình chữ S xinh đẹp. Đó là những bức tranh phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam hoặc tranh về các phong tục, truyền thống văn hóa dân gian Việt xưa và nay. Ngoài ra, chúng tôi còn có trang sức ngọc trai tinh xảo, sang trọng được làm từ những viên ngọc trai nước mặn được nuôi ở vịnh Bái Tử Long trong một chu trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, nuôi cấy đến thu hoạch và chế tác… Tất cả vì mục tiêu thượng tôn mà người khởi nghiệp công ty đặt ra: "Phục vụ khách hàng bằng cả trái tim".

leftcenterrightdel
 Doanh nhân Minh Thu phát biểu tại Lễ tôn vinh Doanh nghiệp - doanh nhân xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương 2022

Không chỉ giữ chân khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, ở cương vị người làm kinh doanh, mình luôn thuộc nằm lòng câu: Khách hàng là thượng đế. Vậy nên các dịch vụ thông thường như đóng gói miễn phí, ship hàng tận nhà… là việc bọn mình phải làm.

Ở cương vị một người có mong muốn truyền cảm hứng cho người khác thì khi mỗi nhận được lời nhắn của khách quen, giống như: "Tranh của các bạn tôi mua cách đây 10 năm mà bây giờ vẫn đẹp như ngày đầu", thì mình xúc động đến quên ăn quên ngủ. Bởi mình nhận ra đó là kết quả của việc trao giá trị của sản phẩm đến khách hàng. Đó cũng là lý do công ty tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay, cứ khách đến Hà Nội mà nói đến sơn mài đều được dẫn đến chỗ chúng mình. Mình vui, tự hào vì bản thân có thể đứng vững, thành công và tạo ra được công ăn việc làm cho mọi người. Điều mà Minh Thu thích nhất là tạo ra giá trị cho những người đồng hành. Mỗi sáng đi làm, nhìn bãi đỗ xe của công ty có nhiều ô tô của nhân viên là mình thấy vui lây.

+ Người ta thường nói làm kinh doanh phải có tinh thần thép. Chị nghĩ sao vì điều này?

Đúng như vậy. Nhưng theo mình, không chỉ cần có tinh thần thép, mà các doanh nhân còn phải có cả sự tử tế khi kinh doanh. Mình từng thấy không ít người nghĩ rằng bất cứ ai làm kinh doanh cũng đặt tiền lên trên hết nên họ nghĩ mình "cũng không đến mức tử tế giống như mình thường nói là lúc nào mình cũng phục vụ khách hàng bằng cả trái tim". Thậm chí mình còn bị một số người hiểu lầm trong nhiều năm, nhưng mình vẫn nở nụ cười, không tức giận cho đến khi họ hiểu ra thì họ rất kính trọng mình.

leftcenterrightdel
Đông Phương Art luôn là địa chỉ được khách hàng quốc tế ghé thăm khi đến Việt Nam 

+ Được biết, chị Minh Thu còn có nhiều hoạt động cộng đồng, đặc biệt là chương trình dành cho các em nhỏ. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Sinh trưởng trong gia đình có bố là giáo viên, Minh Thu không theo được sự nghiệp trồng người của bố nên mình rất trăn trở với ước mơ xây dựng ngôi trường đào tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên có thể thay đổi được đất nước. Dĩ nhiên, một mình mình thì không làm được. Nhưng khi mình gửi thông điệp đó đi thì rất may mắn là đã gặp được nhiều người có cũng có khao khát như mình. Đó là mong muốn có hệ thống giáo dục chuyển đổi để giúp cho sinh viên Việt Nam nói riêng và người Việt Nam trẻ - sau này là chủ nhân của đất nước - thay đổi. Việc đầu tiên là giúp bố mẹ thay đổi nhận thức tư duy với con cái, rồi mới bắt đầu ươm mầm cho các bạn ấy lớn hơn.

Ngoài ra, Minh Thu còn lên kế hoạch phối hợp cùng thành lập thư viên sách ở các vùng miền trên cả nước để mọi người dân, đặc biệt là trẻ em vùng sâu vùng xa, nông thôn và hải đảo sẽ được đọc sách miễn phí. Các tủ sách sẽ được sắp xếp theo từng thể loại khác nhau gồm: Văn học, kinh tế, chính trị... và sẽ được luân chuyển sang vùng khác sau một thời gian nhất định. Tất cả những điều mình làm đều xuất phát từ trong tâm. Mà những gì đến từ tâm đều có những giá trị lớn lao, lâu bền.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Trần Lê (thực hiện)