Cảnh trong phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa - ẢNH: TL

Nhà nước nên có chính sách đặt hàng các nhà làm phim không chỉ chủ yếu là những bộ phim về đề tài chiến tranh mà đa dạng hơn như những bộ phim quảng bá được nhiều thương hiệu ẩm thực của VN

Đạo diễn LƯƠNG ĐÌNH DŨNG


Hấp dẫn món ăn Việt

Trong bộ phim Me and Earl and the Dying Girl của đạo diễn Alfonso Gomez-Rejon đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Sundance (Mỹ) năm 2015, nhân vật nam chính là người đam mê ẩm thực Việt. Với lối diễn đạt hài hước, nhân vật này bày tỏ khi được ăn đồ ăn Việt Nam thoải mái và miễn phí... là lúc sung sướng nhất. Còn trong bộ phim sitcom Mỹ Kenvin can wait của đạo diễn Andy Fickman, nhân vật chính sau khi ăn phở đã không thể tin nổi có món ăn ngon đến “phát điên” như vậy. Phở Việt còn xuất hiện trong một số bộ phim truyền hình Hàn Quốc như Chị đẹp mua cơm cho tôi, Vẻ đẹp tiềm ẩn...

Hơn 10 năm trước, nhà làm phim Hàn Quốc và Việt Nam từng hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình Mùi ngò gai. Đây gần như là bộ phim truyền hình đầu tiên khai thác sâu vào đề tài ẩm thực truyền thống với món phở Việt. Bộ phim xoay quanh Vy và hành trình từ một cô gái trở thành người giúp việc của quán phở, cho đến lúc học kinh doanh và tìm cách đưa thương hiệu phở vượt ra khỏi Việt Nam. Cách đây vài năm, bộ phim Kung Fu Phở của đạo diễn Nguyễn Quốc Duy khai thác đề tài võ thuật và ẩm thực được công chiếu.

Năm ngoái, bộ phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của đạo diễn Phan Đăng Di được phát sóng trên kênh HBO và một số nền tảng chiếu phim trực tuyến ở nhiều quốc gia, khu vực. Bộ phim xoay quanh chàng đầu bếp trẻ quyết học và làm những món ăn ngon để giành lấy trái tim của nữ tiếp viên hàng không - cô gái anh yêu. Khán giả xem phim được no mắt với những món ăn Việt Nam như phở, tào phớ, lẩu hoa, lẩu rau, xôi gà... Dự án nằm trong loạt phim Food Lore (Truyền thuyết ẩm thực) về đề tài ẩm thực do kênh HBO đặt hàng các nhà làm phim đến từ 8 quốc gia châu Á. Chàng dâng cá, nàng ăn hoa hay Mùi ngò gai, Kung Fu Phở nằm trong số hiếm những bộ phim của nhà làm phim Việt đưa ẩm thực Việt thành câu chuyện trung tâm, mà hầu hết chỉ thể hiện qua những hình ảnh, hay là yếu tố điểm xuyết trong phim.

Có thể thấy, trong bộ phim Mùi đu đủ xanh, hay Mùa hè chiều thẳng đứng, đạo diễn Trần Anh Hùng đã lồng ghép những cảnh quay ẩm thực tinh tế vào phim. Hay, hình ảnh về những món ăn xứ Huế được đưa vào phim Trăng nơi đáy giếng. Những chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực của Huế đã tham gia thực hiện những món ăn mang đến hình ảnh bữa tiệc xa hoa trong bộ phim Gái già lắm chiêu 3 gần đây. Thời gian vừa qua, một số bộ phim đưa hình ảnh, yếu tố ẩm thực Việt vào phim có thể kể: Thưa mẹ con đi với những món ăn thuần Việt, hay Chị trợ lý của anh với cà phê Việt...

Đặt hàng phim ẩm thực: tại sao không ?

