leftcenterrightdel
 Bữa ăn trưa chỉ có cơm trắng của trẻ em Ấn Độ.

Tình trạng thiếu hụt thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới dinh dưỡng và sự phát triển của các em.

Hàng năm, chương trình Bữa ăn học đường tại Ấn Độ tài trợ cho khoảng 120 triệu trẻ em tại hơn một triệu trường học công lập toàn quốc. Chương trình đã đạt được nhiều thành công trong việc cung cấp dinh dưỡng cơ bản và duy trì học tập cho trẻ suốt 30 năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay lạm phát tăng, đẩy giá thực phẩm leo thang còn ngân sách thấp. Ban tổ chức phải cắt giảm khẩu phần ăn, khiến nhiều trẻ em không còn nhận được chế độ dinh dưỡng cần thiết.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho thấy lạm phát thực phẩm lên tới 6,3% vào tháng 6/2024, gấp đôi so với bốn năm trước. Giá thực phẩm, đặc biệt là rau củ, đã tăng hơn 10% trong gần 2 năm.

Nhiều hộ gia đình nghèo tại Ấn Độ phải vật lộn với chi phí sinh hoạt hàng ngày nên họ chấp nhận những bữa ăn tạm bợ. Nếu không có những bữa ăn này, trẻ em sẽ bị đói.

Em Ranjit Nayak, 8 tuổi sống tại Odisha, Ấn Độ, chia sẻ: “Khi ở nhà, em và em trai chỉ có thể ăn cơm không hoặc thậm chí bữa ăn chỉ có nước loãng. Bữa ăn học đường thường là bữa ăn đầu tiên trong ngày của chúng em”.

Một giáo viên từ Uttar Pradesh cho biết: “Trường chúng tôi đã phải chọn loại đậu lăng rẻ hơn và cắt giảm rau. Còn trái cây đã không xuất hiện trong bữa ăn của trẻ trong suốt 6 tháng qua”.

Bà Dipa Sinha, nhà kinh tế phát triển độc lập, nhận xét: “Dù chính phủ cung cấp ngũ cốc miễn phí cũng không thể bù đắp cho việc thiếu hụt các thành phần dinh dưỡng khác từ rau củ, thịt hay sữa”.

Ngân sách cho bữa ăn học đường “đóng băng” trong nhiều năm nay cũng dẫn đến những điều chỉnh khó khăn trong khẩu phần ăn. Các giáo viên phải cắt giảm nhiều chi phí và chọn các loại thực phẩm rẻ tiền hơn khiến các bữa ăn không còn đủ calo và protein quy định.

Đặc biệt, tình trạng lạm phát thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ em mà còn phản ánh tình hình kinh tế yếu kém của Ấn Độ. Gần 300 triệu người lao động ở nước này vẫn sống dưới ngưỡng lương tối thiểu mà chính phủ khuyến nghị, khiến họ không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản.

Các chuyên gia cảnh báo vấn đề hiện tại không chỉ phản ánh những thách thức dài hạn mà Ấn Độ phải đối mặt trong việc cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe cho thế hệ tương lai. Chính phủ cần phải đưa ra những chính sách cải thiện tức thời về ngân sách cho chương trình bữa ăn học đường cũng như điều chỉnh giá lạm phát.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), khoảng 55% dân số Ấn Độ không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này càng làm nổi bật sự cần thiết phải nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong các chương trình hỗ trợ bữa ăn học đường.

Theo giaoducthoidai