Nhân Tết Giáp Thìn 2024, TS Lê Thái Hà, hiện là Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture, Giám đốc điều hành Quỹ Vì tương lai xanh, đã có những chia sẻ với TGPN.

+ Với vai trò là Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture, có thể nói chị cùng các cộng sự đã góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới khi người đoạt giải Nobel Y học năm 2023 cũng là người đoạt Giải thưởng Chính VinFuture 2021. Chị có thể "bật mí" cho bạn đọc TGPN những điều thú vị về giải thưởng danh giá này?

Giải thưởng VinFuture là một trong số những hoạt động thường niên quan trọng của Quỹ VinFuture. Trong vai trò là Giám đốc điều hành Quỹ, tôi không trực tiếp tham gia quá trình "cầm cân nảy mực" của giải thưởng. Đánh giá các đề cử cho các hạng mục của Giải thưởng VinFuture là công việc độc lập của 2 Hội đồng Giải thưởng, bao gồm các giáo sư và chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. 

Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất vui vì đã cùng đồng đội của mình thiết lập và tổ chức các hoạt động của Quỹ một cách chuyên nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, góp phần lan tỏa tri thức và kết nối cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Việc 2 chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên (TS. Katalin Kariko và GS. Drew Weissman) tiếp tục đoạt giải Nobel Y học năm 2023 là một niềm tự hào lớn. Điều này minh chứng cho việc VinFuture đã chọn đúng mục tiêu khi vinh danh các nhà khoa học với thành tựu đột phá, ảnh hưởng tới hàng triệu người. Đáng chú ý hơn cả, VinFuture đã ghi nhận công trình của GS. Kariko và TS. Weissman từ năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang cam go và khi thế giới còn chưa đánh giá được toàn diện đóng góp mang tính thời đại của nghiên cứu này.

Trải qua 3 mùa giải, triết lý và tầm nhìn của VinFuture luôn kiên định. Chúng tôi tiếp tục chú trọng tôn vinh và thúc đẩy những phát minh khoa học, công nghệ mang lại lợi ích sâu rộng cho cộng đồng, góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho nhân loại.

+ Mùa giải VinFuture thứ 3 vừa kết thúc với những ấn tượng và bất ngờ. Đặc biệt, lần đầu tiên có một nhà khoa học Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture, xin chị có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?

VinFuture mùa 3 không chỉ tăng về số lượng các đề cử mà còn đi sâu vào chất lượng của chương trình. Đúng là điều rất đặc biệt, khi mùa giải thứ 3, Việt Nam lần đầu tiên đã có nhà khoa học giành được Giải thưởng Khoa học công nghệ VinFuture. Cùng với GS Gurdev Singh Khush - nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Võ Tòng Xuân đã trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh" trong lễ trao giải diễn ra tối 20/12/2023 tại Hà Nội. 

Riêng GS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống lúa IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, GS Xuân đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

+ Đâu là "cái duyên" đưa chị đến với vị trí hiện tại - Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture?

Tôi bén duyên với Quỹ VinFuture lúc Quỹ đã đi vào hoạt động được 1 năm. Giai đoạn này thế giới cũng trải qua 2 năm đại dịch và suy nghĩ của tôi cũng nhiều thay đổi. Tôi cảm thấy rằng mình đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận các thử thách mới. Sau cuộc gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết từ Nhà sáng lập Quỹ, tôi nhận ra rằng đây là thời điểm mình đã sẵn sàng cho một sự "thay đổi" lớn trong sự nghiệp của mình.

Việc quyết định gắn bó với VinFuture cũng là cách tôi thử thách bản thân. Mặc dù thời điểm tôi mới gia nhập, Quỹ đã đi vào hoạt động được 1 năm, không phải là người đặt những viên gạch đầu tiên nhưng gần 2 năm qua, tôi vẫn đang cùng các đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực hàng ngày để chuẩn hóa và xây dựng thêm nhiều hoạt động vì Quỹ còn quá mới. Quá trình đặt những viên gạch tiếp theo này nhiều thách thức nhưng cũng rất thú vị vì đây là cơ hội để tôi trưởng thành hơn và học hỏi thêm nhiều điều mới.

+ Là nữ tiến sĩ Việt duy nhất 3 năm liên tiếp xuất hiện trong top nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, chị có chia sẻ gì với bạn đọc TGPN, nhất là các bạn trẻ nữ về hành trình này?

Mong muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học của tôi xuất phát từ những trải nghiệm nghiên cứu trong chương trình URECA (dành cho sinh viên top 5% của khóa) tại Đại học công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, khi tôi còn là sinh viên ngành kinh tế. Được thầy hướng dẫn và gia đình động viên, tôi quyết định nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần của chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) tại NTU ngay sau khi tốt nghiệp.

Tại thời điểm tôi nộp hồ sơ, việc được xét học thẳng lên chương trình PhD khi vừa hoàn thành chương trình cử nhân chưa phổ biến như bây giờ. Tôi cảm thấy may mắn vì nhận được học bổng toàn phần để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, con đường này không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.

Thời điểm đó, đúng là tôi chưa từng tưởng tượng rằng mình sẽ đam mê và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đến như vậy. Công việc nghiên cứu khoa học cần sự bền bỉ, chăm chỉ, sẵn sàng chấp nhận đối mặt với thách thức cũng như thất bại một cách thường xuyên. Nhưng qua từng trải nghiệm, tôi đã nhận ra đây chính là lĩnh vực mà tôi muốn gắn bó.

+ Để có thể sở hữu một "bảng vàng" với loạt thành tựu về nghiên cứu khoa học và theo đuổi được niềm đam mê này, là một phụ nữ làm khoa học, chị có thấy mình phải "hy sinh" những niềm vui và sở thích khác không?

Là một người đam mê công việc nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng, tôi không coi việc cân đối giữa công việc và cuộc sống là "hy sinh". Tuy nhiên, tôi cũng nhận thức rõ rằng mỗi ngày chỉ có 24 giờ và việc phân chia thời gian một cách hợp lý giữa công việc quản lý, nghiên cứu, học thuật mà tôi đam mê và trách nhiệm với gia đình, bản thân là cần thiết. Tôi ưu tiên công việc vào giờ làm, ngoại trừ những thời điểm đặc biệt cần tập trung cao độ cho công việc. 

Sau đó, tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình như chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng đi du lịch hay đơn giản là cùng nhau làm những việc nhỏ nhặt trong nhà. Những điều bình dị này giúp tôi cân bằng cuộc sống. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian cho bản thân, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, vì tin rằng chỉ khi mình khỏe mạnh, mới có thể tái tạo nguồn năng lượng và tư duy sắc bén cho công việc.

Tôi rất thích câu nói của Benjamin Franklin - chính trị gia và cũng là nhà khoa học nổi tiếng: "Let all your things have their places; let each part of your business have its time" (tạm dịch: Hãy để mọi thứ của bạn vào đúng vị trí; hãy thu xếp mỗi phần công việc của bạn vào một khoảng thời gian riêng biệt). 

Tôi tin rằng, mặc dù thời gian có hạn và có rất nhiều việc cần quan tâm trong cuộc sống nhưng nếu biết sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc hợp lý, chúng ta có thể làm nhiều việc mà vẫn duy trì cuộc sống cân bằng.

+ Trân trọng cảm ơn tiến sĩ! 

 

Tuệ Khanh (thực hiện)