Viết về ngôi sao Bạch Trà, nữ nghệ sĩ nhân dân Song Kim đã có những câu thơ rất hay như sau:
Việt Nam có hoa Bạch Trà
Tên hoa, nào biết lại ra tên người
Tám lăm xuân, hoa vẫn tươi
Ánh đèn sân khấu đẹp người tên hoa...
Gia tài của bà có đến hàng trăm vai diễn, đủ cả văn lẫn võ, vô cùng đa dạng và phong phú. Từ một Điêu Thuyền lẳng lơ, quyến rũ, hy sinh vì nghĩa lớn (vở Lã Bố hý Điêu Thuyền); một Mạnh Lệ Quân kiêu kỳ, vẹn toàn tài sắc; một nàng Chiêu Quân diễm lệ cho đến một Mộc Quế Anh văn võ song toàn hay anh dũng như Đào Tam Xuân nữ kiệt; hoặc một bà mẹ hiền lành, chân chất hết lòng hy sinh vì nong sông, đất nước (bà mẹ Lê trong Tình mẹ, bà Ba trong vở tuồng lịch sử Đề Thám)...
Tuy vậy, phía sau ánh hào quang rực rỡ của sân khấu luôn có những bóng đêm, những nỗi buồn đè nặng lên vai người nghệ sĩ. Bà đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả, không được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc gia đình. Bằng sức mạnh của nghị lực và lòng yêu nghề sâu sắc, bà đã vượt lên mọi đắng cay và nước mắt, cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà.
Nghệ sĩ Bạch Trà tên thật là Nguyễn Thị Vóc, sinh năm 1919 tại huyện Kim Thanh, Phủ Lý, Hà Nam. Mẹ bà là Đào Thị Ngấn, một đào chèo xinh đẹp có tiếng; cha là ông Nguyễn Ngọc Liễn, một nhà nho nghèo làm nghề dạy học. Học trò theo học ông rất đông nhưng ông không thu tiền một ai. Cuộc sống gia đình thiếu thốn, khó khăn nên sau khi ra đời không lâu, mẹ đã ẵm bà ra đi theo một gánh hát lên Hà Nội. Chính những ngày biểu diễn gian truân lang bạt ấy, cộng với giọng ca ngọt ngào say đắm của mẹ đã thấm sâu vào lòng cô bé Bạch Trà một tình yêu da diết với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật chèo.
Vừa tròn 6 tuổi, bà đã được mẹ dạy về cách hát chèo cũng như các làn điệu, phong thái biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Vốn có tài năng bẩm sinh, lại thêm lòng yêu thích nên bà học rất nhanh. Không lâu sau, bà cũng được lên sân khấu, trở thành một đào chèo ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 8 tuổi, do cảnh nhà sa sút, mẹ lại lâm vào cảnh nghiện hút, Bạch Trà phải đi ở cho nhà Tây để kiếm tiền ăn và đỡ đần cho mẹ. Hai năm sau, trong một lần theo mẹ đi diễn ở Hải Phòng, Bạch Trà gặp người cậu ruột của mình, vốn là một kép tuồng. Bị hấp đẫn bởi nghệ thuật tuồng cổ, bà lại theo cậu học tuồng. Sau đó, người cậu đột ngột qua đời, bà được mẹ cho theo ông chủ gánh tuồng Quang để học tiếp. Được ít lâu bà lại nghỉ học, cùng mẹ theo một gánh chèo đến Vạn Hoa. Gánh tan, mẹ bà kết hôn với ông chủ của một gánh xiếc rong, từ đó cô bé Bạch Trà lại đi theo nghề xiếc. Khi gánh làm ăn thất bại, người cha đượng đánh đập bà nên hai mẹ con phải bỏ đi. Sau bao nhiêu đau khổ, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với cô bé Bạch Trà. Bạch Trà được bà Sự, chủ một gánh tuồng yêu quý và nhận làm con nuôi.
