"Không đủ tình thương yêu, không theo nghề lâu được"
Có mặt tại Trường giáo dục chuyên biệt 15/5, Q.11, TP.HCM, chúng tôi chứng kiến những người thầy, người cô tận tình chăm sóc, bón cho trẻ ăn, ru trẻ ngủ, kiên nhẫn với những lần cáu giận, la hét, quậy phá đồ đạc của những em bé đặc biệt (tự kỷ, tăng động - kém tập trung, chậm phát triển…).
|
|
Cô giáo Trần Thị Hoài Nghi hỗ trợ các học sinh, trong đó có học sinh hòa nhập, trong lớp của mình |
"Công việc của chúng tôi từ 7 giờ sáng, liên tục tới 4 giờ chiều. Không chỉ dạy các em kiến thức mà còn thường xuyên đút cơm cho các em ăn, tắm rửa cho các em, kiên nhẫn dỗ dành… vì với các trẻ đặc biệt, sự tiến bộ có khi tính bằng tháng, bằng năm. Có khi các em đi vệ sinh vào người mình, hay những khi không kiểm soát được, có em phá đồ đạc, xé giấy tờ trong phòng, có khi cũng cào, đánh lại cô giáo bầm người… Người ngoài nhìn thì thấy khó, nhưng làm riết thì chúng tôi cũng thấy bình thường", thầy Ngô Hồng Minh Hà, giáo viên có 17 năm gắn với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt, chia sẻ.
Ở trường chuyên biệt không xếp lớp theo độ tuổi mà theo trình độ. Trẻ được học theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT dành cho giáo dục chuyên biệt cấp tiểu học. Chẳng hạn như mới vào trường, trẻ học cấp độ 1A (các bé chưa biết chữ, học theo ký hiệu, biểu tượng), trình độ 1B thì bé học chữ, chưa học vần; 1C thì mới học vần. Thầy Hà dạy ở lớp 1A, lớp có 10 bé trai. Công việc của người thầy - như một người cha với 10 cậu con trai cứ luôn tay luôn chân từ 7 giờ sáng tới 4 giờ chiều, vừa chăm sóc, vừa dạy dỗ, vừa là thầy giáo vừa là bảo mẫu, về tới nhà là mệt rã người, không thể làm thêm gì. Nhưng người thầy 52 tuổi tâm sự ông rất thương các em học sinh tại đây. "Ai cũng có một nghề nghiệp để cố gắng, để làm tốt với nó mỗi ngày. Với nghề giáo viên trường chuyên biệt, chúng tôi thấy rằng phải thương, phải yêu bọn trẻ rất nhiều thì mới có thể gắn bó lâu dài được", thầy Hà nói.
|
|
Theo thầy Ngô Hồng Minh Hà, với nghề giáo viên trường chuyên biệt, phải thương, phải yêu bọn trẻ rất nhiều thì mới có thể gắn bó lâu dài được |
"Đặt vào hoàn cảnh các em là con của mình"
Ở Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM, có cô giáo Trần Thị Hoài Nghi, người đã có 18 năm đi dạy và 7 năm kinh nghiệm giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật.
Năm học này, lớp của cô Nghi có 2 học sinh học hòa nhập. Trong các tiết học, hai bạn đều tham gia nhóm, thực hiện các bài tập nhóm dưới sự hỗ trợ, khích lệ của cô và các bạn. Có những lúc hai học trò này mệt, quậy, không muốn học, cô Nghi chạy tới dỗ dành. Cuối ngày, học sinh khác đã về hết, cô Nghi vẫn nán lại trò chuyện với các em, động viên các em viết chữ, làm toán…
Cô Nghi giải thích lý do cô luôn hết lòng với trẻ đặc biệt: "Với học trò bình thường, mỗi ngày các em đều mỗi tiến bộ, nhưng với các em đặc biệt, sự thay đổi có khi phải tính bằng tuần, bằng tháng, bằng năm, nhưng tôi rất vui và sẵn lòng chờ đợi các em. Tôi chỉ vất vả thêm một chút, nhưng cha mẹ các em, người sinh ra các em, đồng hành với các em từ khi lọt lòng đã phải vất vả, ngược xuôi hơn tôi rất nhiều. Tôi đặt vị trí những em nhỏ đó là con của tôi, chắc chắn tôi luôn mong các em nhận được sự chăm sóc, giáo dục, thương yêu của tất cả các thầy cô giáo".
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Để trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt (trong đó có trẻ tự kỷ) có sự tiến bộ tốt nhất, theo những người làm trong ngành giáo dục, cha mẹ không thể đứng ngoài cuộc dù con đang được can thiệp bởi một trung tâm giáo dục nào hay một giáo viên nào.
