TS Phạm Thị Thu Hà đang lai tạo các giống lúa phục vụ cho nghiên cứu tại Đại học Tôn Đức Thắng - Ảnh: THU HIẾN
“Tôi nghĩ không chỉ phụ nữ làm khoa học mà tất cả phụ nữ dù là ngành nghề nào đi nữa cũng đều có áp lực, chỉ là ít hay nhiều. Điều quan trọng nhất phải có đam mê. Phải luôn luôn kiên trì, chấp nhận hi sinh nếu muốn thành công. TS Phạm Thị Thu Hà |
Ba nhà khoa học nữ Việt Nam được bình chọn lần lượt ở vị trí 23, 32 và 87 là PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - trưởng phòng khoa học - công nghệ và quan hệ đối ngoại của Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM, TS Trần Thị Hồng Hạnh - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và TS Phạm Thị Thu Hà - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Ít ai biết được rằng đằng sau thành công của những nhà khoa học nữ là những hi sinh, từ hạnh phúc gia đình cho đến thời gian dành cho bản thân. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với TS Phạm Thị Thu Hà (37 tuổi, quê Bến Tre) - người phụ nữ đã cùng đồng nghiệp lai tạo thành công nhiều giống lúa giá trị.
Chỉ có 30 phút trong ngày để nghỉ ngơi
* Thưa tiến sĩ, phụ nữ làm khoa học chắc là vất vả lắm...?
- Ồ, có chứ. Phụ nữ vốn là người có trách nhiệm nhiều hơn trong việc chăm sóc gia đình, từ việc nội trợ cho đến chăm sóc con cái. Chính vì vậy, khó khăn của phụ nữ làm khoa học lại nhân lên gấp đôi so với các đấng mày râu.
Để có được như ngày hôm nay không hề dễ dàng với tôi chút nào. Đó là cả một chặng đường dài mà khó khăn chồng chất khó khăn. Dù biết mình sẽ đối diện với nhiều thử thách, thế nhưng tôi vẫn chấp nhận và theo đuổi đến cùng.
Tôi thức dậy lúc 5h30 sáng, sau khi chuẩn bị bữa sáng cho gia đình tôi tiếp tục chở con đến trường, sau đó quay trở lại viện nghiên cứu làm việc liên tục cho đến 4h30 chiều. Tôi chỉ có 30 phút để nghỉ ngơi vào buổi trưa và kết thúc một ngày thường vào 23h đêm.
* Về nhà, chị dành nhiều thời gian cho gia đình?
- Thực sự là không. Trên sân thượng tôi cấy lúa, mỗi buổi chiều sau khi kết thúc công việc tôi trở về nhà nghiên cứu thụ phấn cho lúa để lai tạo. Sau đó mới dành thời gian cho chồng và con gái.
Nhiều lúc vì muốn tận dụng thời gian trong công việc tôi còn phải vừa ăn cơm vừa làm việc. Đồng thời, với vai trò là người hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp nên đêm đến tôi còn phải thường xuyên xem xét bài vở cho các em. Bất cứ thời gian nào, ngay cả nửa đêm tôi cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các em sinh viên nghiên cứu.
Thời gian dành cho gia đình nhiều nhất là vào những ngày cuối tuần, tôi thường cùng chồng con về quê ngoại, hoặc một số khu vực trồng lúa tại Cần Thơ để nghiên cứu. Nhiều lần tôi gửi con gái ở nhà ngoại rồi lại loay hoay với công việc nghiên cứu, lai tạo giống lúa trên ruộng thử nghiệm.
Tôi từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giữa chừng
* Chồng con có thông cảm cho công việc của chị không, thưa chị?
- Ban đầu mọi thứ thật khó khăn bởi công việc quá nhiều khiến tôi gần như "đầu tắt mặt tối". Chồng tôi vừa phải đảm nhiệm việc bếp núc, vừa chăm sóc con cái. Chuyện cãi vã không phải là hiếm gặp. Cũng vì tôi dành quá nhiều thời gian cho công việc, thường xuyên không ở cạnh nên con gái tôi phải tự lập từ rất sớm.
Những lúc cãi vã, bản thân tôi cũng cảm thấy có lỗi lắm. Những lần như vậy, tôi thường tìm một góc nhỏ trong phòng để suy nghĩ lại công việc của mình. Sau khi cả hai vợ chồng bình tâm, tôi sẽ đến cạnh chồng nhỏ nhẹ nói với anh ấy để anh thông cảm cho công việc của mình. Với tôi, có lẽ may mắn nhất là kiếm được một người chồng luôn biết chia sẻ và cảm thông cho mình.
