Ngôi nhà số 60 phố Hùng Vương, phường Chi Lăng (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) có người phụ nữ luôn mặc bộ trang phục người Thái. Là con của núi rừng, yêu quê, bà cũng thường cất lên tiếng hát để thể hiện nỗi nhớ về một thời trẻ trung. Bà là Bế Thanh Súy. Quê gốc của bà ở xã Tri Phương, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bố của bà lên vùng Tây Bắc và xây dựng gia đình rồi ở lại đó sinh sống, lập nghiệp.
Là người dân tộc Thái, 3 chị em gái của bà Súy thấm đẫm nền văn hóa Thái và đặc biệt, ai cũng được trời phú cho giọng hát hay. Bà Súy cho biết: "Mẹ của tôi cũng hát rất hay nên chắc ba chị em được hưởng gene mẹ. Lớn lên, tôi được đưa xuống Thuận Châu, Sơn La, để học. Năm 1959, lúc đó tôi đang học lớp 4, thật vinh dự là năm đó Bác Hồ về thăm Thuận Châu, toàn trường cờ hoa phấp phới đón mừng Bác. Tôi đã vinh dự được Bác hỏi chuyện".
Với ít phút ngắn ngủi, bà được Bác hỏi: "Cháu thích múa, hát không?". Cô học trò dễ thương thưa: "Thưa Bác có ạ". Bác Hồ đã dặn các học sinh chịu khó học để phục vụ đất nước. Điều đó đã trở thành cái duyên và lời dạy của Bác là niềm thôi thúc bà Súy theo con đường nghệ thuật. Năm sau, bà Súy được tuyển chọn vào Trường Múa Việt Nam. Ở đó, bà được học múa, học hát và nhanh chóng trở thành một diễn viên có triển vọng. Bà Súy cho biết, bà say mê các làn điệu dân ca Thái, dân ca Tày nên học rất "thấm" và từ đó được chọn vào nhóm chuyên cho những buổi biểu diễn giao lưu giữa các trường đại học. Riêng về múa, bà được các thầy giáo khen có năng khiếu và có khả năng tiến xa.
Vào năm 1966, một lần sau buổi học, thầy hiệu trưởng Trường Múa thông báo buổi tối lớp múa sẽ đi biểu diễn phục vụ. Nhưng không ai nói biểu diễn ở đâu. Hóa trang xong, ô tô đến tận trường đón. Bà Súy hết sức bất ngờ được chọn tham gia biểu diễn phục vụ một buổi họp có nhiều đại biểu và đặc biệt là có Bác Hồ. Buổi biểu diễn kết thúc, Bác Hồ chia quà cho các học sinh. Khi Bác đến gần, bà Súy lấy hết can đảm cất lời: "Thưa Bác, Bác còn nhớ cháu không ạ"? Thật bất ngờ, Người dừng lại rồi nói: "Bác nhớ rồi, cháu tặng hoa Bác khi Bác lên Tây Bắc đúng không?".
Điều đó khiến bà Súy thật sự bất ngờ. Bác Hồ bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn nhớ người tặng hoa cách đó cả 7 năm. Lại thêm một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời bà Súy. "Gặp Bác, cuộc đời tôi bước sang trang mới. Từ một học sinh bình thường, tôi đã trở thành diễn viên múa, bồi thêm giọng hát. Quan trọng hơn là tôi có quyết tâm để theo nghề", bà Súy bày tỏ.
Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, bà trở về Tây Bắc làm giảng viên Trường Nghệ thuật Tây Bắc. Với sự tận tâm của bà, nhiều học trò sau này đã trở thành những diễn viên xuất sắc, trong đó không ít người đã trở thành nghệ sĩ ưu tú. Sau hơn 10 năm giảng dạy, bà về Lạng Sơn, tham gia Đoàn Văn công Lạng Sơn. Nhiệm vụ là giảng dạy cho các diễn viên mới vào nghề, đi biểu diễn, giao lưu ở các địa phương vùng Tây Bắc, Việt Bắc...
Suốt những năm tháng ấy, cuộc đời bà có bao vất vả thăng trầm nhưng lời dặn của Bác đã thôi thúc bà thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Lời dạy ấy không chỉ thấm nhuần trong tâm hồn bà trong công việc, ứng xử mà sau này nghỉ hưu, bà vẫn dạy múa, dạy hát. Đặc biệt bà vẫn giữ kỷ vật là tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ năm 1959, khi Người về thăm Thuận Châu.
Đến bây giờ khi tóc đã bạc, da đã mồi nhưng bà vẫn giữ nếp xưa, vẫn khăn piêu, vẫn dạy con cháu hát điệu "xống chụ xon xao". Hơn 60 năm trôi qua, cô bé Bế Thanh Súy tặng hoa Bác năm xưa đã là bà nội, bà ngoại. Nghỉ hưu, bà lại bận bịu với bao việc gia đình, chăm sóc chồng con, hoạt động xã hội… Mỗi khi lễ Tết, ngày sinh nhật Bác, bà đều mang bức ảnh xưa ra ngắm, kể cho con cháu nghe những chuyện gặp Bác. Với bà đó là những kỷ niệm không bao giờ phai.
Ngô Thục Miên