Từ niềm xúc động, tự hào về Bác kính yêu
Trong căn phòng nhỏ chưa đến 30 m2, hàng ngàn bức ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ qua nhiều mốc lịch sử được ông Nhung trưng bày hết sức chỉn chu, trang trọng.
Thắp nén hương thể hiện lòng thành kính lên Bác, ông Nhung cho biết, căn phòng là tài sản vô giá đối với ông. Bởi đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm quý giá một thời về Bác, mà còn là nơi giáo dục lòng yêu nước, lan tỏa tinh thần học tập theo đạo đức, lối sống, phong cách của "vị cha già dân tộc" cho thế hệ hôm nay.
|
Ông Nhung đã có hơn 40 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ
|
Nói về nguồn gốc của căn phòng đặc biệt này, ông Nhung kể, năm 1969, ông về thăm quê ngoại ở xã Xuân Hòa (H.Kế Sách, Sóc Trăng) và ngủ lại đó. Giữa đêm, chợt thức giấc thì ông nghe tiếng khóc sụt sùi tiếc thương của ngoại. Khi đó, ngoại ông cầm trên tay tấm ảnh chân dung và nói "Bác vừa đi xa". Lúc này, chiến tranh ở miền Nam rất ác liệt, đạn bom rầm rú đáng sợ. Vì lý do nào đó, ngoại không nói rõ cho ông biết Bác là ai, là người thế nào. Nhưng ông Nhung nghĩ Bác hẳn là một người được kính yêu lắm nên ngoại mới khóc như vậy.
Đến khi đất nước thống nhất, ông Nhung có dịp nghe kể nhiều hơn những mẫu chuyện về phong cách sống giản dị và cống hiến vĩ đại của Bác. Đặc biệt, có lần bộ đội hành quân về địa phương, ông bắt gặp một anh cũng giữ bức ảnh chân dung tương tự như bức ảnh của ngoại năm xưa. Qua lời kể của các anh, những câu chuyện xúc động, tự hào về hành trình tìm đường cứu nước gian nan của Bác đã khiến ông Nhung vô cùng ngưỡng mộ, biết ơn.
|
Phòng trưng bày hiện có hơn 1.500 tư liệu ảnh, sách, báo về Bác Hồ
|
“Từ đó, tôi luôn nghĩ về Bác, luôn dành cho Bác một tình cảm sâu nặng. Chính điều này thôi thúc tôi tìm kiếm, sưu tầm tư liệu về Bác từ năm 1977 đến nay. Tôi muốn những đứa con của mình và những đứa trẻ khác sau này biết nhiều hơn về Bác. Một người đã có nhiều công lao để Tổ quốc được độc lập, ấm no, hạnh phúc”, ông Nhung bộc bạch.
Đến bộ sưu tập khổng lồ, quý giá
Đến nay, ông Nhung đã sưu tầm được hơn 1.500 bức ảnh về Bác qua nhiều giai đoạn: thiếu thời, thanh niên, tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, tham gia cách mạng trong nước, làm Chủ tịch nước và đến khi Bác yên nghỉ trong lòng yêu thương của dân tộc. Trong đó, có nhiều tư liệu đã nhuốm màu thời gian, điển hình như: Bác làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951, Bác vui chơi với thiếu nhi năm 1955, Bác thăm đồng bào Tây Bắc 1959, Bác tưới cây vú sữa miền Nam...
|
Người dân, học sinh thường đến phòng trưng bày để học tập, dâng hương
|
Sưu tầm được những gì, ông Nhung tiến hành sắp xếp, phân loại theo một trình tự, chủ đề hợp lý thống nhất. Giờ đây, kho tư liệu về Bác đã rất đa dạng, chẳng hạn: chân dung, kỷ vật, quê hương, gia đình, tác phẩm đăng báo của Bác; Bác với thiếu nhi, với nông dân, với bộ đội, với miền Nam, với bạn bè quốc tế…
Điều bất ngờ là với số lượng tư liệu "khủng" về Bác như thế nhưng bức ảnh nào ông Nhung cũng nhớ rõ sự kiện, thời điểm ra đời, thậm chí các nhân vật xung quanh Bác. Đặc biệt, ông còn am hiểu nhiều mẫu chuyện lịch sử, vần thơ, bài nhạc có liên quan để lồng ghép vào màn thuyết trình thêm sinh động, khiến người nghe bị lôi cuốn, hấp dẫn.
|
Ông Nhung xem mỗi tư liệu thu thập được như là báu vật
|
Theo ông Nhung, sưu tầm tư liệu về Bác sau ngày giải phóng, dù có đam mê và quyết tâm nhưng ông gặp rất nhiều khó khăn, do khi đó việc đi lại còn cách trở và internet chưa có. Vợ chồng ông trang trải chi phí chỉ nhờ vào quán ăn nhỏ và còn nuôi 5 người con ăn học. Dẫu vậy, sau mỗi buổi mưu sinh, ông lại đi thăm dò khắp nơi để tìm kiếm, sưu tầm tư liệu về Bác Hồ cho thỏa niềm đam mê.
“Ngoài đi tìm hỏi ở các nhà dân, tôi còn tới các cơ quan như trường học, bưu điện, báo, đài để xin tài liệu cũ, rồi về rà soát lại. Lúc đầu không ai cho vì nghĩ tôi xin để bán kiếm tiền. Nhờ kiên trì giải thích ý tưởng, rồi mọi người cũng thông cảm, ủng hộ. Giờ đây có người gặp những tư liệu về Bác Hồ là cất giữ để gửi tặng tôi. Những tư liệu không xin hoặc mua được, tôi mượn photo hoặc thuê họa sĩ vẽ lại”, ông Nhung nói.
|
Vì diện tích căn phòng nhỏ, vài tháng ông Nhung thay ảnh trưng bày mới một lần
|
Sau khi có vốn tư liệu tương đối đầy đặn, phòng trưng bày ảnh Bác của ông Nhung trở thành điểm hội tụ, gặp gỡ của người dân, học sinh đến học tập, dâng hương. Nhiều người ngoài tỉnh biết việc làm ý nghĩa đã viết thư thăm hỏi, động viên, trao đổi tư liệu. Ông Nhung cho biết, đã từng có ‘nhân chứng lịch sử’ tìm đến phòng trưng bày. Họ vô cùng xúc động khi nhớ về những năm tháng không thể quên qua những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian cùng với Bác.
“Tôi rất vui vì những tư liệu này đã góp phần nào đó giúp lan tỏa hình ảnh đẹp trong đời thường, lao động và chiến đấu của Bác Hồ đến nhiều người, đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Mong rằng qua đó, mỗi người sẽ cố gắng rèn luyện, phấn đấu noi theo tấm gương sáng của Bác vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở thời bình”, ông Nhung trải lòng.
Theo Thanh Niên