Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật và bản thân vốn có niềm đam mê đặc biệt với nội thất và sắc màu từ ngày còn nhỏ, nhưng chị Trần Minh Ái lại lựa chọn bén duyên với ngành nghề QLBĐS) tuy năng động nhưng cũng lắm chông gai. Quay lại Việt Nam vào năm 2005, chị lần đầu thử sức trong lĩnh vực này tại Savills Vietnam trong khi vẫn dành một tình yêu lớn cho kiến trúc và nghệ thuật. Thế hiện tư duy logic nhạy bén từ rất sớm, chị nắm bắt được điểm mạnh của chính mình và nhanh chóng ghi dấu ấn khi bước chân vào thị trường lao động. Ở độ tuổi 23 khi vừa ra trường, chị gần như ngay lập tức được bổ nhiệm vào những vị trí quản lý bằng năng lực và sự chủ động của bản thân. Nhưng cũng chính lúc này, chị thấy mình vẫn còn nhiều điểm yếu non nớt của một quản lý trẻ, và rồi quyết định lựa chọn con đường du học với chuyên ngành quản lý bất động sản để bổ sung kiến thức. 


Chào chị Minh Ái! Từ những ngày đầu tiếp xúc với lĩnh vực quản lý bất động sản, đâu là những khó khăn đã có tác động lớn đến tính cách của chị trong nhiều năm qua?

Vốn là người có cá tính mạnh và khá nóng tính, nên giai đoạn đầu khi làm công việc tiếp xúc với khách hàng, tôi không thể tránh khỏi thể hiện sự bộc trực non trẻ và thiếu kinh nghiệm khi xử lý các tình huống. Lúc ấy, những phản ứng đó đối với tôi dường như là để thể hiện sự thẳng thắn của bản thân. Nhưng dần dần khi tiếp xúc với nhiều khách hàng, chính công việc đã dạy tôi biết kiên nhẫn và hành xử đúng mực với vị trí của mình khi đối diện với từng kiểu tính cách khác nhau. Dù không hoàn toàn đồng ý với quan điểm “khách hàng luôn luôn đúng”, nhưng với vị trí là một người làm ngành dịch vụ, tôi hiểu rằng phải học cách kiểm soát cảm xúc và hành xử phù hợp để dung hòa và đạt được sự thấu hiểu của nhiều bên. Có thể nói, đây là một khó khăn lớn mà tôi gặp phải khi bước vào ngành này nhưng cũng là điều khiến tính cách của tôi thay đổi nhiều nhất trong những năm làm việc. Giờ đây nhìn lại, tôi đã có thể tự tin trong cách đối nhân xử thế và làm việc hiệu quả hơn với các vấn đề liên quan đến con người, đối với đội ngũ nội bộ cũng như với khách hàng hay đối tác bên ngoài.

Khó khăn luôn dễ khiến người ta nản lòng. Vậy động lực nào đã giúp chị gắn bó và yêu nghề quản lý bất động sản ngần ấy năm?

Thật ra, tôi không yêu ngành nghề này ngay từ những ngày đầu chạm ngõ. Vốn mê nghệ thuật và học kiến trúc, có lẽ tôi đã đi theo con đường định sẵn nếu như không có một ngày tôi chợt nhận ra đôi khi người ta cần phải thật rạch ròi giữa đam mê và năng lực cốt lõi của bản thân. Việc thử sức trong lĩnh vực quan hệ khách hàng của ngành quản lý bất động sản – một công việc luôn đòi hỏi người quản lý phải suy luận và tìm kiếm giải pháp nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời hầu như hằng ngày hằng giờ đã giúp tôi khám phá ra ngành nghề này phù hợp với người sở hữu cá tính mạnh và tư duy logic như tôi. Mỗi ngày làm việc trôi qua, tôi lại nhận được những bài học mới mẻ để cá nhân mình trở nên tự tin và quý trọng nghề nghiệp hơn.


