Tượng nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trong khám thờ ở hậu cung Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).

 

Bà Nguyễn Thị Duệ hay Nguyễn Thị Du (có tài liệu gọi bà tên Nguyễn Thị Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền), sinh năm 1574 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương.

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa, chưa đầy 4 tuổi đã biết viết văn, làm thơ. Thời mới lớn, ở trong vùng có một cậu ấm thường xuyên đến trêu ghẹo, Nguyễn Thị Duệ đã đọc châm hai câu thơ: “Xá chi vàng đá hỗn hào/Thoảng đem cánh phượng bay cao thạch thành”. Lời thơ đanh mà sâu cay khiến cậu ấm nghe xong đã phải nhanh chóng đánh bài chuồn, không dám lai vãng đến ghẹo bà nữa. Nhiều người người ngưỡng mộ tài sắc, đến xin hỏi cưới nhưng bà không đồng ý.

Dù hiếu học nhưng sống dưới thời phong kiến, bà phải giả nam để có thể theo nghiệp đèn sách.

Cuối thế kỷ XVI  - đầu thế kỷ XVII, đất nước ta bước vào thời kỳ tranh đấu của nhà Trịnh – Mạc. Cuối năm 1592, Trịnh Tùng đưa quân tiến đánh vùng đất Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn - quê hương của Nguyễn Thị Duệ. Để tìm đường sống, những người dân trong vùng ồ ạt kéo theo nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình tìm lên Cao Bằng thời điểm này.

Ở đây, bà cải trang thành nam giới lấy tên là Du theo học một ông thầy họ Cao. Năm Giáp Ngọ 1594, nhà Mạc mở khoa thi Hội, bà cùng với thầy dạy học dự thi. Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu trong khi thầy dạy chỉ đứng á khoa.

Nét mảnh mai của thiếu nữ dù được giấu kỹ trong dáng vẻ nam giới vẫn không qua mắt được vua Mạc Kính Cung. Trong buổi tiệc chiêu đãi các tân khoa, Nguyễn Thị Duệ đã bị vạch trần thân phận nữ nhưng nàng không bị khép tội. Trái lại, bà được vua mời vào cung để dạy các phi tần. Một thời gian sau, Mạc Kính Cung lập bà làm phi, ban hiệu Tinh Phi. Vì thế, dân gian còn gọi bà là bà chúa Sao.

Năm 1625, quân Trịnh tiến lên Cao Bằng đánh nhà Mạc đã bắt được bà chúa Sao. Trước quân địch, bà vẫn hiên ngang rút gươm quát bảo bọn lính phải đem giải mình đến gặp chúa Trịnh nếu không bà sẽ tự tử. Đến gặp vua Lê, chúa Trịnh, nhờ tài đối đáp xuất sắc nên bà thoát tử tội. Mến mộ tài năng, khí độ hiếm có của bà, chúa Trịnh giao cho bà trọng trách trông coi việc học của phủ chúa và rất trọng dụng. Sau này, bà được phong là Nghi ái quan.

Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) - nơi bà Nguyễn Thị Duệ được thờ cùng Khổng Tử.

 

Thời làm quan, bà Nguyễn Thị Duệ rất coi trọng việc học và bồi dưỡng nhân tài. Bà đã xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng cho canh tác lấy hoa lợi, giúp đỡ học trò nghèo chăm chỉ.

Tương truyền, để thúc đẩy phong trào học tập địa phương, cách một khoảng thời gian, bà cùng các bậc túc nho đến giảng dạy tại các khu vực ấn định rồi soạn đề, tổ chức thi. Bài thi được gửi lên cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Cách làm này đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao giáo dục tại các vùng xa kinh kỳ.

Bà Nguyễn Thị Duệ sống dưới tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng tài năng của bà khiến mọi người không thể không nể phục. Vì thế, trong phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội thời đó, bài thi đều qua tay bà chấm.

Khi cao tuổi, bà cáo quan về quê, mở am Đào Hoa, tiếp tục đọc sách và chỉ bảo các sĩ tử trong làng. Nhờ những đóng góp quan trọng cho giáo dục, thi cử, bà được triều đình hậu đãi. Tuy nhiên, nữ tiến sĩ vẫn sống cần kiệm, dành phần lớn bổng lộc để giúp đỡ người dân, đặc biệt các nho sĩ nghèo. Năm 80 tuổi, bà qua đời.

Sau khi bà mất, người dân làng Kiệt Đặc lập đền thờ bà chúa Sao. Bà còn được thờ tại Văn miếu Mao Điền cùng nhiều danh nhân, học sĩ danh tiếng khác.

Phụ nữ Việt Nam