Chị A.J.Kay, 41 tuổi, sống tại bang Arizona, Mỹ, chia sẻ trên trang web nuôi dạy con cái Mamamia cách đồng hành cùng con gái 19 tuổi.

Con gái đầu lòng của tôi, Jane, 19 tuổi, là trẻ có năng khiếu. Trong bài kiểm tra đánh giá năng lực tại trường mẫu giáo, Jane là một trong hai trẻ 5 tuổi ở thị trấn của chúng tôi nhận kết quả này.

Ban đầu, tôi rất phấn khởi. Nuôi dạy con tài năng là khái niệm hoàn toàn mới mẻ với gia đình tôi. Trước đây, tôi đã nhận thấy con thông minh nhưng vì Jane là con cả, tôi không biết nên so sánh trình độ của con với ai. Bước vào phòng họp với giáo viên, tôi tràn trề cảm giác như vừa đạt thành tích.

Tuy nhiên, cô giáo Monday không hào hứng như tôi tưởng tượng. Cô ấy tự hào và vui mừng trước kết quả của Jane, nhưng lo lắng. Đầu tiên, cô giải thích để xác định có năng khiếu, trẻ phải đạt ít nhất 95 điểm một trong hai bài kiểm tra năng lực. Jane đạt 99 điểm ở cả hai bài nên được đánh giá "sở hữu năng khiếu vượt trội". Nhưng đây có thể là kết quả khó khăn cho gia đình tôi.

Cô Monday nói thêm, Jane không có nhiều bạn ở trường. Cháu khá kín tiếng và ít nói. Những cảm xúc tiêu cực có thể khiến cháu xấu hổ, buồn bã trong thời gian dài. Vào giờ ra chơi, bạn bè chạy nhảy, nô đùa trong khi con gái tôi chỉ ngồi một chỗ, lẳng lặng quan sát.

Theo cô Monday, Jane không chỉ thông minh mà còn rất nhạy cảm. Khả năng ngôn ngữ, vốn từ của cháu phát triển rất nhanh. Bộ não cháu hấp thụ toàn bộ thông tin từ thế giới bên ngoài. Điều này có thể khiến Jane cảm thấy choáng ngợp hoặc sợ hãi.

                                  Chị AJ Kay là nhà văn tự do, sống tại bang Arizona, Mỹ. Ảnh: AJ Kay.

Đi từ phấn khích đến buồn bã, tôi tự hỏi làm thế nào để giúp đỡ con gái mình. Dường như Jane đang ở một thế giới khác với bạn bè đồng trang lứa, thậm chí khác với các thành viên trong gia đình.

Khi biết kết quả, tôi mới hiểu ra tại sao trường mầm non lại là cơn ác mộng với Jane. Giáo viên bất ngờ vì cháu học bảng chữ cái trong vài ngày, trong khi những học sinh khác mất hàng tháng. Giáo viên lúng túng khi Jane từ chối hát cùng các bạn mà chỉ ngồi một góc đọc sách. Vì vậy, giáo viên đã nhắc nhở Jane bằng thái độ tiêu cực khiến con gái tôi nhầm tưởng cháu bất bình thường.

Lên lớp 1, Jane bỏ xa bạn bè trong lớp. Cháu thất vọng vì phải học đi học lại một chủ đề đã nằm lòng. Tôi không muốn thúc ép con cái nhưng để Jane hạnh phúc, tôi quyết định xin phép nhà trường cho cháu lên lớp. Chính quyền không đồng ý. Họ giải thích rằng từng gặp một số trường hợp như Jane và những đứa trẻ này gặp khó khăn về mặt xã hội khi học vượt.

Họ tưởng tôi xin cho con học vượt cấp để cháu ngày càng tỏa sáng. Nhưng kỳ thực, tôi chỉ muốn con được vui vẻ, không còn ủ rũ khi vào lớp học. Mọi chuyện giậm chân tại chỗ đến năm Jane học lớp 3. Chính giáo viên chủ nhiệm đã đứng ra cam kết với hội đồng trường và chính quyền địa phương để con gái tôi được phép học thẳng lên lớp 4. Ban đầu, Jane rất hào hứng nhưng khi đã học đủ, cháu lại tiếp tục chán ghét lớp học.

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi Jane vào trường trung học. Cháu luôn đạt thành tích đứng đầu lớp. Thời gian rảnh, cháu đăng ký tất cả khóa học nâng cao trong khu vực. Nhưng sức khỏe thể chất, tinh thần của cháu ngày càng kém. Nhiều hôm cháu phải nghỉ học vì suy nhược cơ thể.

Jane nghĩ mình bị rối loạn thần kinh. Hai mẹ con tôi cùng tập yoga, tập thiền để giúp cháu vượt qua. Khi sức khỏe Jane được cải thiện, tôi quyết định cho con nghỉ học tại trường. Thời điểm đó, cháu 12 tuổi.

Hiện nay, Jane đã 19 tuổi, gần hoàn tất chương trình tại một trường đại học địa phương và dự định học văn bằng hai. Quan trọng là Jane cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ít người biết rằng chúng tôi đã mất 12 năm vật lộn với thử thách để cháu có được ngày hôm nay.

Tôi chia sẻ câu chuyện này bởi biết rằng ngoài kia, không ít đứa trẻ có tài năng như Jane nhưng bị hạn chế phát huy khả năng hay bị cô lập vì khác biệt. Những đứa trẻ ấy có thể được mọi người xung quanh ngợi ca, nhưng không ai giúp các em vượt qua những khó khăn đi kèm khi là trẻ tài năng.

Bản thân tôi vẫn học hỏi từng ngày phương pháp hỗ trợ và đồng hành cùng con. Nhưng tôi biết đã làm đúng một điều, đó là cho phép con được là chính mình và được phát triển theo đúng trình độ của mình. Không thể làm hộ con nên tôi để Jane tự trải nghiệm và khám phá cuộc sống bằng tài năng vốn có. Tôi chỉ muốn nói với con rằng: "Hãy bay đi. Mẹ sẽ luôn ở đây và nâng đỡ khi con ngã".

Theovnexpress