Khi trở thành người lớn, nhiều người trong số chúng ta nhận ra mình còn thiếu một số kỹ năng nhất định và ước gì cha mẹ đã dạy chúng ta khi còn nhỏ như sự độc lập và tự tin. Những người khác ước họ biết nhiều hơn về lập kế hoạch và xây dựng sự nghiệp. Và có những điều thực sự giá trị đối với trẻ em để chuẩn bị cho tương lai. Dưới đây là một số kỹ năng mà cha mẹ có thể dạy con mình khi chúng vẫn còn nhỏ.
1. Tự vệ
Biết cách tự vệ là một kỹ năng tối quan trọng mà người lớn lẫn trẻ em đều cần. Ví dụ, khi đối mặt với những kẻ bắt nạt, học cách tự vệ có thể mang lại cho con bạn sự tự tin hơn và khiến chúng cảm thấy độc lập, biết rằng chúng có thể tự tìm cách thoát khỏi tình huống khó khăn mà không cần nhờ người lớn giúp đỡ.
Khả năng tự vệ có thể chẳng cần đến thể chất. Trẻ em có thể dùng lời nói để làm giảm xung đột, từ đó không dẫn đến đánh nhau. Điều quan trọng là dạy con bạn quyết đoán bằng lời nói và không cho kẻ bắt nạt phản ứng mà chúng mong đợi, hoặc chỉ đơn giản là bỏ đi.
Nếu xung đột biến thành trận chiến, hãy bảo con bạn đấm không phải là ý kiến hay nhất. Thay vào đó, tốt hơn là nên tự vệ bằng một số tư thế, chẳng hạn như vòng tay quanh kẻ tấn công, giống đang đấu vật. Điều này sẽ khiến kẻ bắt nạt khó làm tổn hại đến trẻ. Hoặc bạn cho đứa trẻ tham gia một chương trình đào tạo về võ thuật hoặc chống bắt nạt để trẻ biết tự bảo vệ mình khi không có người lớn bên cạnh.
2. Sơ cứu
Biết cách sơ cứu có thể cứu sống một ai đó theo đúng nghĩa đen. Bạn cũng cần biết cách điều trị các vết thương nhỏ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách xem qua bộ sơ cứu, và giải thích cho con mọi vật dụng có thể được sử dụng để làm gì. Bạn thậm chí có thể giả vờ bị thương và nhờ con giúp đỡ. Một số kỹ năng sơ cứu quan trọng nhất bao gồm: ấn vào vết thương để cầm máu và biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo, điều mà con có thể thực hành trên ma-nơ-canh.
3. Nấu ăn
Lý do trẻ em thường chọn đồ ăn không lành mạnh, như khoai tây chiên hay đồ ngọt, có thể là bởi chúng chưa từng thử nấu các món đó. Hoặc trẻ đã quen với việc bố mẹ luôn chuẩn bị bữa ăn cho chúng, vì vậy khi chúng không có thời gian, lựa chọn của trẻ là sẽ ăn đồ ăn nhanh và ăn vặt. Do đó việc bố mẹ dạy trẻ nấu ăn sẽ giúp chúng có nhiều khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn khi lớn lên, biết tự chuẩn bị một bữa ăn bổ dưỡng cho mình.
4. Hành động trong trường hợp khẩn cấp
Một đứa trẻ cần phải chuẩn bị và biết cách hành động trong trường hợp khẩn cấp khi không có người lớn bên cạnh. Và nếu bạn thông báo cho chúng về những gì chúng nên làm, trẻ dễ dàng đối phó hơn với những tình huống căng thẳng khi lớn lên.
Trước hết, hãy dạy trẻ những số điện thoại nên gọi trong trường hợp khẩn cấp. Thứ hai, cho trẻ biết cần nói gì khi ai đó trả lời cuộc gọi của bé, đó là lý do gọi, tên và địa chỉ của bé. Bạn có thể tạo một trò chơi nhập vai và điều đó sẽ giúp trẻ chuẩn bị kỹ càng hơn..
5. Quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian không chỉ hữu ích cho trẻ khi chúng trở thành người lớn mà cả khi chúng còn đi học, giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. Đảm bảo rằng con bạn biết cách xem và đo lường thời gian. Ví dụ, bố mẹ giao cho con một nhiệm vụ và yêu cầu con hoàn thành trong 20 phút. Đặt một chiếc đồng hồ gần đó và khi thời gian trôi qua, hãy thông báo cho trẻ biết trẻ đã dành bao nhiêu thời gian và còn lại bao nhiêu. Điều này sẽ cho phép con bạn hiểu rõ về việc mình cần hoàn thành trong những khoảng thời gian nhất định.
Một điều quan trọng khác khi quản lý thời gian là thiết lập các ưu tiên. Đây là một khái niệm khó hiểu đối với trẻ em, nhưng bạn vẫn có thể dạy chúng sắp xếp thứ tự ưu tiên bằng cách sử dụng các từ như "đầu tiên", "tiếp theo" và "cuối cùng".
Quá trình làm việc cần tạo ra niềm vui cho trẻ. Ví dụ, trẻ có thể có những cuốn lịch với hình in đẹp mắt, và có thể sử dụng bút chì màu để đánh dấu những ngày quan trọng. Viết ra những việc trẻ cần làm vào sổ kế hoạch hàng ngày, như đánh răng hoặc chuẩn bị ba lô đến trường, sau đó yêu cầu trẻ gạch đi khi đã hoàn thành. Để làm cho nó thú vị và bổ ích hơn, bạn có thể thêm các sticker thú vị vào các danh sách việc cần làm đó.
6. Quản lý tiền
Tốt hơn là nên bắt đầu dạy con quản lý tiền trước khi chúng lên 7 tuổi, vì lúc này, thái độ và thói quen về tiền bạc đã được hình thành. Đầu tiên, cho trẻ xem tiền mặt và thẻ tín dụng, giải thích mục đích, công dụng của từng thứ. Sau khi mua thứ gì đó, đặc biệt là bằng thẻ tín dụng, bạn có thể đưa cho họ biên lai để trẻ có thể biết bạn đã chi bao nhiêu tiền.
Sau đó, giải thích rằng tiền không chỉ để chi tiêu, mà còn có thể tiết kiệm. Bạn đưa cho trẻ một con heo đất để trẻ có thể thu tiền và tiết kiệm cho việc gì đó sau này. Điều này sẽ dạy trẻ lập mục tiêu, lập kế hoạch và trì hoãn những ham muốn không cần thiết. Trẻ em cũng cần học về cách kiếm tiền để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền. Ví dụ, bạn có thể để trẻ làm việc nhà và nhờ đó, trẻ có tiền tiêu vặt hàng tuần.
7. Ra quyết định
Cha mẹ muốn những điều tốt nhất cho con mình và do đó, cố gắng kiểm soát cuộc sống của con mình càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, việc luôn quyết định mọi thứ có thể khiến chúng thực sự khó đưa ra quyết định của riêng mình khi trở thành người lớn. Vì vậy, ngay cả khi còn nhỏ, trẻ em phải biết cách đưa ra lựa chọn của riêng mình và hiểu được hậu quả.
Để dạy điều đó, đối với mỗi quyết định, cha mẹ đưa ra 2 sự lựa chọn với ưu và nhược điểm khác nhau để trẻ chọn. Hãy chắc chắn rằng trẻ hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ chọn thứ này hay thứ kia, và nó sẽ ảnh hưởng đến chính trẻ như thế nào.
8. Giao tiếp
Lòng bao dung và sự cảm thông là điều quan trọng để trẻ hòa hợp với mọi người, giúp xây dựng mối quan hệ bền vững, tôn trọng với người khác. Bạn cần phát triển những phẩm chất này ở con, để chúng có thể học cách quan tâm, giúp đỡ người khác khi cần thiết và trẻ sẽ nhận lại được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Theo ngoisao