Chị Cát Thảo - Ảnh: T.NGUYỄN

 

Ngược với nhiều người, chị Thảo quyết định từ Úc trở về sống hẳn ở VN 12 năm nay, là đồng sáng lập Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt - Úc (AVYLD).

Trong một chiều mưa Sài Gòn, chị đã trải lòng với Tuổi Trẻ về hành trình vươn lên từ những khó khăn trong cuộc sống tại Úc.

 Ở Việt Nam, tôi có cảm giác rất đặc biệt, rất rõ ràng rằng “những người xung quanh đều rất giống mình, đều tóc đen, mắt đen”, điều tôi chưa từng cảm nhận được ở Úc. Tôi cảm nhận rõ sợi dây liên kết mạnh mẽ, biết đây chính là nơi mà mình thuộc về. Và từ đó, tôi đã chọn trở về Việt Nam.


Ba lần mất con

Tôi lớn lên trong nghèo khó, lúc nhỏ ở nhà phải phụ mẹ may đồ gia công để kiếm từng đồng qua ngày. Có giai đoạn cả nhà sống co cụm dưới cầu thang của một nhà khác. Cuộc sống xung quanh đầy rẫy cảnh nghèo đói, nghiện ngập...

Bật tivi không thấy những người như mình, đi học hoặc đi làm thì không thấy những người cấp lãnh đạo có màu da và ngoại hình giống mình... từ đó khiến tôi tự thấy mình như "kẻ vô hình" hay bóng ma. Tôi rất thấm thía phận dân nhập cư.

Số phận thay đổi khi tôi may mắn nhận được học bổng toàn phần ngành luật. Nhưng càng bước ra ngoài, tôi mới nhận ra sự may mắn đó không dành cho tất cả mọi người. Ở đâu cũng có bất công, ở Úc cũng như những nơi khác, trăn trở đó chính là động lực để chúng tôi gây dựng nên Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt - Úc.

* Quá khứ khốn khó có phải là thứ khiến chị buồn nhất?

- Bạn bè khu tôi ở nhiều người rất nghèo, có người đi theo băng đảng, có người ở tù hoặc thậm chí nghiện heroin... nhưng bản chất họ không phải là người xấu.

Tôi có may mắn được tiếp xúc với công chúa của Nữ hoàng Anh, hoàng tử Harry của Anh, hoàng tử Đan Mạch... và thấy thực chất cái tốt đẹp bên trong của mọi người không khác nhau là mấy. Nếu có những cơ hội tốt hơn, tôi tin những người bạn tôi sẽ trở thành những người có tương lai tốt đẹp.

Dù tôi từng là sinh viên duy nhất trong lớp mỗi ngày ngồi xe lửa cả tiếng đến trường để tiết kiệm chi phí ăn ở, là người phụ nữ duy nhất trong vùng lái xe giao bánh pizza ở khu vực nguy hiểm nhất thành phố Sydney (nguy hiểm đến mức ai sống trên con đường đó thì nhà sẽ không được ký bảo hiểm)... nhưng tôi rất may mắn vì được gia đình đùm bọc, giáo dục rất kỹ từ nhỏ.

Nhưng cái nghèo trong quá khứ không phải là điều khiến tôi buồn tủi nhất...

* Tôi đoán chị đang nói về nỗi đau mất con?

- Cách đây ba tuần, tôi lại bị sẩy thai, thậm chí có thể đã chết nếu không nhập viện kịp.

Trước đó, bác sĩ đã từng nói rất khó để tôi giữ được con. Hai lần không kịp thấy con chào đời, chỉ duy nhất một lần được ôm bé vài tiếng... lần nào tôi cũng thấy lòng mình hơn cả tan nát. Lúc xuất viện, tôi bị trầm cảm, chẳng còn muốn ra khỏi phòng hay gặp bất kỳ ai. Và trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi bấu víu vào chồng, hỏi "Chúng ta cần cảm ơn điều gì vào lúc này?".

Chồng tôi trả lời: "Chúng ta phải cảm ơn vì con không phải ra đời để sống bệnh tật, đau đớn. Chúng ta phải cảm ơn vì em vẫn còn sống".

* Sự động viên đó có ý nghĩa như thế nào?

- Câu nói của anh thắp lên trong tôi sự hi vọng. Sau nỗi đau trên, chúng tôi tự hỏi nếu buộc không có con thì cuộc sống của mình có hạnh phúc không? Để từ đó nhận ra rằng nếu cứ mãi nghĩ về điều khiếm khuyết thì sẽ quên mất cuộc đời mình đang hạnh phúc, hơn bao người.

Dĩ nhiên điều này không dễ làm, vì từ quyết định đến thói quen cần thời gian. May mắn của tôi là hiện đã tập quen được suy nghĩ trên. Chồng và tôi hiện dù rất bận rộn nhưng vẫn thường xuyên trò chuyện, mỗi ngày đều dành vài phút để thiền, để tìm thấy sự an yên. Giờ tôi tin rằng bản thân đã ổn hơn nhiều.

Đàn ông cũng cần một bờ vai

* Hiện điều chị và chồng thường nói với nhau nhất là gì?

- Chồng và tôi khi đi làm về, chúng tôi thường hỏi nhau "Hôm nay có ai làm điều tốt với chồng/ vợ không?" và "Hôm nay chồng/ vợ có làm một điều tốt nào cho ai không?". Trước khi ngủ thì hỏi nhau hôm nay cảm ơn điều gì. Có thể đó là những điều gì đó rất đơn giản nhưng là "liều thuốc" miễn phí đem lại niềm vui, hạnh phúc và "con người" hơn.

