Khi một đứa trẻ đọc hiểu tốt, con sẽ có khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin nhanh hơn những đứa trẻ khác. Điều đó cũng có nghĩa là con sẽ học trên lớp tốt hơn, say mê đọc sách và khám phá tri thức hơn. Bởi vậy, phát triển kỹ năng đọc hiểu cho con là điều mà bố mẹ nên làm càng sớm càng tốt.

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn 11 phương pháp đơn giản để bố mẹ phát triển kỹ năng đọc hiểu tự nhiên của trẻ hiệu quả nhất.

1. Đọc sách to cho con nghe

Ngay cả khi con đã biết tự đọc sách thì cảm giác được người lớn đọc cho nghe đối với trẻ vẫn là cảm giác thích thú và háo hức nhất. Bởi vậy, đừng từ bỏ thói quen đọc to những cuốn sách mà con yêu thích cho con nghe mỗi ngày. Điều này giúp củng cố khả năng phát âm, nhịp điệu và khả năng ghi nhớ thông tin của con.

2. Có một không gian đọc của riêng con

Hãy cho con một nơi thuận tiện nhất cho việc đọc, nơi đó chỉ chứa những cuốn sách của con với sự thoải mái, riêng tư nhất. Khi có một không gian đọc riêng, con sẽ thích được khám phá và tự tìm ra cách đọc nhanh nhất đối với mình.

3. Giúp con phát âm những từ khó

Ngay cả người lớn cũng đôi khi gặp phải những từ ngữ khó hay những đoạn văn khó hiểu. Trẻ nhỏ cũng vậy. Hãy luôn ở bên để sẵn sàng giúp đỡ khi con cần, dạy con cách đọc đúng một từ khó, giải nghĩa và cùng con tìm kiếm từ đó trong những đoạn văn tiếp theo là cách để con ghi nhớ dễ dàng hơn.

4. Làm giàu vốn từ cho con bằng khả năng quan sát

Trẻ nhỏ ghi nhớ hình ảnh nhanh hơn từ ngữ, bởi vậy nếu như gắn hình ảnh đó với một từ ngữ và được lặp lại nhiều lần, con sẽ ghi nhớ được nhiều từ hơn, hiểu rõ về từ ngữ đó hơn. Bố mẹ cũng có thể in các từ thành những thẻ học từ thật to, và cho con làm quen mỗi ngày. Đây cũng là một trong những cách học của phương pháp Glenn Doman.

5. Đọc luân phiên với nhau

Khi bố mẹ và con đọc sách cùng nhau, hãy để việc đọc được luân phiên. Cùng nhau chơi trò chơi đóng vai, mỗi người sẽ có một lời thoại để đọc. Hoặc nếu như là một câu chuyện kể dài, bố mẹ sẽ đọc một câu, sau đó đến lượt con và lại lặp lại. Việc này giúp con tự tin hơn khi đọc, cũng sẽ củng cố kĩ năng đọc vì con dễ dàng bắt chước từ bố mẹ cách luyến láy, nhấn nhá và cách sử dụng âm điệu của mình.

Để con được tự chọn những cuốn sách mình yêu thích và đọc chúng mỗi ngày.

 

 6. Đọc mẫu cho con nghe

Với những trẻ tự ti khi đọc, hãy khuyến khích con bằng việc đọc mẫu cho con nghe để con lặp lại theo. Việc này sẽ kích thích khả năng đọc của trẻ, giúp con tự tin hơn khi đọc theo bố mẹ. Khi hình thành được khả năng đọc của con, bố mẹ có thể đọc nhưng bỏ bớt từ để con đọc từ còn thiếu điền vào đó. Trò chơi này giúp luyện khả năng ghi nhớ từ vựng và phát triển kỹ năng đọc cho con tốt hơn.

7. Chọn đa dạng các loại sách cho con

Không có gì tuyệt vời và phù hợp với trẻ hơn những cuốn sách thiếu nhi. Chọn đa dạng những cuốn sách thiếu nhi theo các chủ đề khác nhau sẽ giúp con tăng khả năng đọc hiểu của mình nhanh đến mức đáng kinh ngạc. Bố mẹ đừng lo lắng khi con chỉ xem tranh mà không chịu đọc, hãy thử đặt vài câu hỏi và giúp con tìm câu trả lời. Chỉ cho con những từ ngữ trong câu trả lời đó, việc này sẽ kích thích khả năng tìm tòi từ ngữ và đọc hiểu của con.

8. Cho con nghe audio book

Đa dạng các cách tiếp cận từ ngữ bằng việc cho con nghe audio cũng là một cách hiệu quả để con phát triển khả năng đọc hiểu. Khi con được đọc những câu chuyện bằng mắt qua sách, con tiếp tục khám phá câu chuyện đó bằng tai qua audio và sẽ kích thích hơn nữa khi con được kể lại câu chuyện đó từ chính vốn từ vựng mà con thu thập được trong quá trình nhìn - nghe và đọc.

Chọn đa dạng các loại sách để giúp con thu thập được nhiều từ vựng ở đa dạng chủ đề.

9. Duy trì giờ đọc với con mỗi ngày

Mọi kỹ năng đều cần được thực hành và duy trì thường xuyên. Bố mẹ có thể đặt một khung giờ trong ngày lúc mà con cảm thấy thoải mái nhất để chọn làm giờ đọc mỗi ngày. Hãy cho con chọn cuốn sách con muốn, luân phiên các trò chơi đóng vai, đọc lời thoại, tìm từ vựng hay chỉ đơn giản là đọc cho nhau nghe. Điều này sẽ khiến kỹ năng đọc của con được cải thiện từng ngày.

10. Kiểm tra những vấn đề đọc của con

Nếu như đã áp dụng mọi biện pháp mà con vẫn khó khăn với việc đọc hiểu, bố mẹ có thể kiểm tra xem con có mắc phải chứng khó đọc hay một vấn đề tiềm ẩn trong kỹ năng đọc hiểu của con. Hãy nhờ đến ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ khi thực hiện bài kiểm tra này với con.

11. Giữ liên lạc với giáo viên của con

Việc giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên là yếu tố chính cho sự thành công của học sinh, đặc biệt là sự phát triển của kỹ năng đọc hiểu. Giáo viên của con sẽ giúp bố mẹ biết con đang đọc ở cấp độ nào và có thể đưa ra gợi ý về những cuốn sách để thu hút con ở nhà.

Mây