Theo tờ Mainichi Shimbun, ban giám hiệu một trường THCS tại TP.Okegawa (tỉnh Saitama) đối mặt làn sóng chỉ trích kể từ khi năm học mới bắt đầu vào tháng 4.
Khi đó, nhà trường đưa ra quy định nhấn mạnh: "Về mặt nguyên tắc, việc không uống (nước hoặc trà từ bình đựng nước) trong giờ học hoặc giờ làm bài kiểm tra được xem là hành vi lịch sự". Lý do nhà trường đưa ra là học sinh dễ bị mất tập trung khi với tay lấy chai nước trong lúc giáo viên đang giảng bài.
Tuy nhiên, quy định này vấp phải sự phản đối của một số phụ huynh khi cho rằng học sinh không uống đủ nước trong mùa nóng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đáp lại, hội đồng giáo dục TP.Okegawa đã ban hành thông báo vào ngày 24.6 nhấn mạnh học sinh phải uống đủ nước.
Kể từ đó, nhà trường thay đổi nội quy thành "không uống nước khi giáo viên đang nói chuyện trong lớp hoặc học sinh đang thảo luận theo nhóm". Dù vậy, lần thay đổi này tiếp tục bị phụ huynh và học sinh lên án.
Tờ Mainichi Shimbun ngày 11.10 dẫn lời các nguồn tiết lộ, nhà trường đã thông báo bãi bỏ nội quy gây tranh cãi trong thông báo gửi cho phụ huynh vào ngày 4.10.
Trong thông báo, nhà trường lý giải: "Trước tình hình thực tế ở trường, học sinh có thể uống nước bất kể khi nào các em muốn. Không có bất kỳ hạn chế nào về thời gian uống nước".
Trước đây, truyền thông Nhật Bản từng phản ánh những nội quy nhà trường phi lý đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Vào tháng 6.2024, tờ Mainichi Shimbun dẫn lời các học sinh phản ánh một lớp ở một trường THCS cũng tại TP.Okegawa (tỉnh Saitama) đưa ra một số nội quy riêng cho lớp do học sinh tự xây dựng như: không được dùng bữa ăn phụ nếu quên mang đồ dùng học tập đến lớp.
Hồi năm 2022, gần 200 trường Nhật Bản tuyên bố hủy bỏ nội quy gây tranh cãi về màu tóc và đồ lót của học sinh. Sau đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản lưu ý nhà trường cần phải có sự đồng thuận từ phụ huynh, học sinh khi đưa ra nội quy. Bên cạnh đó, nhà trường phải tiếp thu ý kiến phản biện, đề xuất của phụ huynh và học sinh để điều chỉnh bổ sung hoặc điều chỉnh nội quy kịp thời.
Theo Thanh niên