|
|
Nữ thuyền viên Lê Nguyễn Bảo Thư |
Số lượng nữ thuyền viên tăng 45,8%
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công hội Hàng hải quốc tế và Baltic (BIMCO) và Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS), năm 2021 ước tính có 24.059 nữ thuyền viên trên toàn thế giới, tăng 45,8% so với báo cáo năm 2015. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong quan niệm cũ, nghề đi biển vốn chỉ dành cho nam giới. Đây là ngành lao động đặc thù, xa gia đình dài ngày, làm việc trong môi trường khắc nghiệt và chịu nhiều sóng gió, vất vả.
Theo Viện Hàng hải (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM), ở đội tàu châu Âu, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm việc trên tàu chiếm khoảng 5%, trong khi ở Đông Nam Á, tỷ lệ này nhỏ hơn 0,5%.
Ngay cả ở Philippines, quốc gia cung cấp thuyền viên nhiều nhất cho đội tàu thương mại thế giới, tỷ lệ phụ nữ làm việc trên tàu cũng chỉ là 225 người/230.000 thuyền viên.
Sinh viên Bùi Thị Thu Thảo (Viện Hàng hải, Đại học GTVT TP.HCM) cho rằng, một số nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ làm việc trên tàu thấp là do các định kiến xã hội cho rằng nghề đi biển là của đàn ông và do trên tàu thiếu các trang thiết bị phù hợp với đặc điểm riêng của phụ nữ. Phần lớn các công ty tàu biển e dè khi quyết định thuê phụ nữ làm thuyền viên.
Lê Nguyễn Bảo Thư (nữ thuyền viên Việt Nam từng làm việc trên tàu của Tập đoàn Stolt Tankers, Thụy Điển) chia sẻ, bản thân bị áp lực với câu “Nữ thuyền viên đầu tiên ở Việt Nam”. Tuy nhiên, đó cũng chính là động lực để Thư phấn đấu và vượt qua khoảng thời gian khó khăn ban đầu.
“Với sự nỗ lực của mình, em mong sẽ có thể chung tay xóa bỏ định kiến về nghề đi biển đối với phụ nữ trong xã hội. Bởi, những định kiến tiêu cực sẽ là cản trở tâm lý lớn nhất đối với các bạn nữ trong quá trình nhận thức và đến với nghề thuyền viên”, nữ thuyền viên sinh năm 1998 nói.
Cơ hội rộng mở cho lao động nữ ngành hàng hải
Cuộc cách mạng về công nghệ trong ngành vận tải đã khiến cho ngành này bị thiếu thuyền viên. Đồng thời, cuộc cách mạng này cũng đem lại cơ hội cho phụ nữ làm việc trên biển. Tuyển dụng phụ nữ làm thuyền viên là một giải pháp khả thi cho việc thiếu nhân lực đi biển trong ngành hàng hải.
Mong muốn rất lớn của ngành hàng hải là có thêm lao động nữ để đạt được một lực lượng lao động đa dạng, tránh bị thiếu hụt nghiêm trọng trong tổng nguồn cung sĩ quan vào năm 2026 (dự báo là ngành này sẽ cần thêm 89.510 sĩ quan).
Trong hơn 30 năm qua, IMO có một cam kết mạnh mẽ trong việc giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bằng “Chương trình xây dựng năng lực và giới” và “Chương trình phụ nữ trong ngành hàng hải” và đang tiếp tục hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ trong các công việc cả ở trên bờ và đi biển. Năm 2021, Tổ chức này đã đề xuất chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ Hàng hải, đã được các nước thành viên chấp thuận và năm 2022 là năm đầu tiên thế giới kỷ niệm ngày này.
Trong thư ngỏ gửi toàn thể nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành hàng hải Việt Nam nhân ngày Quốc tế Phụ nữ Hàng hải (18/5), ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam viết: “Đây là dịp đặc biệt nhằm tôn vinh, khẳng định và nâng cao vị thế của lực lượng lao động nữ trong ngành hàng hải; thúc đẩy công tác tuyển dụng và duy trì việc làm bền vững đối với nữ giới; củng cố cam kết của IMO đối với mục tiêu bình đẳng giới trong ngành hàng hải và hỗ trợ giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính trong ngành hiện nay”.
Nhắc lại sự kiện Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức trao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho 3 nữ thuyền viên Hứa Nguyễn Hoài Thương, Phan Thị Như Quỳnh và Nguyễn Thị Tường Vi, ông Hoàng Hồng Giang cũng đánh giá cao các cơ sở đào tạo, các chủ tàu đã dành nhiều sự quan tâm đến lực lượng lao động nữ trong quá trình tuyển dụng, đào tạo. Đặc biệt đã có những giải pháp phù hợp về chế độ, điều kiện làm việc đặc thù khi làm việc trên tàu.
Cũng theo ông Hoàng Hồng Giang, đánh giá của Tổ chức Hàng hải Quốc tế cho thấy, nhu cầu thuyền viên của đội thương thuyền thế giới hiện rất lớn, có thể lên tới hàng triệu lao động trong tương lai gần. Ngay tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trên tàu biển đã, đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực nóng khi thời gian gần đây, các chủ tàu thường xuyên phản ánh sự khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực đặc thù này.
“Việc Cục Hàng hải công nhận và trao giấy chứng nhận cho các thuyền viên nữ, ngoài việc khẳng định với chương trình đào tạo chuyên ngành hàng hải hiện nay tại Việt Nam, lao động nữ hoàn toàn đủ sức hoạt động trên tàu viễn dương, tàu vận tải, thực hiện được cam kết “Trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng hàng hải” của IMO năm 2019”, ông Giang cho hay.
Trong khi đó, theo ông Phạm Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP.HCM, để hỗ trợ và phát triển thuyền viên nữ, Cục Hàng hải VN cần xem xét phối hợp với các chủ tàu, các trường đào tạo tổ chức các hội thảo chuyên đề về những vấn đề liên quan đến phụ nữ trong ngành hàng hải tại các địa phương có tiềm năng thu hút nguồn nhân lực thuyền viên trong nước. Đẩy mạnh công tác tôn vinh đối với phụ nữ tham gia công tác trong lĩnh vực hàng hải để đóng góp phong trào phát triển ngành hàng hải.
Đồng thời, tổ chức làm việc trực tiếp với công ty hiện đang sử dụng thuyền viên nữ của Việt Nam để nắm bắt các khó khăn vướng mắc, cũng như các đề xuất và giải pháp của doanh nghiệp khi sử dụng thuyền viên nữ làm việc trên tàu biển thuộc công ty của doanh nghiệp.
Tại TPL Shipping, một trong những doanh nghiệp tiên phong tiếp nhận và tạo cơ hội việc làm cho thuyền viên nữ, những lao động nữ làm việc ở văn phòng hay trên đội tàu được tạo điều kiện tối đa.
Chẳng hạn, lao động nữ được đảm bảo nơi làm việc có đầy đủ điều kiện phù hợp; được tư vấn kỹ lưỡng về lựa chọn lộ trình nghề nghiệp phù hợp với bản thân; được tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện chuyên môn, kỹ năng mềm để có thể phát triển bản thân; được ưu tiên lựa chọn vị trí làm việc thuận lợi...
“Đặc tính ôn hòa, tỉ mỉ, tư duy sắc sảo, nhạy bén, khả năng phán đoán và đánh giá sâu sắc…là những ưu điểm có thể phát huy ở những thuyền viên nữ”, đại diện TPL Shipping cho hay.
Theo Tạp chí giao thông