Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người; trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%).

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại; trong đó, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt…

Mới đây, vụ việc bé gái 2 tuổi tại Hà Nội bị bắt cóc và sát hại thương tâm đã lần nữa cảnh báo tất cả chúng ta. Các nhà giáo dục, gia đình và cộng đồng cần nghiêm túc và nỗ lực tuyên truyền, rèn luyện các kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ và cả người lớn nhằm tăng khả năng phòng vệ trước nạn bắt cóc.

 MỘT SỐ BIỆN PHÁP

Đối với người lớn (giáo viên, phụ huynh):

Cần hướng dẫn trẻ cách phòng chống bắt cóc càng sớm càng tốt. Trong trường hợp trẻ bị bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh để tìm cách xử trí.

Thu thập càng đầy đủ thông tin càng rõ ràng phương hướng hành động: Trẻ bị bắt cóc ở đâu? Bao lâu rồi? Trước đó trẻ đã ở với những ai? Trẻ có thường xuyên được chỉ dạy cách xử lý khi bị bắt cóc hoặc gặp tình huống nguy hiểm hay chưa? Thông tin được cung cấp về vụ bắt cóc từ ai, có đáng tin cậy không?

Khi xác nhận trẻ có khả năng lớn/chắc chắn bị bắt cóc, hãy trình báo cơ quan chức năng/công an địa phương gần nhất. Có thể nhờ đến sự giúp đỡ của những người bình tĩnh hơn, có kỹ năng tốt hơn và sáng suốt hơn. Tránh loan truyền thông tin chưa rõ ràng và nhờ cậy những người “chưa biết chắc” họ có giúp được hay không. Đôi khi nhờ nhầm người chỉ làm mọi việc rối ren hoặc bế tắc hơn.

Gia đình và các bên liên quan cần có tiếng nói chung, thống nhất trong phương án, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng để hành động tìm kiếm, cứu nạn sớm có kết quả.

Cần rèn luyện các kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ và cả người lớn nhằm tăng khả năng phòng vệ trước nạn bắt cóc
Cần rèn luyện các kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ và cả người lớn nhằm tăng khả năng phòng vệ trước nạn bắt cóc

 

 Đối với trẻ:

Cần được gia đình, nhà trường trang bị kiến thức và luyện tập các kỹ năng phòng chống bắt cóc, xâm hại, thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp:

1. Kêu cứu đúng địa chỉ: Trẻ phải nhờ trợ giúp từ người lớn ở gần mình nhất, biết gọi đúng tên, màu áo, kiểu tóc nhận diện; nhớ số điện thoại/lưu lại số điện thoại trong sổ tay và gọi điện đúng người cần giúp (ba, mẹ, thầy cô, công an…).

2. Bỏ chạy đến nơi an toàn (nơi đông người, trường học, nhà ở, nhà dân, siêu thị, quán ăn…) để ẩn náu hoặc kêu cứu.

3. Khi rơi vào tình huống cấp bách, bị kẻ xấu khống chế hoặc tấn công, biết phản ứng/phòng vệ và tấn công ngược lại vào các điểm yếu của đối tượng để dành được thế chủ động và thoát thân càng nhanh, càng tốt.

4. Không ra ngoài một mình và không tin/nghe lời người lạ hay những người mà trẻ cảm thấy nghi ngờ, thiếu an toàn, tin tưởng. Không nhận quà bánh khi không có sự đồng ý của người lớn, không giữ “bí mật về kẻ xấu” với thầy cô, gia đình…

5. Kể lại những gì khiến con lo lắng, sợ hãi, khó chịu về lời nói, hành động của ai đó. Phải nói với ba mẹ khi bị tấn công, dụ dỗ hoặc hăm dọa…

Đối với nhà trường:

Ngoài các tiết học chính khóa, giáo dục kỹ năng sống, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn/hỗ trợ tâm lý học đường nhằm kịp thời hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh các phương pháp phòng chống bắt cóc.

Không dừng ở việc triển khai lý thuyết. Các tình huống giả định sẽ giúp trẻ làm quen và vận dụng kiến thức được học từng bước một, giúp trẻ ngày càng phản xạ nhanh hơn, hiệu quả hơn trước các tình huống nguy cơ.

Lực lượng hỗ trợ trẻ học tập “kỹ năng phòng vệ/phòng chống bắt cóc” là toàn thể đội ngũ nhà trường; tuy nhiên, trọng tâm phải là các giáo viên/chuyên viên có chuyên môn sư phạm, tâm lý, giáo dục…

Thành lập tổ/phòng tư vấn học đường. Các chuyên viên tâm lý/giáo viên hỗ trợ tâm lý học đường sẽ đảm nhiệm tốt nhất vai trò này. Các công việc bao gồm: tư vấn tâm lý khi trẻ cần, báo cáo chuyên đề kỹ năng, giảng dạy hoặc tập huấn kiến thức chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho toàn thể nhà trường, lẫn phụ huynh.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.Ai
Ảnh mang tính minh họa - Beo.Ai

 

Đối với cộng đồng/tổ chức xã hội:

Cơ quan chức năng, truyền thông - báo chí cần tích cực hỗ trợ thông tin chính xác, kịp thời về các thống kê, số liệu và trường hợp cụ thể trẻ bị bắt cóc, tấn công; cũng như đưa ra các khuyến cáo cần thiết từ nhà chuyên môn để người dân cảnh giác.

Các tổ chức phụ nữ, trẻ em, các chuyên gia tâm lý, giáo dục… hỗ trợ phương pháp giúp phụ huynh ứng phó với nạn bắt cóc, giúp kết nối hoặc xử lý vấn đề trước, trong và sau vụ bắt cóc nhằm giảm thiểu mất mát/tổn thương tâm lý cho các gia đình nạn nhân. 

Theo phụ nữ TPHCM