Tháng 1/2021, Thư tốt nghiệp thủ khoa, Khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM). Dù vậy, Thư không dám nghĩ đến việc ứng tuyển vào những nơi danh tiếng như Oxford - top 5 đại học tốt nhất thế giới, theo U.S News and World Report.
Cô dự định nộp hồ sơ du học Australia nhưng nước này đóng biên thời gian dài vì Covid-19. Được các anh chị người Việt từng học tại Oxford động viên, Ngọc Thư mạnh dạn ứng tuyển chương trình tiến sĩ khi thời hạn chỉ còn vài ngày.
Ngọc Thư nhận được lời mời nhập học, tuy nhiên vì nộp muộn, qua thời điểm xét học bổng nên cô không có bất kỳ hỗ trợ tài chính nào. Gia đình không có điều kiện kinh tế, Thư bỏ lỡ cơ hội đầu tiên.
Phải từ chối khi đã chạm đích khiến Thư rất buồn. Xốc lại tinh thần, Ngọc Thư kiên trì chuẩn bị để tiếp tục ước mơ học tiến sĩ ở Oxford lần hai.
Đầu năm 2022, Ngọc Thư apply thành công học bổng Khoa học Công nghệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ du học nước ngoài của Vingroup với mức hỗ trợ tài chính 8 tỷ đồng. Điều kiện là ứng viên được mời nhập học một chương trình thuộc danh sách ngành học hoặc lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm từ trường top đầu các quốc gia. Khi không còn canh cánh mối lo tài chính, cô nộp đơn vào Oxford lần nữa. Oxford tiếp tục rộng cửa chào đón cô gái Việt. Thư còn đỗ ĐH Cornell (thuộc nhóm Ivy League) với học bổng tương đương 8 tỷ đồng và hai trường khác ở Australia (Đại học Sydney và Queensland).
Cô tâm sự, ứng tuyển Oxford lần hai không hề dễ. "Lần đầu là đợt tuyển sinh phụ, bổ sung, nhưng lần hai là đợt chính thức, phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên khắp thế giới", Thư nói.
Ngọc Thư cho hay, buổi phỏng vấn với hội đồng tuyển dụng khá căng thẳng vì mang tính chuyên môn cao. Nếu như lần một chỉ có ba giáo sư, lần hai có đến năm giáo sư phỏng vấn.
Trước đó 30 phút, nhà trường gửi cho ứng viên một bài test khó như một bài nghiên cứu thực sự. Khi bắt đầu phỏng vấn, ứng viên có 5-7 phút thuyết trình về đề tài nghiên cứu. Sau đó, thầy cô đặt câu hỏi về kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm nghiên cứu.
"Các câu hỏi về những phần chuyên môn siêu khó. Có cả câu hỏi mẹo yêu cầu tìm lỗi sai được cố tình dựng trong một biểu đồ. Có nhiều câu hỏi đáp tình huống, kỹ năng chứ không mang tính đúng - sai", Thư cho rằng trả lời tốt các câu hỏi của hội đồng tuyển sinh giúp cô có điểm cộng.
Tuy nhiên, vòng phỏng vấn không phải tất cả. Ngọc Thư nhấn mạnh, bậc học tiến sĩ tập trung vào chuyên môn và nghiên cứu rất cao.
"Mình chưa từng học thạc sĩ và lại học 100% ở Việt Nam. Nên đường đến Oxford tưởng như quá xa vời. Các cựu sinh viên ở Oxford cho hay đa phần ứng viên được nhận vào trường đều có nền tảng du học Mỹ hoặc nước thứ hai nào đó trước. Một số anh chị khuyên mình đi đường vòng, học thạc sĩ ở đâu đó rồi apply lại vào Oxford", Thư chia sẻ.
Nhưng Thư tự tin vào nền tảng học tập và nghiên cứu của mình.
Ngọc Thư sinh ra ở vùng quê Bình Giang (Quảng Nam), nơi điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Thấy Thư ham học, bố mẹ tạo điều kiện cho con gái lên tỉnh. Không có cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ sớm, khi vào Đại học Quốc tế, nơi có chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, Thư nhanh chóng trau dồi ngoại ngữ và chinh phục được IELTS 7.5 sau hai năm ôn luyện.
Ngọc Thư yêu thích Sinh học, đặc biệt là nghiên cứu y sinh. Cô từng giành học bổng Global Undergraduate Exchange Program của chính phủ Mỹ, trở thành sinh viên trao đổi tại Loyola University Chicago. Đến nay, Ngọc Thư đã có các bài báo khoa học "Giá trị chẩn đoán và tiên lượng của Gia đình miR-200 trong ung thư vú - một phân tích tổng hợp và tổng quan hệ thống" đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology và "Đánh giá vai trò chứng nội trong nghiên cứu ung thư vú của miR-16" đăng trên tạp chí Molecular Biology, với vai trò tác giả chính.
"Mình nghĩ đó là điểm sáng giá trong hồ sơ, chứng minh mình có đam mê, có tìm tòi cơ hội và trau dồi kinh nghiệm không ngừng", Thư nói.
Bí quyết trúng tuyển Oxford của Ngọc Thư là có chiến thuật, kế hoạch cụ thể và rõ ràng. Theo Thư, ứng viên nên tìm hiểu rất kỹ các trường xem họ yêu cầu hồ sơ như thế nào, để chắc chắn mình đáp ứng được. Hồ sơ học thuật cần có sự đầu tư, thể hiện thế mạnh và sự phù hợp với trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Huệ, trường Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM, sau hai năm làm việc với Ngọc Thư, nhận xét "Thư nằm trong top 1% sinh viên ưu tú mà tôi từng dạy".
"Em có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học. Với một nền tảng kiến thức công nghệ sinh học tuyệt vời, đặc biệt về di truyền học và sinh học phân tử, Thư có thể hiểu đối tượng nghiên cứu nhanh chóng và thiết kế thí nghiệm rất hợp lý. Kỹ năng phòng thí nghiệm của em từng nhiều lần làm tôi ngạc nhiên", PGS.TS Huệ nói.
Tiến sĩ Michael Grillo, Đại học Loyola Chicago, dạy cô gái Việt trong một lớp di truyền học mùa Thu năm 2020, cũng chia sẻ: "Tôi ấn tượng với động lực nghiên cứu khoa học của Thư và khả năng nghiên cứu di truyền học của cô. Tôi tin tưởng, cô có nhiều tiềm năng trong nghiên cứu di truyền học".
Tới Oxford, Ngọc Thư đặt mục tiêu nghiên cứu bài bản, có thêm nhiều công bố khoa học trên các tạp chí uy tín hàng đầu và trau dồi các kỹ năng cần thiết để có thể trở thành nhà khoa học thực thụ với mục tiêu "ra đi để trở về".
"Mình mong muốn trở lại giảng dạy tại các trường đại học của Việt Nam. Bằng cách này mình vừa có thể mở rộng nghiên cứu vừa có thể truyền cảm hứng và nuôi dưỡng các thế hệ tiếp theo của khoa học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư", Thư chia sẻ.
Theo vnexpress