Thầy Ngô Hồng Minh Hà cho biết có những phụ huynh rất quan tâm tới việc học tập, ăn uống của con ở trường, mọi người hỏi thăm qua giáo viên, tham gia cùng con trong các hoạt động của nhà trường, về nhà chơi cùng con, học với con. Nhưng cũng có người chỉ cho con đến trường chuyên biệt là coi như đã xong nhiệm vụ, hay không chấp nhận tình trạng của con.
Theo thầy Hà, khi thấy con có những dấu hiệu khác thường hãy cho con đi kiểm tra sức khỏe để được can thiệp sớm và giai đoạn vàng để can thiệp sớm cho trẻ tốt nhất là trước 3 tuổi. Phụ huynh có thể liên hệ các trường chuyên biệt, trường khuyết tật công lập trong quận, huyện để tìm GV can thiệp sớm cho con, hoặc hiện nay cũng có GV can thiệp tại nhà, đừng cứ mãi không chấp nhận con, để tình trạng của con ngày càng nặng.
|
|
Trẻ em đặc biệt trong giờ can thiệp cá nhân với giáo viên |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, trú ở TP.HCM, đang là quản lý chuyên môn của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ hòa nhập Hanamiki, đồng thời là giáo viên can thiệp cá nhân của nhiều trẻ đặc biệt. Trước đây chị cũng có thời gian là "shadow teacher" - GV đi theo của các HS đặc biệt trong trường học hòa nhập. Lý do chị đến với công việc này, dù trước đó trải qua nhiều ngành học và công việc khác nhau, là vì con trai chị - một em bé tự kỷ.
Người mẹ từng có thời gian học trung cấp điều dưỡng, đi làm ở bệnh viện, sau đó từng đi làm ở một phòng tuyển sinh trường mầm non thục. Tới khi chị kết hôn, sinh con, em bé được cả nhà rất chờ đợi, hy vọng. Bé mới sinh rất bụ bẫm, dễ thương nhưng dần dần con có những hành vi khác lạ như gọi mà không đáp ứng, không quay lại, tới khi bé 3 tuổi là bùng nổ nhiều hành vi khác.
Sau quá trình đưa con đi kiểm tra, vợ chồng chị Mai đối mặt với kết quả con được xác định là rối loạn phổ tự kỷ. Vợ chồng chị rối bời, không biết bắt đầu từ đâu để có thể giúp con.
"Chúng tôi từng mỗi ngày chạy xe từ nhà ở H.Bình Chánh tới Q.7 để cho con đi học một trường chuyên biệt, nhưng con khóc ngằn ngặt và không tiến bộ. Hay có thời điểm tôi quyết định nghỉ hết mọi việc, không đi làm gì, chỉ ở nhà, 9 tháng ở hoàn toàn bên cạnh con. Nhưng tôi nhận ra mình không thể đồng hành với con nếu như mình không có đủ kiến thức. Tôi đi học", chị Ngọc Mai hồi tưởng lại.
Chị Ngọc Mai đi học lớp can thiệp âm ngữ trị liệu do một bệnh viện tại TP.HCM tổ chức để có thể biết cách hỗ trợ tốt nhất cho con. Tiếp tục, chị đã hoàn thành xong khóa nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Người mẹ can đảm, bền bỉ cũng đang học liên thông đại học, ngành sư phạm mầm non, năm 2025 sẽ tốt nghiệp với dự định sau này sẽ làm việc trong trường mầm non, có thể dạy dỗ, chăm sóc tốt nhất cho trẻ hòa nhập. Mỗi ngày, hai vợ chồng chị đều chơi cùng con, học cùng con, cho con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Bé trai giờ đã 11 tuổi, con đã tiến bộ rất nhiều, bé cao gần bằng mẹ, rất thương yêu ba mẹ. "Tôi muốn có thêm nhiều kiến thức hơn nữa, để đồng hành với con trai mình và có thể đồng hành, giúp đỡ được nhiều trẻ em tự kỷ khác…", người mẹ bộc bạch.
Cùng xây dựng môi trường đầy yêu thương
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết trường chuyên biệt là lĩnh vực công tác rất vất vả đối với các thầy cô giáo, vì là nơi tổ chức tiếp nhận và giảng dạy cho trẻ em bị khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ…
"Việc giảng dạy trẻ khuyết tật được bám sát theo giáo trình đặc biệt, bên cạnh đó các thầy cô còn xây dựng một số giáo án để phù hợp với từng nhóm học sinh. Tôi quan sát thấy được thầy cô dạy trẻ khuyết tật đều giảng dạy bằng chính tình yêu thương của mình đối với học sinh… Qua đó, tôi mong muốn phụ huynh, gia đình hãy chung tay, hỗ trợ và thấu hiểu các thầy cô trường chuyên biệt để cùng nhau xây dựng một môi trường học đầy yêu thương đối với trẻ khuyết tật", bà Thuận nói.
|
Theo Thanh niên