Tôi tin rằng sẽ hiếm có ngành nghề nào tựa bức tranh muôn hình vạn trạng để người trải nghiệm nó có cơ hội làm giàu thêm vốn sống như nghề quản lý bất động sản. Và tình yêu nghề của tôi được vun đắp như thế khi công việc này đem đến cho tôi một cuộc sống không nhàm chán với vô vàn những cuộc gặp gỡ mang rất nhiều sắc thái khác nhau. Đối với tôi, hành trình gắn bó và trở nên yêu nghề cũng tựa hành trình khám phá bản thân với rất nhiều cột mốc biến chuyển. Con đường ấy đã trao cho tôi sự tự do khám phá và thay đổi bản thân theo hướng chuyển biến những điều tiêu cực thành tích cực. Tôi vẫn nói đùa rằng tôi xem công việc này là “nghiệp” thay vì “nghề”, bởi thẳng thắn mà nói, quản lý bất động sản là ngành nghề khổ cực mà nếu không yêu thì rất khó để gắn bó và tồn tại.

Trên con đường ấy, vượt qua nhiều mục tiêu sự nghiệp để có được ngày hôm nay, tâm thế của chị với những mục tiêu ở thì hiện tại có khác nhiều so với quá khứ?

Khi còn trẻ, đích đến luôn là một điều gì đó rất to tát như trở nên giàu có, tạo được địa vị hoặc đạt được sự công nhận. Dù xuất thân từ nghèo khổ, hay may mắn có điều kiện hơn người thì mỗi chúng ta đều phải vật lộn với những cảm xúc khác nhau để tự chứng minh bản thân với nhiều giằng xé bên trong. Những kỳ vọng lớn hay nhỏ không có gì là sai trái và mỗi người cũng sẽ có một con đường và điểm đến trên con đường đó rất khác nhau. Chỉ cần bạn luôn có trách nhiệm với những việc mình làm và hoàn thành thật tốt, đó chính là cách nhanh nhất hướng bạn đến “điểm đích” mà bạn mong muốn. Ở thời điểm hiện tại khi càng trưởng thành, những điều tôi hướng tới dường như lại càng đơn giản hơn. Mục tiêu của tôi là có thể trở thành người thực hiện tốt nhất mỗi vai trò mà tôi phụ trách. Quan trọng nhất vẫn là những thành tựu mà chúng ta đạt được trong quá trình bản thân làm việc chứ không nhất thiết phải chọn đích đến là tiền tài hay danh vọng.


Đúc kết từ những thành tựu đã đạt được, theo chị đâu là những phẩm chất cần có để thành công trong nghề cần nhiều đến giao tiếp này? Liệu có còn điều gì chị muốn cải thiện và tiếp tục bổ sung cho mình để hoàn thiện hơn?

Khi tuyển dụng, tôi thường nhìn vào cá tính của một người thay vì kinh nghiệm của họ. Đối với tôi, muốn thành công trong lĩnh vực liên quan nhiều đến con người này, điều tiên quyết phải có chính là sự chân thành, tính kiên nhẫn và tinh thần cầu thị. Đây là thời đại của chỉ số cảm xúc EQ liên kết trong những mối quan hệ mang tính “win-win” (đôi bên cùng có lợi). Nếu bạn làm công việc quan hệ khách hàng nhưng không thể tiếp xúc với họ theo một cách thức chân thành và nhẫn nại thì bạn sẽ khó nhận được sự tin cậy và hợp tác từ họ. Vì thế, tôi luôn huấn luyện nhân viên của mình “biết cương trong nhu, biết nhu trong cương” trong mọi tình huống, bên cạnh đó là cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng cách kiểm soát giọng nói, điều chỉnh ánh mắt hay cân nhắc ngôn từ sử dụng. Kiến thức và kinh nghiệm là thứ có thể dạy và tích lũy từng chút một, nhưng nếu không có một tư duy phù hợp và sự tổng hòa của những phẩm chất nói trên thì thật khó để có thể bước chân vào công việc này.

Về việc hoàn thiện bản thân, điều tôi cảm thấy cần cải thiện nhất chính là có thể giúp nhân viên trở nên gần gũi hơn với mình, bởi khoảng cách cấp bậc vốn luôn là một trong những yếu tố cản trở để một người sếp có thể thể hiện sự chân thành và tử tế với nhân viên của mình.


Vào nghề quản lý bất động sản đã nhiều năm, chị làm thế nào để rèn luyện và duy trì sự năng động của mình để thích ứng với những đổi thay liên tục của ngành nghề này?