Chúng tôi phải dành nhiều thời gian để tập trung nghiên cứu bởi nếu phân tâm, hiệu quả nghiên cứu sẽ rất thấp. Những người chồng hãy thông cảm cho phụ nữ làm khoa học, bởi họ luôn luôn phải đối đầu với nhiều áp lực.
* Khoảng thời gian nào là khó khăn nhất đối với chị?
- Cha mẹ tôi mất sớm, nhà đông anh chị em nên tôi vừa học vừa phải làm. Cuối năm 2015, tôi nhận được một suất học bổng tại Nhật Bản (TS Hà tốt nghiệp tiến sĩ ngành di truyền và chọn giống, Trường ĐH Hiroshima, Nhật Bản năm 2018 - PV). Lúc này, con tôi chỉ mới 3 tuổi nhưng tôi vẫn quyết định đi. Ở nơi đất khách quê người, tôi cùng con gái nương tựa nhau sống. Đó là khoảng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên.
Ban ngày tôi đi học, tối đến tôi kiếm công việc làm thêm để hai mẹ con có thể tiếp tục ở lại Nhật. Mỗi tối, khi nhà trẻ không giữ trẻ, tôi phải để con ở nhà một mình rồi lao đầu vào công việc làm thêm. Cứ vậy, mẹ con tôi dìu nhau qua từng ngày một. Đến năm 2018, trở về nước, tôi tiếp tục công việc nghiên cứu.
Tôi từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giữa chừng. Nhiều đêm đi làm về khuya nhìn con ngủ nhưng không có mẹ ở bên, tôi chỉ muốn ôm con vào lòng khóc thật to. Nhưng rồi tôi chọn tiếp tục cố gắng, từng ngày một, cho đến ngày gặt hái những thành công đầu tiên. Ngoài việc lai tạo giống lúa, thời gian tới tôi cũng tiến hành lai tạo một số giống rau đáp ứng nhu cầu của thị trường.
TS Lê Ngọc Liễu: Xin mẹ 6 tháng mới được đi Ả Rập TS Lê Ngọc Liễu Cách đây 2 tháng, vào những ngày sinh viên tạm nghỉ vì dịch COVID-19, TS Lê Ngọc Liễu - giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vẫn đến trường đều đặn giảng dạy online và thực hiện những dự án khoa học. Chị là 1 trong 10 nhà khoa học nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức cuối năm 2019. Trước đó, năm 2013, khi đang là nghiên cứu sinh, ở tuổi 28, TS Liễu là người Việt Nam duy nhất trong 25 nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc về phát triển bền vững được Bộ Giáo dục và nghiên cứu Đức (BMBF) trao giải. Hiện tại, TS Liễu cùng các sinh viên đang thực hiện song song nhiều đề tài nghiên cứu lớn nhỏ như công nghệ lọc một loại vi sinh vật có trong thanh long gây mất màu khi chế biến; giảm chất kháng tiêu hóa trong đậu đen xanh lòng; chiết xuất lá húng quế thành những hợp chất khác nhau, có lợi trong chống các bệnh tăng đường huyết... Tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chị học tiến sĩ ở ĐH Quốc gia Singapore về công nghệ hóa học và rồi nghiên cứu sau tiến sĩ ở Saudi Arabia về môi trường. Chị kể, phải mất 6 tháng thuyết phục, mẹ chị mới đồng ý cho chị đi Ả Rập làm nghiên cứu bởi lo lắng khi con gái đến một đất nước Hồi giáo xa xôi. Tại Ả Rập, TS Liễu theo đuổi công nghệ màng lọc, chuyển hóa nước biển thành năng lượng với mức lương khoảng 100 triệu đồng/tháng. Kết thúc dự án, đứng trước lựa chọn tiếp tục sang Đức, Mỹ nghiên cứu hay về nước, chị chọn quay về vì muốn gắn bó với quê hương. "Con đường nghiên cứu rất dài và gian nan. Theo tôi, trung bình trong 10 sinh viên chỉ được khoảng 1 em thích nghiên cứu. Người nghiên cứu cần đam mê, óc tìm tòi, phải cẩn thận và có khả năng diễn đạt tốt. Với nữ giới, cần thêm kiểm soát cảm xúc, không để thất bại làm buồn rầu ảnh hưởng đến công việc" - TS Liễu chia sẻ. TRỌNG NHÂN |
Theo tuoitre