Trong cuộc trao đổi với phóng viên nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, nữ lãnh đạo đầu tiên của IBM tại Việt Nam cho biết phụ nữ trong lĩnh vực do nam giới thống trị như công nghệ vẫn đang phải đối mặt với một cuộc chiến đầy thử thách và đòi hỏi sự bền bỉ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thách thức sẽ giúp họ khám phá được đầy đủ tiềm năng của bản thân.

Đã có hơn 20 năm làm việc trong ngành công nghệ và luôn tích cực hỗ trợ phụ nữ Việt Nam theo đuổi ước mơ của mình dù họ đang làm việc trong bất kì ngành nghề nào, bà Diệp chia sẻ rằng bản thân mình cũng đã rất cân nhắc đưa ra quyết định khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc quốc gia của IBM Việt Nam. Tuy nhiên, được sự động viên từ quản lý, bà quyết định nhận lời và cho đến nay, nó vẫn luôn là quyết định đúng đắn khi cùng với sự hỗ trợ rất lớn từ đồng nghiệp, khách hàng và đối tác, doanh nghiệp được vận hành một cách trơn tru.

"Tôi tin rằng việc là phụ nữ hoặc một người mẹ không thể cản trở chúng ta tỏa sáng và thành công trong công việc, dù đang làm trong bất cứ ngành nghề nào… Việc học hỏi thêm để hoàn thiện hơn, cải thiện kỹ năng của bản thân và học thêm những kỹ năng mới, sẽ giúp bạn trên con đường thành công của mình", bà Diệp đưa ra lời khuyên phụ nữ cần có khát vọng dẫn đầu bên cạnh những hỗ trợ từ doanh nghiệp để đạt được thành tựu lớn trong sự nghiệp không kém cạnh với nam giới.

leftcenterrightdel
 Theo bà Phạm Thị Thu Diệp, phụ nữ cần có khát vọng dẫn đầu bên cạnh những hỗ trợ từ doanh nghiệp

Bà Diệp chỉ ra sự khác biệt cho các nhân sự nữ trong môi trường chuyên nghiệp chính là kỹ năng và khả năng thực hiện nhiệm vụ trong công việc. Việc số lượng nữ lãnh đạo trong công ty tăng lên giúp cho giao tiếp trở nên hiệu quả và phong phú hơn. Sự hài hòa này cũng giúp cho các đồng nghiệp nam cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn trong việc chia sẻ quan điểm và trở nên đoàn kết hơn. Sự tham gia của phụ nữ có mối liên hệ tích cực với hiệu quả hoạt động của công ty.

Một nghiên cứu của IBV cũng cho thấy đã có sự gia tăng trong nhận thức về những thách thức dành cho phụ nữ tại nơi làm việc song để các doanh nghiệp đạt được sự bình đẳng và hòa nhập giới, nhận thức tốt thôi là chưa đủ.

Bà Diệp chỉ ra tại IBM, sự đa dạng và hòa nhập đã có từ lâu, khi IBM tuyển dụng 2 nhân sự nữ vào năm 1899 và bổ nhiệm người phụ nữ đầu tiên - bà Ruth Leach Amonette vào vị trí phó chủ tịch vào năm 1943. Trong khi đó, bà Diệp được coi là "nữ tướng" đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam sau 25 năm hoạt động ở thị trường Đông Nam Á.

leftcenterrightdel

Bà Phạm Thị Thu Diệp: IBM đặt sự thăng tiến và phúc lợi nhằm giữ chân phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động kinh doanh

45% nhân sự tại IBM là nữ. Trên cương vị của một doanh nghiệp, IBM đặt sự thăng tiến và phúc lợi nhằm giữ chân phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động kinh doanh. Một trong những chính sách thúc đẩy quá trình thăng tiến trong sự nghiệp dành cho nhân sự nữ tại IBM là chính sách Đa dạng và Hòa nhập (D&I) để hỗ trợ đội ngũ nhân tài đa dạng - yếu tố cơ bản thúc đẩy sự cạnh tranh tích cực. Bên cạnh đó, IBM còn có các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát huy tiềm năng và mục tiêu nghề nghiệp của họ trong khi vẫn hoàn thành được trách nhiệm cá nhân, như cung cấp nền tảng và các nội dung học tập phong phú xây dựng kỹ năng cho tương lai, sắp xếp công việc linh hoạt, cho nữ lao động thử sức mình ở nhiều vị trí khác nhau…

Khi được hỏi về ứng dụng AI trong việc tạo ra một môi trường bình đẳng giới nơi công sở, bà Phạm Thị Thu Diệp chia sẻ những dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp các công ty giảm thiểu thành kiến trong quá trình tuyển dụng và áp dụng cách tiếp cận "lấy khách hàng làm trung tâm" để tạo ra các chương trình ý nghĩa về giới tính, đa dạng giới và hòa nhập giới. Việc tiên phong ứng dụng AI ở cấp lãnh đạo cấp cao và các cấp quản lý sẽ thúc đẩy hiệu suất làm việc.

Trong bối cảnh thời đại AI đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với khoảng 40% người lao động ngành IT bị ảnh hưởng do việc triển khai trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trong 3 năm tới, nâng cao kiến thức về AI tạo sinh là cơ hội mở ra cho tất cả mọi người. Nhân sự cần phát triển kĩ năng nâng cao giá trị công việc. Về phần mình, IBM cũng đặt ra sứ mệnh trang bị những kĩ năng cần thiết trong công việc cho 30 triệu người ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới vào năm 2030.

Minh Nguyệt