Giữ gìn truyền thống "Ba đảm đang"
Bà Nguyễn Kim Dung – nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội - bồi hồi kể lại câu chuyện của một thời tuổi trẻ, khí thế sôi nổi thực hiện tốt phong trào "Ba đảm đang" của chị em Xí nghiệp dược phân xưởng Trung ương 2. Năm 15 tuổi, bà đi bộ đội rồi được đào tạo 13 năm là cán bộ Quân dược tại Xí nghiệp dược phẩm 6/1 thuộc Viện Bào chế - Cục Quân y của Bộ Quốc phòng.
Năm 1965 khi TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào "Ba đảm đang", với khí thế thi đua sôi nổi trên khắp mọi nơi, bà chủ động động viên các chị em trong phân xưởng đăng ký tham gia. Lúc đó, phân xưởng nơi bà làm có hơn 800 cán bộ, công nhân viên, trong đó hơn 85% là phụ nữ nên phong trào ban đầu được thực hiện rất thuận lợi. Các xí nghiệp khi đó có đặc thù vừa sản xuất các loại dược phẩm thiết yếu, vừa sản xuất thuốc phục vụ chiến trường, vừa tham gia trực chiến, bảo vệ Xí nghiệp, lại vừa phải chăm lo, nuôi dạy con cái.
Trong không khí sục sôi thi đua đánh giặc Mỹ, Hội LHPN Việt Nam đã thảo luận kỹ và đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức cuộc vận động phụ nữ "3 đảm nhiệm" với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Đề xuất này của Hội LHPN Việt Nam đã được Trung ương Đảng đồng ý. Ngày 22/3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ "3 đảm nhiệm". Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo phong trào. Sau khi Chỉ thị 03 ban hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sửa tên "3 đảm nhiệm" thành "3 đảm đang".
Với bà, phong trào đã khơi dậy tinh thần mạnh mẽ yêu nước, trách nhiệm công việc, động lực cho chị em phụ nữ phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến năm 1985, bà được điều động về Hội LHPN Hà Nội và giữ cương vị Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội. Bà vẫn giữ truyền thông tốt đẹp của phong trào như tặng 3.000 chiếc áo len cho chiến sĩ Biên giới (năm 1986); cho ra mắt tờ báo Phụ nữ Thủ đô; thành lập Xưởng sản xuất dịch vụ (nay là Trung tâm hỗ trợ PTPN Hà Nội) giúp chị em học nghề, có việc làm; đặt nền móng thành lập Hội đồng tư vấn về hôn nhân gia đình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Bây giờ, bà đã cao tuổi nhưng bà vẫn rèn luyện tinh thần phong trào "Ba đảm đang" trong cuộc sống.
Nữ trưởng tổ tàu "Ba đảm đang"
Trò chuyện với bác Nguyễn Thị Sang – nguyên Trưởng tàu, phụ trách tổ tàu "Ba đảm đang" của ngành đường sắt Việt Nam, những hình ảnh của phong trào vẫn nguyện vẹn những ký ức không thể quên về một thời thanh xuân đã cống hiến sức trẻ của mình để xây dựng phong trào. Bà sinh ra thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và lớn lên trong giai đoạn cả nước đang gồng mình đấu tranh chống Mỹ. Sau khi đi học và tốt nghiệp ngành giao thông vận tải, bà nhận công tác và được phân làm trưởng tàu chuyên chở bộ đội vào Nam chiến đấu và tiếp nhận thương binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc điều trị tại Ga Vinh – Nghệ An.
Hoạt động tổ tàu "Ba đảm đang" lúc đó toàn là nữ, với 9 thành viên với công việc vô cùng gian khổ đó là vừa đảm bảo vệ sinh an toàn trên toa tàu, vừa theo dõi tình hình của máy bay địch để hướng dẫn hành khách sơ tán, và đảm bảo an toàn cho bộ đội đi chiến đấu, thương binh từ chiến trường về.
Theo lời kể của bà, thời kỳ đó tổ tàu bà làm việc trong điều kiện rất khó khăn như trên tàu chưa có điện, trên tàu chỉ có vài chiếc đèn bão. Vậy làm thế nào mà chị em nhận biết được hành khách đã sơ tán đã kịp trở về tàu đông đủ hay chưa? Có hành khách nào bị thương hay không? Hay tổ tàu làm việc chủ yếu ban đêm nên ăn ngủ theo tàu, không có chỗ phơi đồ, giặt đồ… rồi cái chết sẵn sàng dình dập do Mỹ đánh bom đường tàu. Đặc biệt, bà còn nhớ trận thả bom ác liệt của đế quốc Mỹ tại Gia Yên Viên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỹ đánh sập ga hầm, có rất nhiều công nhân bị thương, bị chết… may mắn tổ tàu của bà vẫn được bình yên để tiếp tục công việc. Nhưng với tinh thần bà Trưng, bà Triệu, phong trào Ba đảm đang nên tổ tàu của bà luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không quản khó khăn gian khổ và được trao danh hiệu "Tổ tàu xã hội chủ nghĩa".
Nữ dân quân tự vệ sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc
Bao năm đã qua nhưng bà Bùi Thị Tư vẫn nhớ như in trong trí óc hình ảnh cô nữ thiếu nữ đứng xếp hàng, hồ hởi tự nguyện tham gia vào đội dân quân tự vệ khi đó bà mới 25 tuổi. Bà kể lại rằng, lúc đó giặc Mỹ đang điên cuồng phá đất nước ta, chiến tranh leo thang của giặc Mỹ đã lan ra cả Hà Nội và cả vùng quê Song Phượng – Đan Phượng.
Trận địa của dân quân Song Phượng được xây dựng ở bãi dâu sông Đáy, chủ yếu toàn là nữ. Lúc đó, bà cũng các chị em dân quân phải đảm nhiệm 3 trách nhiệm nặng nề đó là lo việc nước (đánh giặc, giữ trận địa), lo công việc gia đình cho các anh em đi bộ đội, lo việc hợp tác xã trong sản xuất đúng như những tinh thần của phong trào "Ba đảm đang" phát động. Năm 1976 trận địa bị địch phát hiện hoả lực và chống phá ác liệt, trận địa của bà bị chìm trong khói lửa, bản thân bà bị đất đá vùi lấp. Bà đã tự đào bới để lên được mặt đất. Khi đó xung quanh còn đầy tiếng bom và trận địa bị san phẳng, còn đồng đội bà đã có 6 đồng đội hy sinh. Hình ảnh đó làm bà không thể quên và quyết tâm tiếp tục thực hiện tiếp những công việc đồng đội còn đang dang dở.
Sau năm đó, trung đội của bà củng cố và tiếp tục đi trực chiến lâu dài ở Cầu Giẽ để bảo vệ huyết mạch giao thông đường bộ. Bà đã tham gia dân quân tự vệ đến năm 32 tuổi khi hoà bình được thiết lập trên cả nước. Bà muốn nhắc với các thế hệ sau là tinh thần phong trào ba đảm đang đã khơi dậy tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc của các bà, các mẹ như 8 lời vàng đã được tặng cho phụ nữ "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Với phong trào "Ba đảm đảng" còn rất nhiều những đóng góp, hy sinh của những người phụ nữ khác, có chăng họ chỉ khác nhau cái tên, công việc, nhưng tất cả đều giống nhau ở mục tiêu, lý tưởng sống và tình yêu quê hương, đất nước. Và họ, những người phụ nữ ấy đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc.
Phụ nữ Việt Nam