Nghệ sĩ Pháp gốc Việt Nguyễn Lê Phương Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nếu đến thư viện đa phương tiện Idecaf nằm trên đường Lê Thánh Tôn, TP HCM vào những ngày này, bạn sẽ bắt gặp một cô gái có dáng người mảnh khảnh, mái tóc đen dài, gương mặt mộc mạc ẩn dưới cặp kính cận dày, đang mân mê những mảnh gạch đá vỡ. Đó là Nguyễn Lê Phương Linh, 29 tuổi, tác giả của cuộc triển lãm ảnh và video "Từ điển hình ảnh" đang diễn ra tại đây.
Những người đến tham quan các tác phẩm của Linh có trẻ em, học sinh, người già, người Việt lẫn người nước ngoài. Họ nhìn những bức ảnh chụp đất cát ở một nơi nào đó hay những ký tự trong bảng chữ cái tiếng Việt được bày trên các mảng gạch xiên xẹo với con mắt tò mò và hỏi cô đây là cái gì, sao mà lạ thế?
"Có một bạn trẻ nói với tôi rằng, em tưởng triển lãm phải là thứ gì đó hoành tráng nhưng cách chị làm nghệ thuật thật gần gũi", Linh kể.
Linh sinh ra ở Hà Nội nhưng đến năm 16 tuổi thì sang Pháp sinh sống cùng mẹ. Từ bé, cô đã mê vẽ và yêu thích nghệ thuật. Linh cũng thường theo chân bố là kiến trúc sư đến những công trình xây dựng, những khu bán nguyên vật liệu, màu sơn... Có lẽ vì thế mà đất đá trở nên thân thuộc và sau này trở thành nguồn cảm hứng cho những bức ảnh của Linh.
"Đam mê đến tự nhiên với mình từ nhỏ. Bố cho mình bút màu thì mình vẽ, cho mình máy ảnh thì mình chụp", Linh nói. "Khi sang Pháp, mình sống trong một ngôi làng nhỏ trên núi với những người già nói tiếng bản địa cũ và những bức ảnh trở thành một phương tiện biểu đạt giúp Linh dễ dàng chia sẻ với những người không cùng ngôn ngữ. Cứ thế dần dần, mình là con người của hình ảnh nhiều hơn là ngôn ngữ, lời nói".
Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở thành phố Nimes năm 2016, cô tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật bằng cách lưu trú sáng tác ở miền nam nước Pháp và tự mày mò kết hợp nhiếp ảnh với nhiều hình thức khác như video và nghệ thuật sắp đặt để sáng tác.
Triển lãm "Từ điển hình ảnh" tại Idecaf của Phương Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghệ thuật của Linh tự nhiên như con người cô. Cuộc triển lãm "Từ điển hình ảnh" đang diễn ra tại Idecaf là tập hợp những bức ảnh và video được Linh thực hiện một cách tình cờ trong chuyến đi phượt bằng xe máy từ Nam ra Bắc vào năm 2012. Với một cái máy quay phim nhỏ cho dân du lịch và một máy ảnh cơ mua ở chợ đồ cũ tại Pháp giá khoảng 20 euro, Linh đã ghi lại những hình ảnh của đất đá, công trình xây dựng, cánh rừng đang cháy, em bé dân tộc Gia Rai hay thậm chí người say rượu trên đường...
Năm nay, sau khi được Villa Saigon, một chương trình nghệ sĩ lưu trú của Viện Pháp tại Việt Nam, tiếp nhận, Linh mới có cơ hội chia sẻ những bức ảnh này đến với đông đảo công chúng theo cách đặc biệt của riêng mình. Suốt hơn ba tháng chuẩn bị cho cuộc triển lãm, Linh đi nhặt những mảnh vỡ trong xưởng đá về để làm bàn trưng bày tác phẩm. Cô trưng bày song hành những hình ảnh ở Việt Nam với các hình ảnh được chụp tại Pháp, từ đó gợi ra một cái nhìn khác về cách tái thể hiện hình ảnh và sử dụng hình ảnh làm chất liệu sắp đặt.
"Đối với mình, ảnh không phải chỉ để treo tường mà còn có thể được sắp đặt trên mặt đất, ở góc tường hay trên trần nhà, ảnh cũng có thể được đặt trong hộp, gấp lại, xé rách...", Linh nói.
Những vùng đất được thể hiện qua các dải đất, đá có chất liệu, màu sắc và nằm trong tổng thể cảnh quan khác nhau là nội dung xuất hiện nhiều nhất trong các bức ảnh tại triển lãm.
"Mình quan tâm tới đất đá, tự nhiên, xem con người đã và đang làm gì với chúng", nữ nghệ sĩ giải thích. "Những mùa hè ở Pháp, mình từng làm việc cho nông trại, hái hoa ngô, hoa thuốc lá, hạt củ cải tía, nhặt mận, nho... Mình yêu nông nghiệp, công việc cơ bản của cuộc sống. Vì thế mình yêu đất đai trong trạng thái nguyên thủy của nó".
Tại triển lãm, Linh còn giới thiệu đến khán giả "Từ điển hình ảnh", một hình thức thể nghiệm mới mẻ phóng khoáng xoay quanh các chữ cái và hình ảnh. Trong bảng chữ cái tiếng Việt, Linh gắn mỗi ký tự với một từ rồi chọn những hình ảnh phù hợp mà cô ghi lại được trong chuyến đi phượt 6 năm trước và 3 tháng sáng tác lưu trú để diễn giải ý nghĩa của từ đó và ghép thành video. Ví dụ, chữ A là các em bé người dân tộc Gia Rai, chữ Ă là những biển hiệu quán ăn dọc đường, chữ Y là đoạn karaoke trong ca khúc "Và tôi vẫn yêu em" của nhạc sĩ Đức Huy.
Những hình ảnh được trưng bày trên các mảnh gạch đá vỡ của Phương Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Video là một chuỗi những chữ cái, hình ảnh đan xen với nhau, đôi khi cầu kỳ, đôi khi vụng về", Linh nói. "Từ ngữ và hình ảnh được sử dụng như chất liệu, kết cấu, màu sắc, khi thì liên kết lại với nhau, khi thì đối lập nhau để tạo ra ý nghĩa hoàn toàn mới".
Với video bao gồm phần phụ đề cả tiếng Pháp và tiếng Việt, Linh muốn bày tỏ tình yêu của mình với tiếng mẹ đẻ. "Dù sang sống ở Pháp đã lâu và quên nhiều từ, mình vẫn thấy tiếng Việt đẹp lắm", Linh nói. "Trong video này, mình đưa vào nhiều câu tục ngữ, ca dao, bài hát thiếu nhi, những hình ảnh rất đời thường và quen thuộc ở Việt Nam. Mình thích truyền thống, văn hoá và bản sắc dân tộc của Việt Nam".
Triển lãm ảnh và video "Từ điển hình ảnh" sẽ kéo dài đến ngày 18/10. Linh không có tham vọng phản ánh điều gì to tát của xã hội qua những tác phẩm này. Những hình ảnh động hay tĩnh, lướt qua chậm chạp hay chớp nhoáng đều chỉ là một thứ tài liệu, một cách ghi chép lại những gì Linh đã nhìn thấy và trải qua, rồi chia sẻ nó với mọi người.
Bởi vậy trong các tác phẩm của cô, địa điểm không còn quan trọng. "Đôi khi mình không muốn nói cho người xem ảnh này chụp ở đâu vì đất nào mà chả là đất. Trái đất này là của chúng mình mà", Linh nói.
Theo
vnexpress