Học tiếng Trung vì… thần tượng
Dương Thị Hồng Nhung (22 tuổi, quê Bắc Giang) vừa tốt nghiệp thủ khoa song bằng theo diện liên kết, chương trình 2 + 2 ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc), với số điểm GPA 3.69/4.0.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, nữ sinh Bắc Giang cho hay cơ duyên đưa cô đến với tiếng Trung khi học lớp 11 và vì thần tượng là nhóm nhạc TFBOYS nên cố gắng tự học tiếng Trung.
Mỗi ngày, Nhung dành thời gian khoảng 4-5 giờ học nói, cách phát âm sao cho chuẩn và rồi học ngữ pháp. Năm 2018, Nhung trượt 4 nguyện vọng và đỗ nguyện vọng 5 vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Dù có chút hụt hẫng khi không vào ngôi trường ở nguyện vọng 1 nhưng nữ sinh cố gắng học tập để chinh phục những học bổng du học.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, Nhung đạt được chứng chỉ HSK5 (trình độ C1 tiếng Trung) ngay từ năm hai ĐH. Sau đó, nữ sinh này thi tiếp chứng chỉ HSK6 và HSKK cao cấp (chứng chỉ cao nhất về kỹ năng nói tiếng Trung), một trong những tiêu chí quan trọng nhất để nộp đơn xin học bổng của chính phủ Trung Quốc.
|
Dương Thị Hồng Nhung vừa tốt nghiệp thủ khoa song bằng ngành ngôn ngữ Trung Quốc Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc)
|
Mặc dù rất thích tiếng Trung nhưng cũng có không ít lần cô gái này rơi vào trạng thái chán nản, mất động lực. “Khi lên năm ba ĐH vì tình hình dịch Covid-19, tôi học trực tuyến. Đó cũng là lúc mình cảm thấy mất động lực. Khi nhận ra trình độ của bản thân ngày càng tụt lùi và nghĩ đến lý do bắt đầu học tiếng Trung, mình liền vực dậy tinh thần và chú tâm học hành hơn", Nhung thổ lộ.
|
Dương Thị Hồng Nhung (giữa) nhận bằng tốt nghiệp cùng gia đình
|
Ẵm học bổng toàn phần thạc sĩ
Để giành được suất học bổng du học toàn phần bậc thạc sĩ của chính phủ Trung Quốc, ngoài chứng chỉ tiếng Trung, Hồng Nhung trải qua quá trình phấn đấu không ngừng và đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Nữ sinh phấn đấu đạt 5/8 học kỳ những năm ĐH đạt học bổng (trong đó có 4 học bổng toàn phần, 1 kỳ bán phần), cả 4 năm học ĐH đều đạt khen thưởng sinh viên giỏi và xuất sắc.
Bên cạnh đó, cô còn giành những giải thưởng như: Giải nhì cuộc thi viết luận về mối quan hệ thương mại giữa các nước thuộc hiệp định RCEP “dấu chân của chúng ta, tuổi trẻ của chúng ta” do Nhật báo tỉnh Quảng Tây tổ chức, giải khuyến khích cuộc thi “Kỹ năng giảng dạy tiếng Trung quốc tế” do tỉnh Quảng Tây tổ chức... Việc tham gia những cuộc thi này giúp Nhung có thêm “hồ sơ” đẹp trong để xin học bổng.
Nhung cho hay để xét học bổng toàn phần thạc sĩ, ứng viên phải có minh chứng điểm GPA bậc ĐH, chứng chỉ HSK6, và HSKK, viết phương hướng nghiên cứu và kế hoạch học tập như: giới thiệu thông tin cá nhân, thành tích học tập, giải thưởng từng đạt, và định hướng khi học thạc sĩ.…
Ngoài ra, nữ sinh liên hệ với giảng viên và được phó giáo sư Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) cấp giấy giới thiệu để xin học bổng.
Nhung bộc bạch: “Tôi gặp chút khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ xin học bổng vì lúc đó chưa tốt nghiệp ĐH nên phải nộp giấy xác nhận sinh viên để thời hạn”.
Cuối cùng, cô giành được hai suất học bổng toàn phần, một của chính phủ Trung Quốc và một học bổng Khổng Tử vào hai đại học danh tiếng: ĐH Sư phạm Bắc Kinh và ĐH Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải).
Riêng học bổng của chính phủ Trung Quốc cho hệ thạc sĩ trị giá khoảng 1 tỉ đồng (trong đó miễn học phí, ký túc xá, bảo hiểm, sinh hoạt phí 3.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 11 triệu đồng/tháng). Hồng Nhung chia sẻ, trong năm 2022, chính phủ Trung Quốc chỉ dành 50 suất học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam đi du học tiến sĩ, thạc sĩ và đại học.
Nói về dự định tương lai, Nhung cho hay sẽ chọn ĐH Sư Phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) để thực hiện giấc mơ trở thành giảng viên dạy tiếng Trung.
Nhung tâm sự: “Những năm gần đây, quê hương mình đang chuyển mình thành khu công nghiệp, có rất nhiều công ty Trung Quốc đến đây. Do đó, có nhiều người từ vùng sâu vùng xa tới làm việc, nhưng vì rào cản ngôn ngữ nên lương công nhân mặt bằng chung sẽ không được cao nếu họ không biết tiếng. Vì thế, tôi ấp ủ mong muốn mở một trung tâm tiếng Trung để có thể giúp họ có được thu nhập tốt hơn".
Là một trong những người bạn thân với Hồng Nhung hơn 7 năm, Thân Thị Hồng Nhung (22 tuổi, quê Bắc Giang) cho rằng Nhung là người chăm chỉ và rất nỗ lực để đạt kết quả tốt .
“Sự cố gắng của bạn ấy khiến mình luôn ngưỡng mộ, dù có những lúc chán nản nhưng Nhung không bao giờ bỏ cuộc và luôn truyền cảm hứng tích cực cho mọi người xung quanh", Thân Hồng Nhung chia sẻ.
|
Theo Thanh niên