Việc đi chậm lại sau nhiều năm gắn bó với nghề là điều khó tránh khỏi với bất kỳ ai. Đón nhận điều này, ngoài việc luôn phải quan sát rút kinh nghiệm cho bản thân mỗi ngày, quan điểm của tôi là xây dựng thế hệ quản lý kế cận có cùng tâm huyết và đồng lòng cùng nhau phát triển. Một bộ máy không thể vận hành trơn tru chỉ dựa trên một cá nhân nào đó cho dù là xuất chúng, mà phải được củng cố và duy trì bởi một tập thể có thể dung hòa và kết nối cùng nhau. Tôi không thể nói trước được rằng bản thân có thể tiếp tục thúc đẩy chính mình để gắn bó trong bao nhiêu năm nữa, nhưng trách nhiệm ngay lúc này của tôi là có thể xây dựng được một đội ngũ mà dù không có tôi vẫn có thể làm việc tốt và mang lại thành tựu cho tập đoàn.

Vậy trong hoạt động đào tạo đó của chị, đâu là lộ trình chị đang áp dụng để có được một nhân sự kế thừa xứng đáng?

Đầu tiên là phải tìm được những người có những tố chất phù hợp. Quản lý bất động sản là ngành nghề sẽ không thể tìm thấy sự hoàn hảo tuyệt đối trong dịch vụ bởi nó được cung cấp bởi con người chứ không phải những cỗ máy, vì thế luôn có một chút sai số dù mỗi người sẽ mang đến ưu thế và điểm mạnh khác nhau. Nhưng một trong những tố chất phải có đó là sự chính trực. Vốn đây là ngành nghề có liên quan rất nhiều đến tiền bạc nên tất cả mọi người đều hiểu rằng khi có sự chính trực thì sẽ không có chỗ cho gian lận. Có rất nhiều lộ trình về đào tạo, nhưng điều tôi vẫn thường làm là để nhân viên có thể cùng tôi tham gia trực tiếp vào mọi quy trình của dự án nhằm để có cơ hội cọ xát và học hỏi thực tế. Lý thuyết không bao giờ là đủ, và những nhân viên ấy phải có nhiều va vấp trong công việc mới có thể ghi nhớ và đúc kết kinh nghiệm cho chính mình. Trong quá trình trải nghiệm đó, sự sàng lọc sẽ giữ lại những người phù hợp nhất và sẵn sàng tiến xa hơn trên con đường trở thành cá nhân nòng cốt của tổ chức.


Trong trường hợp có một nhân viên giỏi được chị đào tạo xin nghỉ việc thì điều đầu tiên chị sẽ nói với người ấy là gì?

Là một người lãnh đạo có hơn một ngàn nhân viên, tôi luôn mong muốn có thể mang lại nhiều lợi ích cho họ và giúp họ cảm thấy hạnh phúc trong công việc. Vì vậy khi có một nhân viên xin nghỉ việc, đặc biệt là những nhân sự có tiềm năng, điều đầu tiên tôi luôn hỏi rõ lý do nhằm tìm hiểu tâm tư cũng như nguyện vọng của họ, đồng thời phân tích cho họ về những thuận lợi trong công việc mà họ đang có cùng định hướng phát triển sự nghiệp khi gắn bó với tập đoàn. Nhưng nếu họ vẫn quyết định ra đi và muốn thử bước đến một “chương mới”, tôi vẫn sẽ lựa chọn ủng hộ tuyệt đối. Thậm chí, đã có nhiều nhân viên sang nơi mới làm việc nhưng cần đến sự hỗ trợ của tôi, tôi vẫn sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng cho phép và luôn rộng mở con đường quay lại nếu một ngày nào đó họ cần đến. Tôi không bao giờ có suy nghĩ rằng những nhân viên quyết định ra đi là những người phản bội cho dù đó là những người tôi đã đào tạo và đặt nhiều kỳ vọng. Việc có thể kết nối với nhân viên cũ cùng ngành nghề cũng là một cách tôi xây dựng nên một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau hữu ích cho bản thân mình lẫn cho cả các doanh nghiệp.  