Dễ nhận thấy, hầu như phim truyền hình Hàn Quốc nào cũng có cảnh nhân vật ăn món Hàn. Điện ảnh Hàn cũng không ngoại lệ. Ẩm thực Hàn xuất hiện trên phim ảnh nhiều đến nỗi khán giả khắp nơi trên thế giới có thể nhớ rõ những món ăn của đất nước này như kim chi, mì, bánh xèo, bánh gạo, hay rượu soju... Rõ ràng, phim ảnh là kênh quảng bá hữu hiệu cho văn hóa ẩm thực. “Câu chuyện quảng bá văn hóa ẩm thực Việt vẫn còn xa xỉ cho các dự án phim Việt, bởi họ chưa dám nghĩ lớn đến vậy, nhất là khi làm phim thương mại chiếu rạp. Chuyện sống chết của phim Việt chiếu rạp mấy năm nay vẫn là cuộc chiến căng thẳng”, ông Châu Quang Phước, chuyên gia truyền thông phim, nhìn nhận.

Cụ thể hơn, theo ông Phước, không phải các nhà làm phim Việt Nam không quan tâm chủ đề ẩm thực, mà vấn đề mấu chốt là kinh phí và lợi nhuận. “Nếu phim tập trung vào đề tài ẩm thực thì phải làm cho ra ngô ra khoai, thậm chí cần có sự tư vấn chuyên ngành, nếu không sẽ thành trớt quớt. Vậy nên, nhiều nhà sản xuất thà rằng chọn câu chuyện làm phim với thể loại kinh dị hoặc hình sự sẽ kịch tính và dễ hấp dẫn khán giả hơn. Ít người làm phim nào, hãng phim nào dám tập trung chủ yếu chủ lực vào đề tài ẩm thực mà chỉ mượn cớ thoáng qua trong một vài cảnh liên quan”, ông Phước nói. Bên cạnh đó, nhà làm phim khi đã đụng đến đồ ăn luôn tốn kém đạo cụ. Dễ hiểu, các cảnh liên quan luôn phải quay nhiều lần, trong khi đồ ăn mau hỏng và dễ xuống màu. “Bởi vậy, ngoại trừ phim có chủ đề ẩm thực, còn không thì trong đa số bộ phim, những hình ảnh liên quan đến ẩm thực chỉ làm cho qua, cho xong với hình ảnh bàn ăn, chẳng hạn”, ông Phước nói.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng khán giả ở đâu cũng thường có xu hướng muốn khám phá nền văn hóa khác, cảnh sắc khác, những câu chuyện xa lạ và khác biệt. “Cảnh sắc, câu chuyện của Việt Nam là điều mới mẻ đối với họ. Một phim với màu sắc Việt Nam sẽ khiến khán giả quốc tế thích thú hơn, và đó là cơ hội để những tác phẩm của nhà làm phim Việt Nam như tôi được quan tâm tại những liên hoan phim quốc tế”, ông Dũng nói. Theo nhà làm phim này, ẩm thực nằm trong số ngồn ngộn những câu chuyện của Việt Nam có thể làm phim để mang ra thế giới.

Ông Dũng cho rằng với những đề tài chưa được nhiều nhà sản xuất phim mặn mà trong khi mang nhiều giá trị quảng bá, có thể tạo nên giá trị gia tăng, nhà nước nên đồng hành với nhà làm phim. Theo đạo diễn Dũng, nhà nước nên có chính sách đặt hàng các nhà làm phim không chỉ chủ yếu là những bộ phim về đề tài chiến tranh mà đa dạng hơn như những bộ phim quảng bá được nhiều thương hiệu ẩm thực của Việt Nam. “Tôi lấy ví dụ như nước mắm Phú Quốc, lâu nay người ta hay nghĩ nên làm phim tài liệu với những đề tài như vậy, nhưng ta vẫn có thể làm nên bộ phim điện ảnh hay với cốt truyện hấp dẫn, nếu biết cách làm”, ông Dũng bày tỏ.

Theo thanhnien