Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự được thay mặt Đại hội tặng hoa cho Bác Hồ (tại Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ 4, tháng 7/1967).

 

Sinh năm 1940, chị Nguyễn Thị Kim Huế mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Chị lớn lên nhờ tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Năm 1956, giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt. Năm 19 tuổi, mặc dù đã có chồng nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị đã làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong  trên tuyến đường 12A khốc liệt. 182 người của huyện Tuyên Hóa lập thành đơn vị 759, đội 75, công trường 12.

Chị là Tiểu đội trưởng tiểu đội 6, gồm 16 chị em. Đơn vị của chị được giao phụ trách đảm bảo giao thông đường 12A đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Những ai đã từng đi qua đoạn đường này trong những năm chiến tranh mới thấu hết sự khốc liệt. Đây là tuyến đường huyết mạch cực kỳ quan trọng để hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá với một lượng bom đạn khổng lồ nhằm cắt đứt con đường này. Cuối năm 1965, một trung đội quyết tử được thành lập và chị lại được vinh dự làm Trung đội trưởng. Với tinh thần quyết tử cho tuyến đường luôn thông suốt, chị và đồng đội mỗi lần vào trận đánh đều được “làm lễ truy điệu sống”.

Ngày 3/7/1966, máy bay B52 của Mỹ đã điên cuồng đánh phá tuyến đường. 45 ngày đêm chiến đấu, 24 đồng đội của chị đã hy sinh, vừa thông đường các chị vừa tìm xác đồng đội. Bản thân chị cũng đã bị bom vùi nhiều lần, tỉnh lại chị lại lao vào trận tuyến…

Với những thành tích đạt được, chị Nguyễn Thị Kim Huế là một trong 3 thanh niên xung phong đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có nhiều sáng kiến bảo vệ thông xe trên tuyến lửa đường 12A. Nhờ đó, chị vinh dự có 5 lần được gặp Bác Hồ.

Lần đầu tiên chị được gặp Bác đó là vào tháng 11/1966, khi chị được cử ra tỉnh Hưng Yên tập huấn quân sự tại Trường chính trị và nghiệp vụ Thanh niên xung phong Trung ương. Buổi chiều kiểm tra môn bắn súng; cả 3 lần bắn chị đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái nhỏ nhắn, bắn súng giỏi, Bác đã đến thăm hỏi và khen. Hôm tổng kết lớp, Bác Hồ khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”.

Cũng trong năm 1966, chị lại được vinh dự có mặt trong Đoàn đại biểu của ngành Giao thông vận tải Quảng Bình ra báo cáo thành tích với Bác. Bác hỏi: “Các cô chú Quảng Bình ra thăm Bác có chuyện chi?”. Lúc ấy, chị là đại biểu trẻ nhất nên được Bác hỏi chuyện. Bác hỏi thăm tình hình anh em, hỏi chuyện gia đình chị. Bác hỏi bao giờ có con, chị trả lời: “Thưa Bác khi nào cách mạng thành công, hết giặc Mỹ cháu mới sinh con”. Bác bảo: “Sự nghiệp đánh giặc Mỹ còn dài lâu. Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình”.

Lần gặp Bác Hồ thứ ba là tại Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1/1967. Đoàn Quảng Bình có 11 đại biểu, trong đó người cao tuổi nhất là mẹ Suốt, trẻ nhất là chị Trần Thị Lý. Sau khi được gắn danh hiệu Anh hùng, chị được Bác quàng khăn và tặng chiếc đồng hồ đeo tay Liên Xô. Cả 3 người được vinh dự chụp ảnh với Bác. Bác và đồng chí Tố Hữu đã khóc khi nghe chị kể chuyện 45 ngày dưới mưa bom bão đạn để san lấp đường, phá bom tìm xác đồng đội.

Lần gặp thứ tư có thể nói là lần gặp xúc động nhất trong cuộc đời chị. Đó là vào dịp Đại hội thanh niên xung phong toàn quốc lần thứ 4 (tháng 7/1967). Lúc đó chị được vinh dự tặng hoa cho Bác. Khi Bác xuất hiện, chị ào tới tặng hoa cho Người. Đúng khoảnh khắc này bức ảnh 2 Bác cháu ra đời, sau này được Nhà in Tiến Bộ in ra hàng vạn bức ảnh phát hành trên toàn quốc và bây giờ bức ảnh này vẫn được chị giữ gìn, treo cẩn thận nơi trang trọng nhất trong nhà.

Lần gặp Bác cuối cùng của chị là lúc chuẩn bị sang Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng 10 Nga. Trước khi sang thăm Liên Xô, chị và các đại biểu đã được gặp Bác và nghe Bác dặn dò. Chị nhớ, trong buổi họp báo quốc tế, có nhà báo hỏi: “Dũng sĩ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế?”, “Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn sao thắng được Mỹ?”. Chị khẳng khái nói: “Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ. Chúng tôi không sợ kẻ thù, lớp này hy sinh có lớp khác lên thay…”. Sau này Bác khen chị trả lời thông minh, đanh thép.

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế bên bức ảnh chụp chung với Bác Hồ.

 

"Cuộc đời tôi có 5 điều may mắn nhất, cũng là 5 niềm vinh dự lớn lao nhất, đó là 5 lần tôi được gặp trực tiếp Bác Hồ. Những lần như vậy, Bác đã hỏi han, dạy bảo tôi những điều rất giản dị, đời thường nhưng tôi thấy trong đó chứa đựng một tình thương bao la mà Bác đã dành cho tôi, cho đồng đội của tôi…", chị từng chia sẻ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những lời Bác dạy vẫn còn in mãi trong trái tim nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế.

Phụ nữ Việt Nam