Quản lý hoạt động của nhiều dự án bất động sản với vô vàn tình huống công việc liên quan rất nhiều đến con người, đã có lúc nào đó chị rơi vào tâm thế mất bình tĩnh?

Tôi chưa bao giờ để bản thân rơi vào tình huống mất kiểm soát, nhưng nếu có những phút giây phải thể hiện sự bất bình thì đó là sự bộc lộ có chủ đích để giải quyết một tình huống đặc biệt nào đó. Trong công việc giao tiếp với khách hàng, sự mềm mỏng luôn cần thiết nhưng đôi khi cũng cần đến một chút cứng rắn đúng lúc. Biết cách thể hiện quan điểm bản thân một cách đúng mực sẽ giúp gìn giữ mối quan hệ với khách hàng và đôi khi, sự cứng rắn sẽ thể hiện tính nghiêm trọng của vấn đề nhưng lại là “lối thoát” để tạo thành nỗ lực giúp các bên giải quyết sự việc tốt hơn. Điều tôi sợ nhất là khi bản thân hay đội ngũ của mình làm sai, còn lại tất cả mọi vấn đề đều có hướng giải quyết của nó. Và, nguyên tắc của tôi khi đã làm sai là phải sửa chữa bằng cách thẳng thắn nhận sai và ngay lập tức khắc phục bằng sự cầu thị và cố gắng của bản thân.

Giữa nhiều mục đích trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp, theo chị những phụ nữ đã gặt hái được cho mình nhiều thành tựu nên xem trọng mục đích nào?

Điều này phù thuộc vào cá tính của mỗi người khi họ hiểu bản thân đang ở giai đoạn nào của cuộc đời và thật sự mong muốn điều gì. Bởi thực tế, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được tất cả mục đích cùng lúc như nhau. Tôi vẫn thường nói với các nhân viên trẻ của mình rằng, quan trọng nhất là biết mình muốn gì bởi sẽ không có một mẫu số chung về kỳ vọng của tất cả mọi người. Đến thời điểm hiện tại, tôi nhận ra bản thân đã có thể gọi là “tạm đủ đầy”. Tôi mong có cuộc sống cân bằng, được làm công việc mình yêu thích, được tiếp tục thử thách bản thân trong sự nghiệp. Tôi cũng muốn có thêm thời gian dành cho chính mình và gia đình, cũng như tiếp tục theo đuổi niềm đam mê từ thuở ban sơ là nội thất và kiến trúc. Giờ đây, tôi tin rằng mục đích của mình đã được chuyển hóa không còn là một đích đến mà tôi phải đạt được bằng mọi giá. Chỉ cần còn làm việc là tôi còn tiếp tục cố gắng, thế thôi. Và nếu buộc phải dừng lại, tôi cũng sẽ chấp nhận chứ không đánh đổi điều gì quan trọng. Đích đến không phải là thứ có thể sờ nắm, nó vượt lên tất cả khái niệm về vật chất, chức vụ hay danh vọng để ta có thể sống cuộc đời cống hiến và trở thành một phần tốt đẹp trong xã hội.


Vậy trên con đường sự nghiệp của mình, chị đã phải từng đánh đổi điều gì chưa khi mỗi thành công trong cuộc đời này đều khó tránh khỏi một sự hy sinh nào đó?

Làm việc trong ngành này, tôi đã học được cách kiên nhẫn cũng như cho mình cơ hội gặp gỡ nhiều người và va chạm với những vấn đề nan giải. Cũng chính nhờ điều đó, tôi đã đạt được sự thỏa mãn và mong đợi của bản thân khi hiểu được mục đích thực chất là gì và nên hiểu nó như thế nào để có thể vui sống mỗi ngày. Trong nguyên tắc sống của tôi, tôi là người đề cao sự chân thành và không bao giờ làm điều gì trái ngược với nguyên tắc này. Tôi sẽ không bao giờ nói những điều bản thân không thật sự nghĩ và làm những điều bản thân không mong muốn. Chỉ cần giữ được sự chân thành và luôn rõ ràng trong mọi vấn đề, tôi tin rằng bản thân mỗi người sẽ không phải đánh đổi hoặc hy sinh bất cứ thứ gì chỉ vì theo đuổi “thành công” và khiến bản thân hối tiếc.


Theo nudoanhnhan