“Nữ tướng” gốc Việt và sứ mệnh chia sẻ vắc xin toàn cầu
Cập nhật lúc 11:13, Thứ bảy, 28/08/2021 (GMT+7)
Vào tháng 10/2020, bà Aurélia Nguyen - một phụ nữ gốc Việt - được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Văn phòng cơ sở COVAX, lãnh đạo việc điều phối mua sắm và cung cấp vắc xin COVID-19 cho 190 nền kinh tế trên thế giới nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch toàn cầu. Cho đến nay, chương trình đã chuyển khoảng 209 triệu liều vắc xin đến hơn 130 quốc gia.
Bà Aurélia Nguyen được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 gương mặt tiêu biểu thế hệ tiếp theo của năm 2021 - Ảnh: Time - GAVI
Người phù hợp nhất
Với kinh nghiệm của một kế toán viên được chứng nhận từ Trường Kinh tế London và có bằng thạc sĩ về thiết lập chính sách, kế hoạch và tài trợ y tế của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh), từ năm 2011 đến năm 2020, bà Aurélia làm quản lý cho Liên minh Vắc xin toàn cầu GAVI, một tổ chức phi chính phủ thành lập vào năm 1999 từ nguồn kinh phí 750 triệu USD do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ. Đến nay, GAVI đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD cho các dự án tiêm chủng toàn cầu.
Trước khi gia nhập GAVI vào năm 2011, bà Aurélia Nguyen đã trải qua một số vị trí trong tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK - Anh), nơi bà lãnh đạo việc phát triển các chính sách của GSK về tiếp cận thuốc và vắc xin ở các nước đang phát triển. Mặt khác, bà Aurélia Nguyen từng thực hiện nhiều nghiên cứu cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chính sách thuốc generic. Nhóm thuốc vô cùng quan trọng tại các quốc gia đang phát triển nhờ giá thành rẻ hơn nhiều so với nhóm biệt dược gốc.
Tóm lại, bà Aurélia là người hoàn hảo cho công việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19 thông qua sáng kiến COVAX. Trong danh sách đề cử 100 gương mặt nổi bật mới “đang định hình tương lai và xác định thế hệ lãnh đạo tiếp theo” của năm 2021, Tạp chí Time nhận xét: “Sức khỏe của thế giới đang nằm trong tay bà Aurélia Nguyen”.
Sứ mệnh vắc xin toàn cầu
Sáng kiến COVAX hiện có hơn 180 chính phủ tham gia, đại diện cho khoảng 90% dân số toàn cầu. Theo bà Aurélia Nguyen, chưa từng có nỗ lực tương tự nào lớn mạnh như COVAX trong lĩnh vực y tế công cộng. “COVAX có danh mục vắc xin COVID-19 lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới, đại diện cho hy vọng tốt nhất của thế giới nhằm đưa giai đoạn cấp tính của đại dịch này nhanh chóng kết thúc”, bà Aurélia Nguyen nói. Vào thời điểm nhận vị trí mới, bà Aurélia Nguyen phải quản lý việc sử dụng nguồn quỹ hơn 6 tỷ USD do 98 quốc gia đóng góp, đảm bảo cạnh tranh với các nước giàu trong cuộc chiến bất cân bằng nhằm ký kết được các thỏa thuận mua vắc xin COVID-19 và chia sẻ miễn phí cho những nước nghèo hơn.
Theo dự báo, sáng kiến cần thêm ít nhất 2 tỷ USD nữa trong năm 2021 để có thể mua và cung cấp lượng vắc xin như dự kiến. Bà Aurélia Nguyen nói: “Nếu không có nỗ lực phối hợp, các nước có thu nhập thấp hơn sẽ bị bỏ lại phía sau vì những hạn chế về khả năng tài chính của họ”. Hiện tại, nhiệm vụ lớn nhất của thế giới là vượt qua những thách thức tiếp tục kìm hãm nguồn cung vắc xin toàn cầu. Các trở ngại bao gồm chủ nghĩa quốc gia về vắc xin, kiểm soát xuất khẩu, ngoại giao vắc xin, và các nút thắt trong sản xuất và chuỗi cung ứng. Tất cả những rào cản này cần được khắc phục khẩn cấp.
Việc huy động các quỹ cần thiết trong năm nay sẽ là bài toán khó. Các tài liệu nội bộ của GAVI vào tháng 12/2020 cảnh báo rằng nếu giá vắc xin cao hơn dự báo, nguồn cung bị đình trệ hoặc doanh thu giảm, COVAX sẽ đối mặt với viễn cảnh thất bại. Ngay cả khi sáng kiến đạt được mục tiêu 2,3 tỷ liều, phần lớn người dân ở các nước thu nhập thấp sẽ phải ít nhất đến năm 2022 mới có thể nhận được vắc xin. GAVI cũng dự báo vắc xin được phân phối thông qua COVAX chỉ có thể tiếp cận khoảng 27% dân số ở các nước có thu nhập thấp trong năm 2021.
Dù vậy, tác động của các biến thể mới như chủng Delta đang buộc các quốc gia xem xét lại chính sách vắc xin của mình và đóng góp nhiều hơn cho COVAX. Bà Aurélia Nguyen chia sẻ: “Theo lẽ thường, các chính phủ trước tiên phải bảo vệ công dân của họ. Nhưng thế giới cũng đang thức tỉnh trước thực tế rằng với một căn bệnh truyền nhiễm, bảo vệ người dân đòi hỏi phương án toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này giúp mọi người nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết chặt chẽ với nhau. Điều quan trọng là mọi người phải được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ y tế. Tôi hy vọng điều này có thể dẫn đến sự hỗ trợ từ các chính phủ, khu vực tư nhân, công chúng, trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Chúng ta phải tận dụng cơ hội để xây dựng hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, với khả năng phục hồi tốt hơn cho tương lai”.
Theo phunuonline