Trong tập cuối của chương trình "Shark Tank" mùa 5 Triệu Vy và em gái đã gọi vốn thành công 200 triệu đồng cho 30% cổ phần thương hiệu nến Jaros Candle. Phần đầu tư này là sự góp sức của Shark Liên, Shark Hùng Anh và Shark Erik. Bên cạnh đó, cả hai còn nhận được 2 Golden Ticket (vé vàng trị giá 100 triệu đồng) đến từ Shark Liên và Shark Hùng Anh có giá trị 200 triệu đồng. Hiện tại, thương hiệu nến của Triệu Vy vẫn đạt được doanh thu tốt. Năm 2022, Triệu Vy đã mở cửa hàng tại TP.Vĩnh Long song song với việc kinh doanh sản phẩm nến thơm trên các sàn thương mại điện tử. Triệu Vy vừa tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học.

Triệu Vy cho biết trước khi vào ghi hình gọi vốn trực tiếp với các "cá mập" thì sẽ trải qua vòng sơ khảo, trình bày dự án khởi nghiệp với ban cố vấn của chương trình. Triệu Vy cho biết đã chuẩn bị một bài trình chiếu để mô tả chi tiết mô hình kinh doanh, thể hiện tổng quan về sản phẩm. Theo Triệu Vy điều các "cá mập" và ban cố vấn quan tâm là sự khác biệt, thế mạnh độc quyền của thương hiệu, kế hoạch tài chính trong tương lai gần…

leftcenterrightdel
 Triệu Vy vừa tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
 
Triệu Vy cho biết yếu tố quan trọng nhất để một người trẻ mới bắt đầu kinh doanh thu hút được nhà đầu tư là sự thật thà: “Mình tham gia chương trình Shark Tank với sự non nớt về kinh nghiệm kinh doanh, nên tôn chỉ luôn là cung cấp những thông tin chính xác nhất, trao đổi thẳng thắn và tinh thần thông thoáng. Mình đã quyết định kêu gọi số vốn ban đầu khá nhỏ để vừa sức với tình hình kinh doanh thực tế. Có lẽ nhờ vào tinh thần này mà mình được các "cá mập" ủng hộ rất nhiệt tình”.

Một yếu tố khác giúp Triệu Vy chinh phục được các “cá mập” là có được một câu chuyện thương hiệu sâu sắc và truyền cảm hứng. “Chúng mình mang đến câu chuyện ham học hỏi, sự đam mê kinh doanh của hai founder (nhà sáng lập thương hiệu) còn rất trẻ. Và nêu bật được tính năng của sản phẩm là chăm sóc sức khỏe tinh thần, điều này lại rất phù hợp với nhu cầu của thị trường sau đại dịch Covid-19. Mình nghĩ đây là một điểm cộng khi đi gọi vốn mà các bạn có thể tham khảo, khai thác”, Triệu Vy chia sẻ.

Triệu Vy cho biết khó khăn lớn nhất trong thời gian đầu kinh doanh là tìm nguồn nguyên liệu làm sao đáp ứng được 2 tiêu chí là chất lượng và chi phí: “Vì lúc ấy mình còn là sinh viên, vòng quan hệ kết nối chưa được rộng, nên mọi thứ hầu như là tự tìm kiếm. Sau một thời gian kiên trì tìm trên các hội nhóm, diễn đàn trong, ngoài nước thì mình cũng kết nối được với một số nhà cung cấp. Mình đã thuyết phục họ bằng câu chuyện khởi sự kinh doanh của bản thân. Và may mắn mình đã được những nhà cung cấp uy tín hỗ trợ với số số lượng nguyên liệu rất nhỏ so với quy mô của họ”.

leftcenterrightdel
 Trước khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Triệu Vy đã gọi vốn thành công tại "Shark Tank" mùa 5

Theo Triệu Vy, khởi sự kinh doanh là hành trình rất gian nan đối với những bạn trẻ chưa có quá nhiều kinh nghiệm và vốn. Thứ duy nhất mà người trẻ có thể tự tin và đóng vai trò như chiếc “phao cứu sinh” khi gặp “sóng gió” là đam mê, sự kiên trì. Triệu Vy cho biết hành trình kinh doanh của bản thân gặt hái được một số thành công nhanh hơn tiến độ bình thường một phần là do yếu tố may mắn. Vì vậy, nữ sinh chia sẻ với nhiều bạn trẻ nên chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng để đương đầu với những khó khăn và không nản lòng khi gặp “sóng lớn”.

Triệu Vy nhấn mạnh một sản phẩm tốt, mới và thiết thực sẽ là điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. Và tiếp theo sau đó là một kế hoạch phát triển rõ ràng, khả thi, điều này đòi hỏi người trẻ phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.

PGS-TS Nguyễn Đình Quân, giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Tôi đã được Triệu Vy chia sẻ và biết rằng em đang đi đúng hướng. Đây chỉ là “bình minh sớm mai” của Triệu Vy. Qua câu chuyện của Jaros Candle, mong rằng ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến các kiến thức thực tế gắn liền với sản xuất, kinh doanh thay cho những kiến thức cao siêu nhưng ít ứng dụng hơn”.

Theo Thanh niên