Bên cạnh việc tham gia một số chương trình thiện nguyện, chúng tôi cũng cùng nhau tổ chức một số hoạt động hỗ trợ cho những phụ nữ cùng hoàn cảnh và cho cả nam giới...

* Chị đang nói về nhóm "Angel babies Việt Nam"?

- Đúng vậy. Ở bên Úc có một tổ chức Bears of Hope (tạm dịch: Những chú gấu của hi vọng). Sau khi một người nào đó sinh con và bị mất con, người đó sẽ thông qua tổ chức trao cho những ai đồng cảnh ngộ một chiếc túi trong đó có lời cầu nguyện, đĩa nhạc và một con gấu bông.

Mục đích của con gấu bông là giúp lòng người mẹ cảm nhận sự an ủi, đồng cảm, nỗi đau theo đó vơi đi ít nhiều. Khi mọi người ra bệnh viện đều bồng một em bé trong lòng mà những người mẹ thiếu may mắn chẳng có gì trên tay, lòng ắt hẳn sẽ vô cùng hụt hẫng, trống trải. Con gấu được trao từ gia đình từng mất con và được mang tên em bé của họ.

Đến giờ mỗi tối tôi vẫn ôm con gấu đó vào lòng. Tôi thành lập trang Facebook "Angel babies Việt Nam" (tạm dịch: Những thiên thần bé nhỏ Việt Nam) từ những trải nghiệm của bản thân cũng như các mạng lưới có sẵn, tôi hi vọng sẽ góp phần san sẻ nỗi đau của những người từng giống mình.

* Có cả những hoạt động hỗ trợ nam giới?

- Sau khi chúng tôi thành lập trang này, nhiều người đã tìm đến trang của chúng tôi để chia sẻ. Và tôi rất ngạc nhiên khi những người chia sẻ đầu tiên là những người chồng. Nhưng ngẫm lại, tôi thấy không quá khó hiểu. Văn hóa Á Đông vốn khắc họa người đàn ông phải vững chãi, cứng rắn trong khi họ cũng là con người, cũng có cảm xúc.

Sau khi vợ chồng tôi đều trải qua nỗi đau mất bé thứ hai thì tôi lại càng cảm nhận rõ điều trên hơn. Lúc đó, ai cũng quan tâm, hỏi han tôi nhưng hầu như không ai làm điều tương tự với chồng tôi. Thậm chí một số người liên lạc chồng tôi để chỉ hỏi "Thảo thế nào rồi?".

Ai cũng mặc nhiên nghĩ rằng là đàn ông thì phải mạnh mẽ để là chỗ cho người phụ nữ dựa vào. Có lần chồng tôi nói đó cũng là đứa con của anh mà, nên anh cũng đau, cũng cần một lời động viên... nhưng chẳng có nơi để dựa.

Lúc đó, hai vợ chồng mới nhận ra bình đẳng giới cần hiểu với góc nhìn rộng và nhiều chiều hơn. Vai trò trong xã hội của cả hai phái đều phải được điều chỉnh. Nam giới, cũng như nữ giới, đang phải gánh quá nhiều quy chuẩn xã hội. Nhưng để nam giới thoải mái với điều này thì đó cũng là hành trình dài và không dễ dàng.

Tôi nói sự ra đi của các con khiến lòng tôi quặn thắt, nhưng cũng học được nhiều điều quý giá là vì vậy.

Nơi tôi thật sự thuộc về là Việt Nam

* Chị nói tiếng Việt rất sõi, chị cũng không lấy tên tiếng Anh. Vì sao?

- Đầu tiên là vì cha mẹ tôi không cho chúng tôi lấy tên tiếng Anh, không được nói tiếng Anh ở nhà.

Lúc nhỏ, tôi cũng như bạn bè xung quanh, muốn có tên tiếng Anh vì người nước ngoài không đọc được chữ Thảo, cái tên của tôi rất lạc lõng. Nhưng cha mẹ giảng giải tên tiếng Việt của tôi rất đẹp, ý nghĩa, thể hiện nét văn hóa, dòng máu và bản chất một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm.

Đất nước của chúng ta có thể có xuất phát điểm, nền kinh tế thua kém nhiều nước do hậu quả của chiến tranh, nhưng chúng ta nên lấy điều đó làm động lực vươn lên chứ đừng để bản sắc bị phá vỡ. Các bạn phủ nhận giá trị Việt nhưng các bạn cũng nào phải là người Tây? Điều đó vô cùng nguy hiểm.


Không ngừng tạo giá trị cho cộng đồng

Chị Cát Thảo đang trò chuyện cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại sự kiện AVYLD 2019 - Ảnh: AVYLD.

Chị Nguyễn Cát Thảo hiện là tổng giám đốc của Global Ready. Chị cũng là chủ tịch và đồng sáng lập của Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt - Úc (AVYLD), một hoạt động nhằm thắt chặt hữu nghị, tạo cơ hội cho giới lãnh đạo trẻ hai nước bắt tay tìm ra giải pháp cho cộng đồng.

Chương trình có sự đồng hành của nhiều lãnh đạo như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Đại sứ Úc tại VN Craig Chittick... Cát Thảo tốt nghiệp cùng lúc hai chuyên ngành luật và thương mại tại ĐH Sydney (với học bổng toàn phần), trước đó chị là người gốc châu Á đầu tiên được Chính phủ Úc chọn làm gương mặt đại diện thanh niên Úc tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc năm 2004. Chị từng là chủ tịch quỹ từ thiện giáo dục của Úc - Loreto Vietnam.

Theo tuoitre