|
Nghệ sĩ Đắc Nhã (vai Đề Thám) và Nghệ sĩ nhân dân Bạch Trà (vai bà Ba) trong vở tuồng Đề Thám. |
Năm 1934, bà trở lại Hà Nội và xin vào hát ở gánh chèo của ông Mỹ Ký, lấy nghệ danh là Bạch Trà. Sau đó, bà trở lại với tuồng và đi hát ở rạp Phúc Thắng. Từ đây, cuộc đời sân khấu đã mở ra rực rỡ trước mắt người nữ nghệ sĩ trẻ đầy đam mê và khát vọng. Tên tuổi của bà trở nên quen thuộc với những người yêu nghệ thuật tuồng và chèo. Hai môn nghệ thuật dân tộc này tuy khác nhau về đặc trưng nhưng là một nghệ sĩ tài năng, có vốn nghề vững vàng, bà đã vận dụng kết hợp chúng lại với nhau một cách khéo léo, biết khai thác những điểm tương đồng khiến cho vai diễn của mình càng đa sắc và sinh động.
Nhiều vai diễn đặc sắc của Bạch Trà ngày nay đã trở thành khuôn mẫu cho thế hệ sau học tập như: Đào Tam Xuân, Mộc Quế Anh, Thanh xà Bạch xà, Đổng Mẫu, Hồ Nguyệt Cô, Đát Kỷ, Xuân Đào... Không chỉ vậy, bà còn là người đầu tiên thể hiện thành công các nhân vật trong thể loại tuồng mới, tuồng hiện đại. Với việc sử dụng và biến đổi tài tình những điệu hát, múa của tuồng truyền thống vào trong các vở tuồng lịch sử và hiện đại, Bạch Trà đã thổi luồng sức sống mới cho nghệ thuật tuồng.
Khi trở về Đông Anh, bà đã gặp và kết hôn cùng nghệ sĩ tuồng Quang Tốn. Chung niềm say mê với nghệ thuật, hai người đã cùng lập nên gánh hát mang tên Tôn Xuân Đài và đi lưu diễn khắp nơi. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, gánh Tôn Xuân Đài di cư lên Bố Hạ rồi gia nhập quốc doanh trở thành đoàn kịch Quyết Thắng.
Năm 1953, nghệ sĩ Bạch Trà lập đoàn cải lương Quyết Tiến ở Thái Nguyên. Cũng trong năm đó, một vinh dự lớn đã đến với bà. Bà được Đảng và Nhà nước cử đi dự Đại hội Liên hoan Sinh viên Thanh niên Thế giới lần thứ 4 tại Bucarest, Rumani. Đây cũng là lần đầu tiên nhân dân thế giới biết đến những bài ca, điệu hát tuồng của dân tộc Việt Nam.
Nghệ sĩ Bạch Trà còn là người có công trong việc phục hồi và phát triển nghệ thuật tuồng Bắc. Trước năm 1959, tuồng Bắc bị mai một do hoàn cảnh chiến tranh và quan điểm lệch lạc cho rằng tuồng là tàn dư của chế độ phong kiến. Để khắc phục tình trạng này, bà cùng chồng mình, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Tốn được bộ Văn hóa giao nhiệm vụ thành lập đoàn tuồng Bắc, tiền than của Nhà hát Tuồng trung ương sau này. Tuy đảm nhận vị trí Phó giám đốc Nhà hát Tuồng trung ương và sau đó là chủ nhiệm Bộ môn Tuồng ở trường Sân khấu vô cùng bận rộn nhưng không lúc nào bà xa rời sàn diễn.
Với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng Bắc, nghệ sĩ Bạch Trà cùng chồng đã đào tạo thành công 7 thế hệ học trò xuất sắc cùng hàng loạt tài năng như: nghệ sĩ nhân dân Mẫn Thu, nghệ sĩ ưu tú Đoàn Anh Thắng, nghệ sĩ ưu tú Gia Khoản, Đàm Liên, Minh Thịnh, Tiến Thọ... Không chỉ vậy, hai người còn hợp sức phục hồi được hàng chục vở tuồng hay, hàng trăm vai tuồng cổ nhằm phát huy và truyền bá vốn di sản quý báu của ngành tuồng Bắc cho thế hệ mai sau.
Với một bề dày hoạt động cùng những cống hiến to lớn đó, Bạch Trà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1983, bà được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Trà mất năm 1997. Người nghệ sĩ tài hoa ấy đã ra đi nhưng tài năng đức độ cùng lòng yêu nghề sâu sắc của bà sẽ mãi là tấm gương sáng trên bầu trời sân khấu tuồng của nước ta.
Phụ nữ Việt Nam